Banner trang chủ

Ðẩy mạnh công tác truyền thông trong quản lý chất thải y tế giai đoạn 2017 - 2021

12/07/2017

   BVMT trong các cơ sở y tế (CSYT) là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm kiểm soát hiệu quả các nguồn chất thải y tế (CTYT), trong đó nhấn mạnh tới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các CSYT. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1119/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch truyền thông về quản lý chất thải y tế (QLCTYT) giai đoạn 2017 - 2021 (Kế hoạch) với mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức và tăng cường thực hiện các quy định về QLCTYT nhằm thực hiện hiệu quả công tác QLCTYT và xây dựng CSYT xanh - sạch - đẹp.

Công tác thu gom, phân loại chất thải y tế tại Bệnh viện E

   Hiện trên cả nước có 13.640 CSYT, bao gồm 1.263 cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân; 1016 cơ sở thuộc hệ dự phòng tuyến Trung ương, tỉnh, huyện; 77 cơ sở đào tạo y dược tuyến Trung ương, tỉnh; 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã. Theo đó, ước tính có khoảng 350 tấn chất thải rắn phát sinh từ các CSYT, trong đó có 40,5 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại.

   Trong thời gian qua, ngành y tế và các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác BVMT y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và cộng đồng. Tuy nhiên, công tác BVMT y tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đó là: việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị, giải pháp công nghệ cho các hoạt động xử lý chất thải y tế còn hạn chế; công tác quản lý dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại chưa được quan tâm đúng mức; ý thức BVMT của một số nhân viên y tế và cộng đồng còn chưa cao…

   Nhằm tăng cường công tác BVMT y tế nói chung và CTYT nói riêng, bên cạnh công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra cùng với các giải pháp khoa học công nghệ, thì công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ nhân viên y tế trong các CSYT đóng vai trò quan trọng. Đây được coi là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược trong BVMT y tế với mục tiêu đạt được là làm cho từng người dân, nhất là các nhân viên y tế có kiến thức cần thiết về môi trường y tế, QLCTYT. Qua đó từng bước xây dựng nền đạo đức sinh thái cho cộng đồng và nhân viên y tế.

   Trên cơ sở đó, Kế hoạch truyền thông về QLCTYT giai đoạn 2017-2021 đã đặt ra các mục tiêu: Nâng cao nhận thức về trách nhiệm chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, TN&MT, lãnh đạo địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác QLCTYT, đảm bảo nguồn lực cho các CSYT thực hiện QLCTYT; Tăng cường chỉ đạo và quản lý của cán bộ lãnh đạo tại các CSYT đối với công tác QLCTYT; Cải thiện thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT của nhân viên y tế tại các CSYT; Nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ gìn vệ sinh môi trường của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ tại các CSYT và cộng đồng sống xung quanh CSYT; Tăng cường sự tham gia giám sát thực hiện QLCTYT của cộng đồng đối với các CSYT nhằm đẩy mạnh hiệu quả BVMT; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ, nâng cao năng lực truyền thông và tăng cường thực hiện công tác truyền thông về QLCTYT tại các CSYT góp phần nâng cao hiệu quả BVMT y tế. Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đưa ra các nhóm hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLCTYT:

   Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi, làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ CTYT cho mỗi cá nhân và cộng đồng bằng cách phổ biến quy định về QLCTYT qua nhiều kênh truyền thông khác nhau. Đồng thời, nâng cao nhận thức về trách nhiệm QLCTYT và cải thiện thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT của nhân viên y tế tại các CSYT; Tăng cường chỉ đạo và quản lý của cán bộ lãnh đạo tại các CSYT đối với công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp tới cán bộ y tế, nhân viên của các khoa phòng và triển khai các hình thức truyền thông rộng rãi như phát động cuộc thi, xây dựng đơn vị điển hình tiên tiến thực hiện QLCTYT, nhân rộng bệnh viện kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp, tổ chức hội thảo, tập huấn về QLCTYT; Nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ vệ sinh môi trường của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ tại các CSYT và cộng đồng sống xung quanh CSYT bằng hình thức hướng dẫn và khuyến khích thực hiện.

   Tổ chức truyền thông vận động chính sách và huy động nguồn lực cho các CSYT thực hiện QLCTYT. Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình vận động chính sách và huy động các nguồn lực để quản lý hiệu quả CTYT. Thông qua các hội thảo, diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà hoạch định chính sách sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện về các biện pháp QLCTYT để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Để đưa ra được quyết sách phù hợp, các nhà hoạch định chính sách cần có thông tin đầy đủ và những bằng chứng khoa học được tiến hành trong thực tế, đồng thời lắng nghe những nguyện vọng của người dân, đặc biệt của những người đang bị ảnh hưởng bởi CTYT.

   Công khai thông tin minh bạch và huy động sự tham gia của cộng đồng và các cơ quan truyền thông trong giám sát thực hiện QLCTYT. Việc công khai thông tin trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về QLCTYT là yêu cầu cần thiết để duy trì sự ổn định của pháp luật và tạo niềm tin người dân vào cơ quan quản lý nhà nước. Công tác kiểm tra, đánh giá hệ thống xử lý nước thải của CSYT; kiểm soát chặt chẽ quy trình thu gom CTYT; quá trình chuyển giao cho các đơn vị thu gom và xử lý; hoàn thiện hệ thống hồ sơ quản lý quy trình xử lý chất thải theo quy định cần được tiến hành thường xuyên. Đây cũng là cơ sở để cộng đồng và các cơ quan truyền thông giám sát việc thực hiện QLCTYT tại các CSYT.

Lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện quản lý chất thải y tế

   Tổ chức thực hiện công tác truyền thông về QLCTYT trong CSYT thông qua các hoạt động hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ, thực hiện công tác QLCTYT tại các CSYT, tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho mạng lưới truyền thông về QLCTYT trong CSYT, triển khai giám sát và đánh giá hiệu quả công tác truyền thông về QLCTYT.

   Để có được môi trường CSYT xanh - sạch - đẹp, công tác QLCTYT là vấn đề được quan tâm hiện nay không những riêng của ngành y tế mà còn của cả các ban ngành khác có liên quan để bảo đảm môi trường sống an toàn. Công tác QLCTYT đạt hiệu quả cần xuất phát từ sự nâng cao nhận thức - thái độ - hành vi, mà công tác truyền thông giáo dục là một biện pháp khởi đầu quan trọng và cần thiết.

Phan Thị Lý

Bộ Y tế

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn