Banner trang chủ

Thực trạng phát sinh và giải pháp quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

18/12/2024

    Chất thải rắn y tế (CTRYT) là các loại chất thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu y học, sản xuất và thử nghiệm sinh phẩm y tế. Tại tỉnh Lạng Sơn, nơi mạng lưới y tế bao gồm cả bệnh viện công tuyến tỉnh, huyện cùng nhiều cơ sở tư nhân, lượng CTRYT đang gia tăng nhanh chóng. Điều này đặt ra áp lực lớn lên nguồn lực, công nghệ và năng lực quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, công tác xử lý CTRYT ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, không đồng bộ của công nghệ xử lý, thiếu hụt tài chính và nhân lực chuyên môn. Thực trạng này khiến nhiều cơ sở y tế trên địa bàn chưa thực hiện tốt việc phân loại, thu gom, lưu trữ và xử lý CTRYT, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

    Bài viết đánh giá thực trạng quản lý CTRYT tại Lạng Sơn, nhận diện các khó khăn và hạn chế, đồng thời đề xuất giải pháp dựa trên đặc thù điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm góp phần cải thiện hiệu quả quản lý CTRYT, hướng đến mục tiêu BVMT và phát triển bền vững.

1. Thực trạng phát sinh và quản lý, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

    Hiện nay, lượng CTRYT của nước ta đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong các giai đoạn có ảnh hưởng lớn như đại dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 440 tấn CTRYT, trong đó khoảng 71,5 tấn (16%) là chất thải nguy hại cần xử lý đặc biệt [2]. CTRYT chứa thành phần rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa, mô hình cơ sở y tế và vị trí địa lý [3].

    Tỉnh Lạng Sơn nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, giáp biên giới Trung Quốc với diện tích tự nhiên khoảng 8.331 km² chủ yếu là đồi núi, chiếm hơn 80% diện tích, các dãy núi thấp xen kẽ thung lũng và sông suối. Nơi đây có bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, bao gồm Tày, Nùng, Dao, Kinh và các dân tộc thiểu số khác.Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 6 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, 10 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, 25 phòng khám đa khoa khu vực, 9 trung tâm y tế dự phòng, 226 trạm y tế xã phường và 1 cơ sở nghiên cứu y dược. Theo Báo cáo của Sở y tế Lạng Sơn, tổng lượng CTRYT nguy hại phát sinh trung bình từ 1,2 đến 1,5 tấn mỗi ngày tương đương khoảng 438 - 547,5 tấn/năm, khoảng 60% đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, còn lại từ các trạm y tế cơ sở và khu vực tư nhân. Trong đó, CTRYT thông thường chiếm khoảng 70 - 80% tổng lượng CTRYT, chủ yếu là rác thải sinh hoạt tại các bệnh viện, trạm y tế; CTRYT nguy hại gồm chất thải lây nhiễm, hóa chất độc hại và vật liệu sắc nhọn, chiếm khoảng 15 - 20%, với rủi ro cao gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng [6].

    Bệnh viện Đa khoa là cơ sở y tế lớn của tỉnh, có 635 giường bệnh, mỗi ngày phát sinh khoảng 150 kg rác thải y tế, gồm: bông băng, gạc, bơm tiêm nhựa, bộ phận cắt bỏ trong phẫu thuật… đây là mầm mống gây dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Để tăng cường công tác thu gom, xử lý, quản lý CTRYT, bệnh viện thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ nhân viên thu gom, phân loại và xử lý rác thải y tế theo đúng quy định; bố trí các thùng rác với màu sắc khác nhau tại các khoa, phòng, buồng bệnh để phân biệt giữa rác thải sinh hoạt và rác thải y tế. Khi được thu gom đến điểm tập kết chung của bệnh viện, rác sẽ được phân loại lần 2. Rác thải sinh hoạt được bệnh viện hợp đồng với các công ty môi trường đến thu gom xử lý, còn rác thải y tế được xử lý tại lò đốt rác.

    Về công tác xử lý rác, hiện nay, lượng CTRYT phát sinh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu được chôn lấp hoặc đốt tại các lò đốt công nghệ cũ, quy mô nhỏ lẻ. Một số cơ sở y tế trên địa bàn như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện từng trang bị lò đốt rác. Tuy nhiên, hiện chỉ còn lò đốt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoạt động, với công  suất 600kg/ngày, trong khi các lò đốt tuyến huyện đã ngừng sử dụng hoặc xuống cấp nghiêm trọng và đang dần được thay thế bằng công nghệ lò hấp rác [6].

    Theo Báo cáo công tác quản lý CTRYT tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024, Sở y tế Lạng Sơn đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 11,4 bác sĩ và 33,6 giường bệnh trên 1 vạn dân đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với tốc độ gia tăng dân số trung bình từ 1-1,5%/năm, ước tính đến năm 2030 lượng CTRYT tại Lạng Sơn có thể tăng từ 60-80% so với hiện nay đòi hỏi cần có các chính sách kiểm soát hiệu quả và cải thiện công nghệ xử lý CTRYT [6].

    Hiện nay, hệ thống quản lý CTRYT của Lạng Sơn vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo Báo cáo của Sở Y tế (2023), toàn tỉnh hiện có 18 đơn vị y tế phải thực hiện hồ sơ quản lý về chất thải y tế. Qua theo dõi, chỉ có 14/18 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ có 11/14 đơn vị có kết quả quan trắc nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định; 12/18 cơ sở có sử dụng lò đốt để xử lý chất thải y tế nhưng chỉ có 5/12 đơn vị có kết quả quan trắc khí thải lò đốt đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, hiện tại một số bệnh viện vẫn còn lượng rác thải rắn nguy hại không lây nhiễm như: bóng đèn huỳnh quang hỏng, vỏ chai đựng thuốc có chất độc tế bào… đang bị tồn lại ở các kho do không có đơn vị nào nhận hợp đồng xử lý.

    Về rác thải y tế nguy hại, trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn trên 5.000 tấn rác thải rắn nguy hại không lây nhiễm chưa được xử lý [6]. Nguyên nhân là do các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh không có hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại nên phải hợp đồng với các đơn vị y tế có hệ thống xử lý rác thải nguy hại để xử lý. Trong khi đó,  việc phân loại chất thải tại nguồn chưa đồng bộ, nhiều cơ sở y tế thiếu thiết bị lưu trữ chuyên dụng và công nghệ xử lý lò đốt tại chỗ không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải hiện hành. CTRYT nguy hại phải vận chuyển ra ngoài tỉnh để xử lý, làm tăng chi phí và nguy cơ môi trường.

    Ngoài ra, việc phân loại và thu gom CTRYT tại nguồn chưa hiệu quả, công nghệ xử lý bằng các lò đốt rác cũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức của nhân viên y tế và cộng đồng về quản lý chất thải còn hạn chế…

2. Đề xuất một số giải pháp về thu gom, xử lý, quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

    Để tăng cường công tác quản lý CTRYT, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 15/12/2022 về thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTRYT, với mục tiêu xử lý 100% chất thải nguy hại tại các cơ sở y tế đến năm 2025.

    Quy định này áp dụng đối với các cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược trên địa bàn tỉnh và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý và các cơ quan quản lý CTRYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

    Về thu gom chất thải lây nhiễm, quy định nêu rõ, cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom. Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín. Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung.

    Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế. Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thủy ngân ra môi trường. Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng…

    Để thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp về thu gom, xử lý quản lý CTRYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đề xuất như:

    Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả phân loại và thu gom CTRYT tại nguồn, đặc biệt tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở y tế cần xây dựng và áp dụng quy định phân loại CTRYT thống nhất với hệ thống thùng đựng chuyên dụng, được mã hóa màu sắc và nhãn hiệu rõ ràng. Đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế và nhân viên vệ sinh cần được đào tạo định kỳ để nâng cao nhận thức và kỹ năng phân loại, đảm bảo CTRYT nguy hại được tách biệt hoàn toàn khỏi các loại chất thải thông thường ngay từ đầu.

    Thứ hai, cải thiện hạ tầng lưu giữ và vận chuyển CTRYT. Các cơ sở y tế nên đầu tư trang bị thiết bị lưu trữ đạt chuẩn, đảm bảo an toàn trong thời gian lưu giữ trước khi xử lý, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt các điều kiện nhiệt độ và vệ sinh tại khu vực lưu trữ. Trong quá trình vận chuyển, cần sử dụng phương tiện chuyên dụng đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải nguy hại để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ hoặc phát tán chất thải ra môi trường.

    Thứ ba, đổi mới công nghệ xử lý CTRYT là yếu tố then chốt. Trong bối cảnh tỉnh Lạng Sơn có địa hình đồi núi chiếm ưu thế, việc xây dựng cơ sở xử lý CTRYT cần phù hợp với điều kiện tự nhiên và giao thông khó khăn. Cần đầu tư các lò xử lý hiện đại như lò đốt công nghệ mới và hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn, đặt tại các trung tâm y tế huyện hoặc cụm liên xã để giảm khoảng cách vận chuyển. Đồng thời, xây dựng các trung tâm xử lý CTRYT tập trung nhằm giảm phụ thuộc vào các cơ sở ngoài tỉnh, tăng khả năng xử lý chất thải ngay tại chỗ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các cơ sở y tế trong tỉnh.

    Thứ tư, trong công tác quản lý và giám sát CTRYT, áp dụng hệ thống giám sát thông minh để theo dõi toàn bộ quy trình từ phát sinh, lưu trữ đến xử lý chất thải. Hệ thống GPS có thể được áp dụng cho vận chuyển CTRYT nguy hại, giúp ngăn chặn các hành vi vi phạm hoặc thất thoát. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra định kỳ tại các cơ sở y tế cũng cần được thực hiện để đảm bảo tuân thủ quy định.

    Thứ năm, tăng cường nguồn lực đầu tư, huy động nguồn ngân sách từ địa phương, Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các dự án hợp tác công tư (PPP). Các đơn vị xử lý CTRYT đạt chuẩn cũng cần được hưởng các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư vào công nghệ hiện đại.

    Thứ sáu, thúc đẩy nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực xử lý CTRYT, học hỏi các mô hình quản lý CTRYT hiệu quả từ các quốc gia phát triển để áp dụng trong thực tế phù hợp với điều kiện của địa phương.

    Thứ bảy, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ tác động tới môi trường và sức khỏe từ CTRYT. Các chiến dịch truyền thông qua báo đài, mạng xã hội và các chương trình tại địa phương sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của họ trong việc giám sát, hỗ trợ quản lý CTRYT và báo cáo các vi phạm.

4. Kết luận

    Từ thực trạng công tác thu gom, quản lý, xử lý CTRYT tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tỉnh đã triển khai các lò đốt và một số công nghệ xử lý CTRYT, nhưng quy mô và công nghệ hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu BVMT và sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, lượng CTRYT dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới, yêu cầu có những giải pháp hiệu quả hơn trong phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế, đồng thời cải thiện công nghệ xử lý và quản lý chất thải.

    Để cải thiện công tác thu gom, xử lý, quản lý CTRYT trên địa bàn, việc phân loại và thu gom CTRYT tại nguồn cần được ưu tiên, đồng thời kết hợp với nâng cao nhận thức và đào tạo đội ngũ y tế nhằm đảm bảo hiệu quả và sự đồng bộ trong thực hiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện với môi trường, chẳng hạn như thay thế các lò đốt cũ bằng lò đốt công nghệ tiên tiến, trở thành một yêu cầu cấp bách. Trong đó, giải pháp xử lý được đề xuất là chuyển đối sang công nghệ đốt rác áp xuất âm không khói kết hợp công nghệ đóng rắn đối với chất thải y tế không đốt được. Hợp tác liên vùng hoặc xây dựng các cơ sở xử lý tập trung cũng được xem là giải pháp tối ưu để giảm chi phí và hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại ra ngoài tỉnh. Ngoài ra, cần tập trung vào các giải pháp như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện công nghệ xử lý, tăng cường đào tạo chuyên môn và hợp tác với các đơn vị xử lý chuyên nghiệp. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc huy động nguồn lực tài chính và hợp tác với các đơn vị xử lý chuyên nghiệp cũng là các yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý CTRYT tại Lạng Sơn.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Đề tài Cơ sở 2024 do Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì: “Nghiên cứu thực trạng khu xử lý rác thải y tế tập trung bằng công nghệ đốt áp suất không khói tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn và đề xuất giải pháp giảm thiểu”.

 

Nguyễn Thị Hoa, Khuất Thị Hồng, Ngô Trà Mai, Nguyễn Thị Thúy Hằng

Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Tài liệu tham khảo

1. World Health Organization. (2020). Health-care waste.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bản tin. https://www.monre.gov.vn/Pages/ty-le-chat-thai-ran-y-te-cua-benh-vien-duoc-xu-ly-dat-95.aspx.

3. T. D. T. Nguyen, K. Kawai, and T. Nakakubo, “Estimation of COVID-19 waste generation and composition in Vietnam for pandemic management,” Waste Manag. Res., vol. 39, no. 11, pp. 1356–1364, Nov. 2021, doi: 10.1177/0734242X211052849/ASSET/IMAGES/LARGE/10.1177_0734242X211052849-FIG5.JPEG.

4. Đ. T. T. Phạm Ngọc Châu, “Thực Trạng chất thải rắn y tế của các bệnh viện và thách thức trong phòng dịch COVID-19,” Tạp chí Môi trường, vol. II, pp. 3–7, 2021.

5. C. ty cổ phần S. V. Nam, “Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án ‘Khu xử lý rác thải y tế tập trung bằng công nghệ áp suất âm không khói trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn’". 2024.

6. Báo cáo công tác quản lý CTRYR tỉnh Lạng Sơn, 2024.

Ý kiến của bạn