Banner trang chủ

Tăng cường năng lực quốc gia trong công tác bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen

30/07/2021

   Nhằm góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, trong thời gian qua (tháng 10/2016 - 5/2021), Tổng cục Môi trường đã triển khai Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam (ABS)”. Dự án vừa khép lại với những kết quả đạt được như xây dựng hệ thống chính sách, văn bản về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Hỗ trợ thiết lập cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; đặc biệt là việc triển khai thí điểm mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Lào Cai. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Phó Giám đốc Dự án ABS.

PV: Xin bà cho biết, việc triển khai Dự án ABS có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen được thông qua tại Hội nghị thứ 10 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (ĐDSH) vào ngày 29/10/2010 tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.

    Mục tiêu của Nghị định thư Nagoya về ABS là thúc đẩy việc chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, đặc biệt nhấn mạnh chủ quyền của quốc gia sở hữu nguồn gen và trách nhiệm của bên tiếp cận nguồn gen phải chia sẻ lợi ích cho bên cung cấp nguồn gen, đóng góp cho việc bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các thành phần của ĐDSH.

    Việt Nam là một trong các trung tâm ĐDSH của thế giới với nhiều nguồn gen quý, đặc hữu. Đối với Việt Nam, nguồn gen càng có ý nghĩa lớn khi mà nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp vẫn chiếm một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội. Nhiều nguồn gen của Việt Nam đã được đưa ra nước ngoài để lưu giữ, nghiên cứu, phát triển sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, trước khi Nghị định thư Nagoya có hiệu lực, Việt Nam chưa có đủ hành lang pháp lý để kiểm soát và bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn gen bị thất thoát.

    Nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của quốc gia đối với nguồn gen trên phạm vi lãnh thổ của nước ta, Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 31 tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Theo yêu cầu của Nghị định thư, nước thành viên cần thiết lập hệ thống luật pháp, các cơ quan hành chính và thiết lập các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ABS.  Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quốc gia cần tham mưu cho Chính phủ thực hiện các yêu cầu này.

    Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ được thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2021 đã có sự hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời để thực hiện nhiệm vụ trên, góp phần hỗ trợ tăng cường năng lực quốc gia trong việc thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Thông qua dự án, hành lang pháp lý về ABS được hình thành,  nhận thức, năng lực của các bên liên quan được xây dựng, các hoạt động thực thi Nghị định thư ABS đã được triển khai hiệu quả.

PV: Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật của Dự án ABS?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Qua 4 năm thực hiện Dự án ABS, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

    Hình thành hành lang pháp lý để quản lý ABS: Các văn bản đã được xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án ABS: Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, Thông tư số 10/2020/TT-BTNMT hướng dẫn về biểu mẫu báo cáo về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại. Đây là hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện các hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam.

    Năng lực thực thi quy định về ABS được tăng cường: Thông qua Dự án ABS, năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích của các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là hai cơ quan có thẩm quyền quốc gia Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được tăng cường nhằm xử lý các hồ sơ, các yêu cầu về cấp phép tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, các hồ sơ chuyển nguồn gen ra nước ngoài. Không những thế, Dự án ABS cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền quốc gia và các cơ quan khác trong việc quản lý nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen như Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Dược liệu (Bộ Y tế)… Thêm vào đó, Dự án ABS cũng hỗ trợ thiết lập các công cụ hỗ trợ quản lý tiếp cận nguồn gen như trang thông tin điện tử về ABS, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn gen quốc gia...

    Nhận thức về vấn đề ABS được nâng lên: thông qua các chương trình truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức, các thông tin về ABS đã được phổ biến tới nhiều đối tượng có liên quan, bao gồm cơ quan quản lý liên quan (tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn) cấp trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực ABS. Nhờ đó, trong quá trình triển khai các quy định về ABS được thực hiện một cách thuận lợi vì các bên liên quan đã có hiểu biết về vấn đề này.

   Kiến tạo mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích: Đặc biệt, Dự án đã triển khai thành công mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại tỉnh Lào Cai. Theo đó, Dự án thí điểm hỗ trợ thiết lập các thỏa thuận (hợp đồng) ABS, bao gồm hỗ trợ Công ty SapaNapro phát triển sản phẩm dầu xoa bóp giảm đau Dao’s Spa. Lợi ích thu được từ việc thương mại hóa sản phẩm Dao’spa Xoa bóp Dao Đỏ được chia sẻ đến người dân địa phương dưới 2 hình thức: Hợp đồng chia sẻ lợi ích giữa Công ty SapaNapro – là đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm và 9 thầy lang người Mông, người Dao – là những người cung cấp tri thức về cây thuốc/bài thuốc giảm đau làm cơ sở ban đầu cho nghiên cứu & phát triển sản phẩm; Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích giữa Công ty SapaNapro và những nhóm/hộ gia đình trồng, thu hái cây thuốc nguyên liệu. Các hợp đồng này đã được đàm phán, thỏa thuận, thống nhất giữa các bên và xây dựng theo mẫu quy định tại Nghị định số 59/2017/NĐ-CP.

    Nhìn chung, những kết quả của Dự án đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Nghị định thư Nagoya về ABS ở Việt Nam và được chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

PV: Bà đánh giá thế nào về tính hiệu quả, tác động và bền vững của Dự án ?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Việc thực hiện Dự án đã tạo ra môi trường pháp lý để phát triển thị trường về tiếp cận nguồn gen và đảm bảo quyền và lợi ích công bằng và hợp lý của các bên khi tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam. Tính bền vững của Dự án được thể hiện ở việc hình thành môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện ABS, nâng cao nhận thức của các bên liên quan và xây dựng năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam để thực hiện các yêu cầu về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen, đặc biệt trong việc thực hiện, tuân thủ, giám sát và theo dõi trong khuôn khổ các quy định về ABS quốc gia. Các nhà cung cấp sẽ hiểu hơn về giá trị của tài nguyên di truyền mà họ sở hữu, và sẽ có năng lực hơn trong khả năng đàm phán với người sử dụng phù hợp với các nguyên tắc về ABS. Người sử dụng sẽ có ý thức hơn về trách nhiệm của mình để chia sẻ lợi ích tài nguyên di truyền với các nhà cung cấp, từ đó tạo ra các điều khoản đồng thuận (MAT) để làm minh bạch việc sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền cho các mục đích nghiên cứu và thương mại, cũng như đảm bảo lợi ích từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền trong chia sẻ công bằng và hợp lý giữa nhà nước và cộng đồng. Điều này sẽ tạo ra cơ sở cho việc đảm bảo tính bền vững về sử dụng tài nguyên di truyền và quản lý ABS, góp phần vào việc bảo tồn ĐDSH và an sinh xã hội.

PV: Từ các kết quả của Dự án, bà có những đề xuất giải pháp gì để công tác quản lý việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen đạt được hiệu quả tại Việt Nam?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Để công tác quản lý việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen đạt được hiệu quả tại Việt Nam, theo tôi cần   phổ biến các kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn nguồn gen và ABS; tiếp tục nâng cao nhận thức về ABS, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu có liên quan để hiểu và thực hiện các quy định về ABS; thiết lập các cơ chế để bảo vệ tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen; sửa đổi nội dung chưa phù hợp trong Luật ĐDSH về các vấn đề bất cập liên quan đến ABS, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế sử dụng lợi ích từ ABS hỗ trợ cho công tác bảo tồn ĐDSH.

    Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2021)

Ý kiến của bạn