Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

30/10/2024

    Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, tỉnh Hưng Yên là địa phương có nguồn tài nguyên nước (TTN) mặt phong phú, dồi dào, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, đe dọa đến an ninh nguồn nước (ANNN), tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững (PTBV) nền kinh tế trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, chủ động phòng ngừa, hạn chế nguồn gây ô nhiễm, tăng cường bảo vệ TNN đang là vấn đề đặt ra mang tính cấp bách cả về lý luận và thực tiễn cho các cấp ngành cũng như chính quyền địa phương. Xuất phát từ yêu cầu đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) về môi trường nói chung, vi phạm về an toàn, ANNN nói riêng.

    1. Quy định về tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường

    1.1. Tội phạm về môi trường

    Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, các tội phạm có tính chất xâm phạm đến môi trường được quy định rải rác ở nhiều chương khác nhau, tuy nhiên, việc quy định hành vi phạm tội về môi trường chỉ giới hạn trong các lĩnh vực theo cách hiểu truyền thống, chịu sự tác động của môi trường như mua bán, chuyển nhượng đất đai, khai thác rừng, khai thác trái phép tài nguyên, mà chưa bao quát hết được các hành vi của tội phạm về môi trường. Đến BLHS năm 1999, lần đầu tiên các tội phạm về môi trường được tách ra thành một chương riêng, bao gồm 11 Điều (từ Điều 192 - Điều 191); những hành vi xâm hại đến môi trường đã được tội phạm hóa tại 25 cấu thành tội phạm (10 cấu thành tội phạm cơ bản; 10 cấu thành tội phạm tăng nặng và 5 cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng). Phần lớn các tội phạm môi trường (9/11 tội) được quy định trong BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có cấu thành vật chất, tức là để khẳng định tội phạm hoàn thành cần chứng minh được những hành vi vi phạm gây ra hậu quả cụ thể, có mối quan hệ nhân quả. Trong bối cảnh hành vi xâm hại môi trường phức tạp, phổ biến hiện nay thì cấu thành vật chất chưa phát huy được vai trò trong xử lý các tội phạm về môi trường (TS. Ngô Ngọc Diễm, 2023).

    Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), tội phạm về môi trường tiếp tục được quy định thành chương riêng (Chương XIX: Các tội phạm về môi trường), với 12 Điều (từ Điều 235 - Điều 246), gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) (Điều 235); tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240); tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 241); tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242); tội hủy hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246). BLHS năm 2015 đã tiếp thu được phần lớn những quy định của pháp luật quốc tế quy định về tội phạm môi trường để hoàn thiện hơn quy định về nhóm các hành vi xâm hại đến môi trường được quy định là tội phạm, như: Cụ thể hóa các hành vi phạm tội; xây dựng cấu thành tội phạm môi trường có cấu thành hình thức; mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền cũng như bổ sung chủ thể của trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại, từ đó hướng tới BVMT hiệu quả và khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. So với BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999, các tội phạm về môi trường trong BLHS năm 2015 cũng được quy định cụ thể hơn, tuy nhiên, vẫn chưa đưa ra được khái niệm về tội phạm về môi trường, cũng như chưa nội luật hết các hành vi xâm hại đến môi trường.

    1.2. Hành vi vi phạm pháp luật về môi trường

    VPPL trong lĩnh vực môi trường là những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm. Đây là những vi phạm các quy tắc, quy định về bảo vệ, quản lý, khai thác TN&MT, gây ra tác động tiêu cực lên môi trường và đời sống cộng đồng. Trong lĩnh vực môi trường, vi phạm hành chính (VPHC) có thể bao gồm nhiều loại hành vi, từ không tuân thủ các quy định xử lý chất thải; không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ diện tích rừng, đến những vi phạm nghiêm trọng như gây ÔNMT; khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; xâm phạm khu vực bảo tồn, rừng nguyên sinh và hầm mỏ…

    Hành vi VPPL về môi trường thường được quy định tại các văn bản pháp luật như Luật BVMT, khoản 2, Điều 1, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1, Điều 1, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, trong đó quy định rõ các hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật); Chương II, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT... Các hình thức VPHC có thể liên quan đến việc xâm phạm đến diện tích đất đai, không gian biển, rừng, sông, ao hồ; không tuân thủ các quy định về quản lý, vận hành, giám sát công trình, dự án môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ các khu vực đặc biệt như khu vực bảo tồn, vùng nguồn nước, khu vực đa dạng sinh học; vi phạm về bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên...

Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó

với các mối đe dọa an ninh môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tổ chức ngày 15/5/2024

    Các VPHC trong lĩnh vực môi trường thường gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả môi trường và con người. Đối với những hành vi gây ÔNMT, xâm phạm đến các khu vực bảo tồn và sinh thái quan trọng có thể làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài động, thực vật. Vi phạm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững có thể làm suy thoái đất đai, suy giảm sản xuất nông nghiệp và gây lũ lụt, hạn hán, sạt lở. Vi phạm về quản lý công trình, dự án môi trường có thể gây ra tai nạn và thảm họa môi trường nghiêm trọng như sụp đổ đập, nứt vỡ đường ống dẫn dầu, ô nhiễm nước sông, biển... Đối diện với những thách thức, vấn đề môi trường ngày càng tăng cao, việc thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định về BVMT là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự đồng lòng, đồng thuận của cả xã hội. Mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường trong lành và bền vững.

    2. Thực trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

    Hưng Yên được đánh giá là địa phương có nguồn nước mặt khá dồi dào với hệ thống sông ngòi, kênh mương dày đặc, trải dài trên lãnh thổ như sông Hồng, sông Luộc, sông Điện Biên, sông Từ Hồ - Sài Thị, sông Cửu An và công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải... tuy nhiên, tình hình an ninh, an toàn nguồn nước (ATNN) của địa phương còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Tại nhiều doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực nông thôn, tình trạng đổ rác thải, chất thải nguy hại không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu ra môi trường, khiến một số tuyến kênh, mương, ao, hồ, sông nội đồng và hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác BVMT, bảo vệ an ninh, ATNN; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong quản lý, điều hành, phối hợp giải quyết, xử lý ÔNMT. Công tác quản lý nhà nước về khai thác, sản xuất, kinh doanh nước sạch tại một số đơn vị, địa phương còn buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi VPPL về môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập…

    Theo kết quả điều tra của Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 214 nguồn xả thải chính, với 605 điểm xả thải từ các KCN, CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, y tế, chăn nuôi, dân sinh… vào hệ thống sông, kênh, ao, hồ, tổng lưu lượng khoảng 170.598 m3/ngày, đêm. Trong đó, tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 65.978 m3/ngày, đêm (chiếm khoảng 38,67%), cơ bản được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, lượng nước thải từ các hộ chăn nuôi, làng nghề, cơ sở y tế, sinh hoạt… với khổi lượng ước khoảng 104.620 m3/ngày, đêm (chiếm 61,33%), chưa được kiểm soát, không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, xả thải trực tiếp ra các sông, kênh, mương. Ngoài ra, do đặc thù về vị trí địa lý, Hưng Yên còn phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm của TP. Hà Nội, từ sông Cầu Bây qua cống Xuân Thụy và kênh Kiên Thành (huyện Gia Lâm, Hà Nội), với lưu lượng khoảng trên 155.520 m3/ngày, đêm (ước tính từ năm 2020) và ngày càng gia tăng.

    Kết quả tổng hợp, giám sát của Sở TN&MT Hưng Yên cũng cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm đầu nguồn hệ thống Bắc Hưng Hải từ tháng 1/2020 - 18/12/2021 có 137 đợt xả, tổng thời gian xả là 2.573 giờ, mực nước cao nhất tại cống Xuân Thụy khi xả vào từ đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải cao 3,91 m và cứ sau 24 giờ sau khi mở cống, nguồn nước ô nhiễm đã chảy vào đến địa bàn huyện Ân Thi (Hưng Yên), đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Năm 2023, theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tổng lượng nước thải từ các tỉnh, thành phố chảy qua, xả vào hệ thống thủy lợi (HTTL) Bắc Hưng Hải đạt khoảng gần 440.000 m3/ngày, đêm. Năm 2024, tình trạng ô nhiễm tại HTTL Bắc Hưng Hải và sông Điện Biên, đoạn chảy qua thị trấn Lương Bằng và xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động) được ghi nhận liên tiếp trong nhiều ngày, nhất là vào tháng 3/2024, mực nước sông xuống thấp, nước chuyển màu đen, sủi bọt, bốc mùi hôi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Ngày 18/3/2024, tại KCN Dệt may Phố Nối, thuộc huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào cũng xảy ra tình trạng nước thải sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý bị tràn ra môi trường. Được biết, KCN này chuyên sản xuất sản phẩm dệt may, cơ khí, điện tử, hóa chất, dược phẩm, hàng tiêu dùng… Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) của KCN được xây dựng với tổng công suất 10.000 m3/ngày, đêm nhưng bị quá tải, khiến một phần nước thải chưa qua xử lý tràn ra, chảy vào kênh mương và dẫn trực tiếp vào HTTL Bắc Hưng Hải.

    3. Sự vào cuộc của lực lượng Công an tỉnh

    Các kết quả quan trắc, phân tích gần đây cho thấy, chất lượng nước mặt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép, nhất là tại các dòng sông, dòng kênh có mức độ ô nhiễm cao bởi chất hữu cơ, vi sinh, chủ yếu là COD, BOD5, NH4, DO và tổng coliform. Đặc biệt, vào mùa khô, khi lượng nước phát sinh tại chỗ thấp, lại không được tiếp nhận nước sạch từ thượng nguồn, khiến dòng nước gần như không lưu thông, làm giảm khả năng hòa tan của ô xy trong nước (có thời điểm và có nơi, chỉ số DO trong nước giảm xuống mức gần như bằng không), ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt cũng như sức khỏe người dân địa phương.

    Để giải quyết bài toán mất an toàn, ANNN, ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 đã ban hành Nghị quyết về Chương trình BVMT và thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm BVMT là nền tảng cho PTBV và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội. Mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đối với vấn đề xử lý ÔNMT tại HTTL Bắc Hưng Hải và các nhánh sông chính, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, trong đó quy định các DN xả thải với lưu lượng trên 100 m3/ngày, đêm phải lắp đặt quan trắc tự động, liên tục, truyền kết quả về Sở TN&MT, đến nay, đã có 20 cơ sở lắp đặt, vận hành hiệu quả hệ thống... Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Văn bản số 1985/UBND-KT2 ngày 16/7/2024 về việc tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ÔNMT HTTL Bắc Hưng Hải.

    Thực hiện Văn bản số 1985/UBND-KT2 của UBND tỉnh, Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi VPPL về BVMT; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải. Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về BVMT, bảo vệ nguồn nước đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Cùng với đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi VPPL về BVMT nguồn nước và những hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an ninh, ATNN ngoài môi trường. Đặc biệt, thực hiện Điều 49, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (được sửa đổi bởi khoản 34, Điều 1, Nghị định số 155/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân đối với các hành vi VPPL về môi trường, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Hưng Yên đã xử lý 740 vụ, xử phạt 751 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn; thu gom, lưu giữ, thải đổ chất thải không đúng nơi quy định với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Công an các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cũng thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của những cá nhân, tổ chức có hoạt động xả nước thải, thu gom, tập kết, xử lý chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các DN; kiểm tra thực tế việc quản lý chất thải và tiến hành lấy mẫu nước của các DN để phân tích, làm căn cứ xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.

 

Ngày 17/5/2024, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra tại Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Tâm Trường An (xã Hoàng Hoa Thám,

huyện Ân Thi) và phát hiện nhiều sản phẩm có chứa chất gây ÔNMT

    Mới đây nhất, ngày 17/5/2024, các đơn vị chức năng đã phát hiện, tiến hành kiểm tra, xử lý 3 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, cụ thể: Khoảng 7h20’ ngày 17/5/2024, qua công tác trinh sát nắm bắt tình hình, Đội phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra hành chính kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Tâm Trường An (thôn Tam Đô, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi), phát hiện nhiều sản phẩm vỏ can nước giặt, nước xả vải không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tiếp đó, vào 7h50’ cùng ngày, Đội phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra hành chính đồng loạt 3 địa điểm sản xuất, kinh doanh, kho lưu trữ hàng hóa của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hiếu Vy trên địa bàn các xã Đào Dương, Xuân Trúc (huyện Ân Thi); Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, đại diện các công ty nêu trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa này, trong đó gồm hơn 4.000 can nhựa các chủng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Tâm Trường An. Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ vật chứng gồm: 6.693 đơn vị sản phẩm thành phẩm (nước giặt, nước xả vải nhãn hiệu D-nee, nước xả vải nhãn hiệu Hygiene; nước rửa chén nhãn hiệu Tauau); 288 can thành phẩm chưa dán nhãn; 840 vỏ can; 1.560 vỏ túi nhãn hiệu D-nee, nước xả vải nhãn hiệu Hygiene; 19 kg nắp can; 10 bao hóa chất; 9 thùng phuy chứa dung dịch; 4 bồn khuấy, pha trộn nước giặt; 1 máy chiết rót; 1 máy hàn nhiệt và 349,6 kg tem nhãn các loại. Cũng trong ngày 17/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Lâm đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Thị Tấn về tội gây ÔNMT theo quy định tại khoản 2, Điều 235 BLHS. Trước đó, ngày 12/4/2024, tại khu đất thuộc Dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm kim loại màu và nhựa của Công ty TNHH Hưng Thịnh Gia (thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm), Công an huyện Văn Lâm phối hợp với Phòng TN&MT huyện, UBND xã, Công an xã Chỉ Đạo tiến hành kiểm tra và phát hiện 4 người đang điều khiển 2 ô tô, 2 máy xúc đổ chất dạng bột, màu xám từ thùng xe xuống khu đất Dự án. Quá trình điều tra, những người nêu trên trình bày được thuê đổ, san lấp chất dạng bột màu xám trên mặt đất, ban đầu xác định toàn bộ số chất bột màu xám có trọng lượng trên 200 tấn được lấy từ Công ty CP Gia Hưng Hưng Yên, do bà Tạ Thị Tấn hợp đồng thuê đổ và san lấp (Công ty CP Gia Hưng do chồng bà Tấn đứng tên). Hiện các vụ việc trên đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng trong việc nhận diện các thách thức, mối đe doạ tiềm ẩn đến an ninh môi trường, ANNN, ngày 15/5/2024, Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Đây là dịp để các lực lượng chức năng cùng nhận diện, xác định khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và VPPL trong lĩnh vực TNN trên địa bàn tỉnh nói chung, BVMT tại HTTL Bắc Hưng Hải nói riêng. Đồng thời, Công an tỉnh Hưng Yên khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh môi trường, ANNN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ mục tiêu PTBV tỉnh Hưng Yên… Tiếp đó, ngày 25/7/2024, hai đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức Tọa đàm “Tội phạm, VPPL về môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên - Thực trạng và giải pháp, phương án phòng ngừa đấu tranh”. Tọa đàm đã bàn luận về những vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, VPPL về môi trường nguồn nước mặt, đồng thời, đánh giá thực trạng và xác định các nguyên nhân chính gây ÔNMT nguồn nước mặt; tình hình phát sinh nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; công tác phòng ngừa, hạn chế ÔNMT nước mặt tại các làng nghề, HTTL Bắc Hưng Hải… Từ đó dự báo tình hình, yếu tố tác động đến an ninh môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh và đề xuất một số giải pháp khả thi trong thời gian tới.

    Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: Tăng cường công tác nắm tình hình VPPL về BVMT trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về môi trường; chú trọng phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT; chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý VPPL và tội phạm môi trường trên tất cả mọi lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác BVMT. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở: TN&MT, NN&PTNT, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi VPPL về BVMT, bảo vệ TNN; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ÔNMT…

    4. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh

    Công tác phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, nhằm bảo vệ ANNN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được nhận định là vấn đề cấp bách cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng công an, các lực lực chức năng liên quan và người dân tỉnh Hưng Yên cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia vào các hoạt động BVMT nói chung, bảo vệ TTN nói riêng, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa cũng như trách nhiệm BVMT, bảo vệ TTN cho cộng đồng; tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy; công khai danh sách các cơ sở ÔNMT, ÔNMT nghiêm trọng và kết quả xử lý VPPL về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Thứ hai, UBND tỉnh cần kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt HTTL Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật BVMT. Đồng thời, đề xuất Bộ NN&PTNT thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, nâng cấp toàn HTTL Bắc Hưng Hải, bảo đảm ngoài chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn thực hiện chức năng tiêu thoát nước thải cho công nghiệp, dân sinh... Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chương trình, đề án về BVMT; chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa việc gây ÔNMT; kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ÔNMT ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoạt động cấp Giấy phép môi trường.

    Thứ ba, Sở TN&MT sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án thu gom, XLNT sinh hoạt khu dân cư nông thôn, nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước HTTL Bắc Hưng Hải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải xả thải trực tiếp và gián tiếp vào HTTL Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ÔNMT trên địa bàn. Kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các dự án, DN không có Giấy phép môi trường, không có hệ thống XLNT đảm bảo theo quy định; xem xét rút Giấy phép hoạt động đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, gây bức xúc tại địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

    Thứ tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định, xây dựng điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; quản lý các nguồn xả thải theo phân cấp; theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng và chất thải môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền được giao. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép; kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng sông thuộc HTTL Bắc Hưng Hải, yêu cầu hoàn trả hiện trạng lòng sông.

    Nước là nguồn tài nguyên quý giá và thiết yếu cho sự sống, bảo vệ TTN không chỉ đảm bảo sự tồn tại của nhân loại mà còn bảo đảm cho sự PTBV của toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh ÔNMT và suy thoái tài nguyên ngày càng trầm trọng. Là địa phương có nguồn TTN khá dồi dào với một hệ thống sông ngòi, kênh mương dày đặc, tuy nhiên, tình hình an ninh, ATNN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn đang tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ, đe dọa. Vì vậy, để giải quyết được bài toán ÔNMT nguồn nước trên địa bàn tỉnh, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, đơn vị chức năng và toàn thể người dân.

TS. Đỗ Lường Thiện

Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (1985). BLHS năm 1985.

2. Quốc hội (1999). BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

3. Quốc hội (2015). BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm năm 2017.

4. Quốc hội (2020). Luật BVMT năm 2020.

5. Chính phủ (2016). Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

6. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 (2021). Nghị quyết về Chương trình BVMT và thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 15/6/2021.

7. Công an tỉnh Hưng Yên (2024). Tài liệu Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

8. Công an tỉnh Hưng Yên (2024). Tài liệu Tọa đàm “Tội phạm và VPPL về môi trường nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên - Thực trạng và giải pháp, phương án phòng ngừa đấu tranh”.

9. TS. Ngô Ngọc Diễm, 2023. Tội phạm về môi trường trong pháp luật quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí điện tử kiểm sát (https://kiemsat.vn/toi-pham-ve-moi-truong-trong-phap-luat-quoc-te-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-65249.html).

Ý kiến của bạn