Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Tăng cường công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

20/06/2023

    Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để BVMT. Để hành động này trở thành thói quen, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình và huy động các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân triển khai hiệu quả công tác này.

    Từ 1/1/2022 công tác phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc

    Hiện nay, toàn quốc phát sinh trung bình 64.658 tấn CTRSH (CTRSH). Điều đáng nói là do không được phân loại từ nguồn; rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế trộn lẫn nên có đến 80% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các khiếu nại, bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực do rỉ nước gây ô nhiễm.

    Nhằm khắc phục tình trạng rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật BVMT 2020 đã quy định, từ ngày 1/1/2022, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH sẽ phải phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

    Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, CTRSH sau khi phân loại phải chứa, đựng vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

    Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH….

    Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

    Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

    Cần quy định cụ thể

    Hiện nay, Bộ TN&MT cùng các địa phương đang triển khai các giải pháp để tiến tới thực hiện lộ trình phân loại, xử lý rác tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề là giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại thì chưa được quy định cụ thể.

    Mỗi tháng, 1 người ở các quận nội thành của Hà Nội đang đóng phí thu gom rác là 6000 đồng, với các huyện ngoại thành là 3 nghìn đồng. Hiện nay, phí thu gom rác được tính bình quân, người có ít rác thì đổ ít, người có nhiều rác thi đổ nhiều để bù đắp chi phí cho hoạt động thu gom. Còn chi phí bốc xúc, vận chuyển đến nhà máy và chi phí xử lý do ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm dần. Theo các công ty môi trường, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt hiện thấp hơn nhiều so với chi phi phí thực tế. Vì hiện nay, để thu gom, vận chuyển, xử lý 1 tấn rác phải mất hơn bốn trăm nghìn đồng, ngân sách các địa phương phải bỏ ra khoảng 95%.

    Tinh thần chủ đạo trong các quy định của Luật BVMT năm 2020 là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền để xử lý ô nhiễm,.người gây ô nhiễm nhiều thì phải trả nhiều tiền. Các quy định này được cho là sẽ góp phần hạn chế các chủ thể xả rác.

    Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền hay các đơn vị thu gom rác sẽ được thu phí dịch vụ này và khối lượng rác sẽ được tính theo kg hay theo thể tích từng túi thì chưa được tính đến. Các chuyên gia môi trường cho rằng, sẽ rất khó để Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đi vào thực tế cuộc sống, nếu không sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để triển khai, nhất là đối với việc tính phí dịch vụ. Đáng chú ý, xử lý rác thải chỉ có thể giải quyết khi kết hợp giữa công nghệ xử lý, phân loại rác tại nguồn và quản lý, thu gom, vận chuyển rác đồng bộ.

    Trên thực tế, khái niệm phân loại rác tại nguồn không hề mới mẻ. Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn, gọi tắt là 3R, được triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Dự án này bị tạm dừng. Nguyên nhân là chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

    Do đó, thời gian tới để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; đảm bảo các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp; vận động và đầu tư trang thiết bị, kinh phí, nhân sự cho việc PLRTN trong giai đoạn đầu thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn