Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Một số vấn đề xung đột môi trường trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

06/10/2022

    Xung đột môi trường được xem như một vấn đề thách thức an ninh từ cấp độ địa phương, khu vực, quốc gia và cả trên quy mô toàn cầu. Xung đột môi trường có thể xảy ở các lĩnh vực như tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, không khí, rừng và đa dạng sinh học và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Ở Việt Nam, chất lượng môi trường đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống của con người, do đó đã gây nên một số xung đột, tranh chấp về môi trường, điển hình nhất là các vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây nên. Bài viết nghiên cứu xung đột môi trường ở một số lĩnh vực, bao gồm: xung đột do cạnh tranh tài nguyên đất, xung đột do cạnh tranh tài nguyên nước, xung đột môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới và nước ta, từ đó rút ra một số giải pháp nhằm giảm những mâu thuẫn, xung đột môi trường.  

1. Khái niệm xung đột môi trường

    Hiện nay, có hai quan niệm khác nhau khi bàn về xung đột môi trường. Quan niệm thứ nhất của nhóm ENCOP (The Environment and Conflicts Project) dẫn đầu bởi Gunther Baechler. Libiszewski (1992) đưa ra quan điểm: Xung đột môi trường là xung đột chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo lãnh thổ, tộc người hoặc là xung đột đối với các nguồn tài nguyên hay là các lợi ích quốc gia, hoặc là bất cứ loại xung đột nào. Đó là những xung đột mang tính truyền thống gây ra bởi sự suy thoái môi trường.

     Nhóm nghiên cứu thứ hai là Toronto, do Thomas Homer-Dixon dẫn đầu, đưa ra quan điểm: Xung đột môi trường là những xung đột dữ dội do sự khan hiếm môi trường gây ra trong sự tương tác với nhiều yếu tố, xuất hiện qua ba hình thức: Khan hiếm do nhu cầu (nghĩa là sự khan hiếm nẩy sinh do nhu cầu gia tăng, chẳng hạn do gia tăng dân số), khan hiếm do nguồn cung (nghĩa là sự khan hiếm gây ra do sự sụt giảm tổng thể những nguồn tài nguyên cụ thể, có sẵn do suy thoái hoặc cạn kiệt) à khan hiếm cấu trúc (nghĩa là sự khan hiếm nảy sinh từ việc phân bố không đồng đều các nguồn tài nguyên hoặc là từ việc tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên) [5]. Homer – Dixon đưa ra sơ đồ về sự thay đổi môi trường và xung đột (Hình 1).

Hình 1. Sự thay đổi môi trường và xung đột [5]

    Ở Việt Nam, có một số khái niệm về xung đột môi trường như Vũ Cao Đàm (2002) cho rằng: Xung đột môi trường là một dạng xung đột xã hội, là quá trình hình thành và phát triển mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội trong sự liên quan đến các vấn đề môi trường” [7].

    Theo Trần Phúc Thăng, Lê Thị Thanh Hà thì “Xung đột môi trường là xung đột về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường” [6].

    Có thể phân loại xung đột theo nhiều tiêu chí khác nhau tuỳ theo cách tiếp cận. Dưới đây, tác giả đưa ra một số cách phân loại như: Phân loại theo đương sự xung đột (cá nhân hoặc nhóm tương tác; các tổ chức; cộng đồng xã hội); mức độ xung đột (không nghiêm trọng; ít nghiêm trọng; nghiêm trọng và rất nghiêm trọng).

2. Một số trường hợp xung đột môi trường trên thế giới

2.1. Xung đột do cạnh tranh tài nguyên đất

   Tại Philippines có khoảng 70% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp và đánh bắt cá để kiếm sống. Diện tích đất canh tác bình quân cho mỗi cư dân nông thôn đã giảm xuống dưới một mẫu Anh. Chỉ với số lượng khoảng 3% dân số chiếm dụng khoảng 25% diện tích đất nông nghiệp trong cả nước, trong khi 60% các hộ gia đình ở nông thôn có rất ít đất không đủ để nuôi sống gia đình hoặc không có bất kỳ diện tích đất nào. Nạn phá rừng đã làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn đất ở các vùng đất thấp, làm giảm năng suất nông nghiệp ở khu vực này, nông dân đã bị buộc phải di cư đến các vùng cao để sinh sống [1].

    Nạn đói hoành hành tại Ethiopia vào những năm 1980 trong bối cảnh những người chăn gia súc Afar đã di cư đến các khu vực canh tác nông nghiệp truyền thống, dẫn đến xung đột giữa các nhóm cư dân trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Nạn đói chủ yếu do hạn hán gây ra, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác bao gồm gia tăng dân số, suy thoái đất, và sự phá huỷ mùa màng của cào cào sa mạc. Khoảng 50% các vùng cao nguyên bị xói mòn nghiêm trọng và 4% vượt quá khả năng phục hồi. Sự di cư của những người chăn gia súc đến những vùng đất đai canh tác nông nghiệp truyền thống, làm gia tăng kiến ​​nghị về các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, và dẫn đến xung đột kéo dài [1].

    Bangladesh xảy ra nhiều thiên tai, áp lực môi trường thì nạn phá rừng và sự xâm lấn của con người đã làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt và suy giảm trữ lượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Năm 1988 một trong những trận lụt tồi tệ nhất Bangladesh từng trải qua làm mất 1,6 triệu tấn lúa khiến cho hàng triệu người Bengal đã di cư vào các bang Assam và Tripura ở Đông Bắc Ấn Độ. Sự di cư đã làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị ở những tiểu bang này, văn hóa bị đe dọa và gia tăng cạnh tranh tài nguyên. Kết quả là, xung đột sắc tộc đã nổ ra ở cả hai tiểu bang, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. 

2.2. Xung đột môi trường do cạnh tranh tài nguyên nước

    Một yếu tố môi trường quan trọng đã kết hợp với tình trạng hạn hán và đói kém ngày càng gia tăng, để kích động sự di cư ngày càng tăng của người Ishaq vào Khu vực Ogaden: sa mạc hóa đất đai và chăn thả quá mức. Xung đột giữa Ishaq và Ogaden (hai nhóm chăn gia súc người Somali), đã xảy ra trong nhiều thập kỷ.

    Các yếu tố môi trường đã đóng vai trò chính trong cả xung đột nội bộ Palestine và xung đột Palestine-Israel. Do một phần tình trạng thiếu nước có thể sử dụng thường xuyên, kinh tế Gaza đã suy giảm đáng kể. Suy giảm kinh tế tạo cơ hội cho sự hỗ trợ của các nhóm Hồi giáo như Hamas. Sự thiếu hụt nước là do một số yếu tố bao gồm: sự phân chia không đồng đều; các điều kiện sinh thái "tự nhiên" như lượng mưa thấp; sử dụng quá nhiều nước ngọt tầng chứa nước trên lãnh thổ Gaza; và ô nhiễm từ cả hai khu công nghiệp và nông nghiệp. Hệ quả của sự khan hiếm tài nguyên nước và ô nhiễm nguồn cung cấp sẵn có, cả sự suy giảm nông nghiệp và vấn đề sức khỏe con người gây hại cho người Gaza [1].

    Năm 1967, Israel tham chiến chống lại các quốc gia Ả Rập, một phần vì người Ả Rập đã cố gắng chuyển hướng đầu nguồn sông Jordan cung cấp nước cho Israel. Kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1967, nước vẫn là ưu tiên trong chiến lược an ninh của Israel. Nước gắn bó mật thiết đối với văn hóa chính trị của Israel và Bờ Tây tầng chứa nước cung cấp 25-40% lượng nước của Israel. Nhà nước Israel, tuy nhiên, đã không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề khan hiếm nước ở Bờ Tây. Do đó, tình trạng thiếu nước có thể cản trở mối quan hệ giữa Israel và Ả Rập. [1]

2.3. Biến đổi khí hậu và xung đột môi trường

    Theo Tổ chức Đánh giá môi trường Stanford, cho thấy: "Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực giữa các quốc gia trong tương lai". BĐKH đang gây thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới, khiến nguồn nước sạch và thức ăn trở nên khan hiếm. Nếu Chính phủ các quốc gia không ứng phó kịp thời sẽ dẫn đến xung đột nội bộ và chiến tranh diệt chủng. Các cuộc đụng độ vũ trang trong nước khả năng cao sẽ tràn ra khu vực biên giới và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. Hiện tượng này đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ [6].

    BĐKH tác động đáng kể đến các hệ thống và quá trình xã hội, kinh tế và sinh thái như bất bình đẳng kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng ở địa phương cũng như trên toàn cầu (IPCC, 2007). Các hoạt động của con người liên quan đến biến đổi khí hậu là chặt phá rừng/hệ sinh thái tự nhiên và chuyển đổi lớp phủ đất, du nhập các loài ngoại lai, sản xuất nông nghiệp, đốt nhiên liệu hóa thạch, quản lý, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả.

    El Niño và hạn hán trong thế kỷ 19 dẫn đến việc thuộc địa hóa chính trị và kinh tế khiến người dân địa phương bị tước quyền tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên. Sự gia tăng hạn hán trong khu vực, và cạnh tranh đất chăn thả gia súc dẫn đến đến bạo lực, xung đột môi trường. Do đó cần thiết phải xem xét xung đột môi trường như một nguyên nhân gây mất an toàn cho con người và dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Đặc biệt phụ nữ nhiều khu vực nông thôn phải chuyển đến các thành phố hoặc hành nghề mại dâm trong các thời kỳ căng thẳng về môi trường để tìm kiếm cơ hội tồn tại [2].  

    Tại trung tâm đô thị Karachi thuộc Pakistan đã trải qua các cuộc xung đột, sắc tộc mà một phần nguyên nhân là sự gia tăng dân số, xói mòn đất, phá rừng và ô nhiễm nguồn nước dẫn đến tình trạng thiếu đất và nước. Ở các vùng nông thôn, nông dân đã bị cưỡng chế đất đai bởi các chủ sở hữu đất, đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nhóm này. Sản lượng nông nghiệp giảm do khan hiếm đất và nước cũng đã gây ra một cuộc di cư từ nông thôn đến các trung tâm đô thị lớn. Sự bất lực của một chính quyền vốn đã yếu kém trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của những người này tại các trung tâm đô thị đông đúc đã làm sâu sắc thêm sự phân chia sắc tộc và tạo ra nhiều sự cố. Thêm vào đó nhu cầu sử dụng nước gia tăng từ con người ngày càng tăng kết hợp với khí hậu tự nhiên khô hạn tạo ra tình trạng thiếu nước thường xuyên ở Pakistan [1].

    Việc suy giảm diện tích đất nông nghiệp màu mỡ sẵn và sự cạn kiệt nguồn cá đánh bắt quá mức và ô nhiễm nước, phá rừng và sa mạc hóa. Hồ Victoria - hồ nước có diện tích lớn thứ thứ ba thế giới và là nguồn cung cấp cá cực kỳ quan trọng cho Kenya, đã làm giảm đáng kể trữ lượng cá do đánh bắt quá mức và các hóa chất độc hại chảy vào từ bảy con sông ở Kenya. Sản lượng bền vững cho hồ Victoria là khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên mức khai thác bị vượt quá nhiều lần trong những năm 1970, 1980, 1990. Năm 1991, sản lượng khai thác tại hồ Victoria của riêng người Kenya là 186.000 tấn thuỷ sản, và chỉ chiếm 10% tổng khai thác của cả Hồ.

    Ngoài ra, từ năm 1970 đến 1990, Kenya mất 11.450 ha rừng hệ quả là làm suy giảm chất lượng đất. Bên cạnh đó, tập quán canh tác không thích hợp, khai thác quá mức và sử dụng hoá chất, tất cả đã góp phần vào tình trạng sa mạc hóa đáng báo động của Kenya. Gần 483.860 km2 (83% tổng diện tích của Kenya) là bị ảnh hưởng bởi quá trình sa mạc hóa ở các mức độ khác nhau. Nguồn cá cạn kiệt và ngày càng khan hiếm đất đai màu mỡ đã dẫn đến hai hiệu ứng xã hội: suy giảm sinh thái và di cư. Các cuộc đụng độ giữa các nhóm khác nhau bắt đầu trong năm 1991, tăng cường vào năm 1992 điển hình là giữa người Kalenjin và các dân tộc Kikuyu. Bạo lực đã diễn ra thiệt hại nghiêm trọng đối với đất nước Kenya. Trước khi kết thúc năm 1993, khoảng 1.500 người đã thiệt mạng, khoảng 1% dân số đã phải di dời, và khu vực bị ảnh hưởng bao phủ khoảng 25% của Kenya. Vào năm 1994, các cuộc đụng độ lan rộng đến các khu vực ven biển và Tây Pokot [2].

3. Xung đột môi trường tại Việt Nam

    Ở Việt Nam xung đột môi trường tuy là khái niệm mới nhưng những mâu thuẫn, xung đột tranh chấp tài nguyên và quyền lợi về môi trường đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Lấy ví dụ trường hợp người dân phản ánh, bức xúc về sự việc Công ty Vedan tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải (năm 2010); Sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, từ 6/4/2016 gây ra hiện tượng thủy sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; vụ việc người dân xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) ngăn cản xe chở rác di chuyển vào bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (ngày 13/7/2020) bởi những bức xúc liên quan đến ô nhiễm môi trường; những tranh cãi xung quanh việc đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương...

    Bên cạnh đó, trong nhiều làng nghề, khu dân cư, khu công nghiệp cũng đã và đang xuất hiện hoặc ngấm ngầm những bất đồng, mâu thuẫn giữa cộng đồng dân cư với doanh nghiệp, hợp tác xã, giữa các gia đình, cá nhân với nhau xung quanh vấn đề sử dụng, khai thác tài nguyên, môi trường. Ở các địa phương, chính quyền địa phương hàng năm đều phải xử lý các tranh chấp về môi trường, có thể kể đến như: Tại Nam Định những vụ việc vấn đề xung đột môi trường xảy ra chủ yếu là tranh chấp, khiếu nại giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh (bên gây ô nhiễm môi trường) và cộng đồng dân cư là bên chịu sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở TN &MT Nam Định đã tiếp nhận 45 đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường; trong đó có 31 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và 14 vụ việc chuyển tiếp cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Theo Báo cáo của thanh tra tỉnh Nam Định, năm 2020, số đơn thư phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường là một trong những nội dung chiếm tỷ lệ cao trong các đơn thư kiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh [9].

    Quảng Trị, trong giai đoạn 2015 - 2019, không có xung đột liên quan đến cơ chế quản lý, chính sách về môi trường trên địa bàn, xung đột chủ yếu xảy ra giữa người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác, sản xuất của cơ sở. Tập trung vào các hoạt động chế biến bột cá; nuôi tôm trên cát; khai thác, chế biến khoáng sản; xả thải của nhà máy may, dệt nhuộm; xả thải nước thải của khu công nghiệp [10].

    Khu vực Tây Nguyên, nhóm tác giả Lê Ngọc Thanh đã xác định 16 dạng xung đột môi trường chủ yếu như: 1) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất: 6 dạng; 2) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước: 5 dạng; 3) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng: 2 dạng; 4) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản: 3 dạng [3].

    Trần Phúc Thăng và Lê Thị Thanh Hà (2014) đã tổng kết các loại xung đột môi trường ở nước ta hiện nay tập trung vào các loại hình như sau [6]:

    Một là xung đột môi trường trong sản xuất nông nghiệp gồm xung đột giữa nhóm các chủ sản xuất sử dụng nhiều phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật với nhóm sử dụng sản phẩm nông nghiệp; xung đột giữa chủ chăn nuôi với người dân sống quanh vùng.

    Hai là, xung đột môi trường trong phát triển làng nghề bao gồm xung đột giữa các nhóm xã hội trong làng nghề, xung đột giữa các cộng đồng làm nghề và không làm nghề, xung đột giữa hoạt động sản xuất và mỹ quan, văn hoá.

    Ba là, xung đột môi trường trong phát triển công nghiệp bao gồm xung đột giữa hoạt động của các khu công nghiệp với người dân quanh khu vực, xung đột giữa các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ với người dân không kinh doanh sản xuất.

    Bốn là, xung đột môi trường do phát triển thuỷ điện gồm có xung đột do chặt phá rừng làm thuỷ điện của các chủ dự án với cộng đồng dân cư sống dựa vào tài nguyên rừng; xung đột do thuỷ điện thay đổi dòng chảy, sạt lở đất, suy kiệt hệ sinh thái thái trên sông làm mất cơ hội kiếm sống của người dân hạ lưu; xung đột do thuỷ điện làm xuất hiện dư chấn, động đất, hiện tượng di cư của người dân.

    Năm là, xung đột môi trường do khai thác khoáng sản: Xung đột giữa các chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản và xung đột giữa các chủ doanh nghiệp với người dân.

    Sáu là, những xung đột môi trường trong quá trình phát triển đô thị. Vấn đề giải quyết nạn thiếu nước sạch vào mùa hè, nạn úng lụt vào mùa mưa, nước thải, chất thải rắn, độc hại ở đô thị không được xử lý làm ô nhiễm môi trường; việc lấn chiếm vỉa hè, nơi công cộng, không gian chung để xây dựng, cơi nới nhà cửa, làm nơi buôn bán, dịch vụ... trở thành những vấn đề bức xúc ở các thành phố lớn, các khu đô thị.  

4. Một số kinh nghiệm được rút ra

    Xung đột môi trường đã trở nên một xu hướng đáng lo ngại liên quan đến điều kiện môi trường xấu đi và tài nguyên bị suy giảm. Thông thường, các yếu tố liên quan đến môi trường được bao gồm trong một mạng phức tạp gồm các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị có chức năng cùng nhau để tạo ra xung đột. Xung đột môi trường luôn có những biến đổi nhanh chóng, những xung đột mới xuất hiện đòi hỏi các nhà quản lý cần tìm ra những biện pháp quản lý những xung đột giữa nhu cầu phát triển với BVMT, giữa nhu cầu hiện tại và nhu cầu tương lai, giữa lợi ích cộng đồng, vị trí nghề nghiệp và những ưu tiên chính trị, giữa lợi ích cá nhân, gia đình cộng đồng với vấn đề ô nhiễm môi trường.

    Giải quyết xung đột môi trường trở thành vấn đề cấp bách, là một thực tế đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan, hệ thống chính trị và cộng đồng. Mục tiêu của giải quyết xung đột môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là điều hoà những vị trí đối lập làm cho quản lý xung đột thành một bộ phận liên kết (không thể tách rời) của quản lý môi trường, liên kết tất cả những người tham gia, đối tác. Trong các biện pháp quản lý xung đột môi trường, tiếp cận xã hội học quan tâm tới mối quan hệ cộng tác giữa các nhóm, sự đồng thuận xã hội trong việc chia sẻ quyền lợi, tìm tiếng nói chung để ngăn chặn nguy cơ hủy hoại môi trường. Qua nghiên cứu các trường hợp xung đột môi trường trên thế giới và ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp như:

    Đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và đảm bảo tiếp cận tới tòa án hoặc bất kỳ cơ chế hòa giải nào để giải quyết xung đột môi trường.

    Cần thiết phải xây dựng ban hành cơ chế, chính sách chia sẻ nguồn lợi chung về tài nguyên, môi trường. Chế độ quản lý tài sản bảo đảm lợi ích hài hòa cho tất cả những bên liên quan. Cần kết hợp giữa lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích cá nhân trong các chính sách về tài nguyên, môi trường.

    Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về BVMT theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác BVMT đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

    Đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện một cách đầy đủ đối với vấn đề mâu thuẫn, xung đột xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn các địa phương trên cả nước, để từ đó đề xuất những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết hậu quả một cách hiệu quả nhằm đẩy lùi các xung đột ở lĩnh vực này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

    Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giải quyết xung đột môi trường bằng hòa giải. Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo và giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục phổ thông các cấp phù hợp với điều kiện và chương trình giáo dục của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thực về BVMT, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, các bon thấp theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền và khu vực.

Tài liệu tham khảo

1. Bob, U., & Bronkhorst, S. (2011). Environmental conflicts: Key issues and management implications. African Journal on Conflict Resolution, 10(2), 9–30. https://doi.org/10.4314/ajcr.v10i2.63307

2. Lê Ngọc Thanh (2018), xung đột môi trường ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới và các giải pháp phát triển, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ.

3. Lê Ngọc Thanh, Mai Trọng Thông, Lê Văn Hương (2016) Cơ sở lý luận và phương pháp đánh giá xung đột môi trường, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn

4. Nguyễn Tuấn Anh (2015), Giáo trình Xã hội học môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Trần Phúc Thăng, Lê Thị Thanh Hà (2014), Vấn đề xung đột môi trường ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học.

6. Vũ Cao Đàm (2002), Xã hội học môi trường, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

7. https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-co-the-gay-ra-xung-dot-chien-tranh-5)547.html

8. Cần giải pháp đồng bộ trong giải quyết vấn đề môi trường ở cơ sở - Báo Nam Định điện tử (baonamdinh.vn)

9. Chi tiết tin - Quảng Trị - Cổng thông tin (quangtri.gov.vn) 

Nguyễn Thị Thu Hà 
Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ý kiến của bạn