Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 11/10/2024

Một số chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024

20/09/2024

    Từ tháng 9/2024, các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

    Từ ngày 1/9/2024, mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ được thực hiện theo Thông tư số 47/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

    Theo đó, mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ được quy định như sau: Đối với bản đồ địa hình quốc gia in trên giấy tỷ lệ 1:25.000, mức thu phí 130.000 đồng/mảnh; Bản đồ địa hình quốc gia in trên giấy tỷ lệ 1:100.000 và nhỏ hơn, mức thu phí 170.000 đồng/mảnh.

    Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, mức thu phí là 400.000 đồng/mảnh; Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, mức thu phí 850.000 đồng/mảnh; Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ: 1:250.000; 1:500.000; 1:1.000.000, mức thu phí 8 triệu đồng/mảnh.

    Đối với bản đồ hành chính định dạng số: Bản đồ hành chính Việt Nam, mức thu phí 4 triệu đồng/bộ; Bản đồ hành chính cấp tỉnh, mức thu phí 2 triệu đồng/bộ, Bản đồ hành chính cấp huyện, mức thu phí 1 triệu đồng/bộ…

    Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công cho mục đích quốc phòng, an ninh thì mức thu phí bằng 60% mức thu phí tương ứng.

    Trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công để phục vụ: Mục đích quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp; Phòng, chống thiên tai trong tình trạng khẩn cấp thì được miễn phí.

    Cũng theo Thông tư số 47/2024/TT-BTC, chậm nhất là ngày mùng 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.

    Tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước; trừ trường hợp quy định dưới đây.

    Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải

    Ngày 1/8/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường. Thông tư 57/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024, trường hợp bên ký quỹ đã thực hiện ký quỹ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BTC ngày 24/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường cho đến khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

    Theo đó, việc hoàn trả tiền ký quỹ được thực hiện như sau: Bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ cho bên ký quỹ hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 37 và điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 76 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.

    Bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC.

    Cũng theo Thông tư, toàn bộ tiền lãi phải thu gửi ngân hàng thương mại phát sinh từ gửi tiền ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

    Toàn bộ tiền lãi ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

    Từ ngày 20/9/2024, Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này đã đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể khi các chủ dự án chăn nuôi áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

    Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa như sau: 5 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

    Nhà nước cũng hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 7 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

    Để được hưởng chính sách khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi, các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng quy định tại Điều 55, Điều 56, khoản 2 Điều 57 Luật Chăn nuôi 2018; Có chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng mới công trình khí sinh học đáp ứng đúng hướng dẫn kỹ thuật về xử lý chất thải chăn nuôi hoặc sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố; Hoặc xây dựng mới công trình khí sinh học, sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ là sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và công trình khí sinh học.

Nam Việt

Ý kiến của bạn