Banner trang chủ

Hành lang pháp lý quản lý di sản: Cần thống nhất mô hình quản lý

04/10/2021

     Kể từ khi gia nhập “Ngôi nhà trí tuệ thế giới UNESCO” năm 1976, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Các danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển, Công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, thúc đẩy du lịch, BVMT... Tuy nhiên, việc quản lý những di sản này lại đang bộc lộ những bất cập do nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình mới cũng như thiếu hành lang pháp lý thống nhất để quản lý các khu di sản...

     Nhiều quy định không còn phù hợp

     Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam” được tổ chức ngày 30/9/2021 vừa qua, ông Cung Đức Hân, Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhận định, các hoạt động hợp tác với UNESCO ngày càng phong phú, đa dạng, được triển khai sâu rộng và mang tính liên ngành cao, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay và cần được xem xét, điều chỉnh.

      “Chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý thống nhất để quản lý các khu di sản, công viên địa chất toàn cầu, các khu dự trữ sinh quyển. Cơ chế phối hợp giữa các tiểu ban, các ban quản lý có hiệu quả chưa cao. Do đó, cần cải thiện những vấn đề này để bảo vệ giá trị di sản, bảo vệ danh hiệu đã được công nhận” - ông Cung Đức Hân nhấn mạnh.

     Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), vấn đề quản lý di sản tư liệu hiện vẫn chưa được quy định vào trong nội dung của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

     Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho rằng, mô hình “Hợp tác công - tư” trong quản lý và phát huy di sản tại Khu danh thắng Tràng An là phương pháp phát huy giá trị di sản một cách bền vững nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, người dân đặt nhiều mục đích phát triển kinh tế cao hơn so với bảo tồn; các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo tồn di sản như sử dụng đất đai, xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản có vi phạm kéo dài nhưng chưa thể xử lý triệt để.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Ảnh: PV/Vietnam+)

     “Mặc dù bước đầu đã đem lại những thành công và hiệu quả nhưng mô hình này vẫn còn khá mới trong lĩnh vực quản lý, khai thác các giá trị của di sản, do đó, hệ thống pháp luật liên quan chưa hoàn thiện, đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, chính sách quản lý di sản. Vì vâyh, việc triển khai còn gặp phải vướng mắc, khó khăn” - ông Khánh cho hay.

     Cần thống nhất mô hình quản lý

     Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị nhằm chỉnh sửa, bổ sung những quy định liên quan đến hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như hoàn thiện khung pháp lý để từ đó nâng cao vai trò của Việt Nam trong mạng lưới UNESCO toàn cầu.

     TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT chia sẻ, Bộ TN&MT đang tham mưu Chính phủ tạo hành lang pháp lý để phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; thực hiện hướng dẫn quản lý và tăng cường năng lực cho các khu trong mạng lưới. Các hoạt động thí điểm đang được triển khai ở Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai. Sắp tới, Bộ TN&MT sẽ có chương trình phát huy thế mạnh của khu Dự trữ sinh quyển trong hoạt động du lịch sinh thái. Đồng thời, có hướng dẫn pháp lý để xác định các khu vực tiềm năng và tiến hành đề cử các khu mới.

     Bổ sung ý kiến về hành lang pháp lý, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho hay, Di sản tư liệu là vấn đề mới, hiện chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa cũng như ở bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam. Mới đây, Chính phủ đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản tư liệu từ Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Vì vậy, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng hai cơ quan cần chỉ ra những kết quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm để xây dựng quy định pháp lý, quy trình quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu. Theo bà, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ. phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan.

     Tương tự như Di sản tư liệu, việc quản lý các Công viên địa chất toàn cầu hiện nay cũng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

     Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông cho hay, nội hàm của Công viên địa chất đang thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Du lịch, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học… Do đó, bà kiến nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sớm có văn bản trình Bộ Nội vụ, tham mưu Chính phủ thống nhất mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu.

     Mặt khác, theo ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý để thống nhất mô hình quản lý thì Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược ứng phó và thích ứng chủ động với những diễn biến của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Hồng Cẳm (Theo Vietnam+)

Ý kiến của bạn