Banner trang chủ

Đẩy mạnh bảo tồn hệ sinh thái trong nuôi trồng thủy sản biển hiện nay

03/01/2023

    Biển Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2 với đường bờ biển dài 3.260 km, là một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy sản phong phú. Đến nay, đã phát hiện được trên 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái (HST) biển ở biển Việt Nam, trong đó có khoảng 2.458 loài cá, 225 loài tôm và nhiều loài thủy sản khác. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản có sự biến động mạnh theo thời gian và dao động trong khoảng 4 - 5 triệu tấn với khả năng khai thác bền vững khoảng 1,8 - 2,1 triệu tấn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các ngành khác như du lịch, khai thác thủy sản, bất cập trong quản lý môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) biển trong giai đoạn vừa qua.

Một góc trang trại nuôi biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

HST ven biển và ô nhiễm môi trường trong NTTS biển hiện nay

    Vùng biển Việt Nam có trên 20 HST, trong đó có 5 HST ven biển tiêu biểu: San hô, cỏ biển, rừng ngập mặn (RNM), đầm phá và bãi bồi - cửa sông. Hiện trạng biến động như sau:

HST san hô: Đang bị suy giảm nghiêm trọng về độ che phủ. Tại một số trên đảo và ven biển, độ che phủ san hô suy giảm từ 30 đến trên 70% trong các năm từ năm 2010 - 2018, nguồn lợi sinh vật sống trong rạn cũng bị suy giảm. Diện tích tự nhiên của các rạn san hô cùng bị giảm mạnh.

    Giai đoạn 2010 - 2018, diện tích san hô khu vực Cô Tô bị mất đi là 230,74 ha (khoảng 71%); Tổng diện tích san hô khu vực Phú Quốc giảm từ 321 ha xuống còn 185 ha (khoảng trên 40%)… Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với san hô ở Vịnh Nha Trang và đảo Cồn Cỏ.

HST cỏ biển: Diện tích phân bố và độ phủ các thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam cũng có sự suy giảm nghiêm trọng. Năm 2006, HST cỏ biển tổng diện tích ước khoảng hơn 18.000 ha, đến năm 2010 diện tích mất đi trung bình tới 50%. Môi trường sống khắc nghiệt đã làm suy thoái cả chất lượng quần xã cỏ biển khi sinh khối, chiều dài cỏ giảm ở hầu hết các thảm cỏ biển.

    Một số diện tích có cỏ biển phân bố mới được phát hiện như khu vực đầm NTTS Hà Dong (Quảng Ninh) với 350 ha, ven bờ Bình Thuận khoảng 300 ha. Xu thế nước biển dâng hay mặn hóa các vùng nước triều cửa sông rất có thể tạo điều kiện cho sự mở rộng phạm vi phân bố sâu vào trong sông của một số bãi cỏ ở vùng triều các cửa sông, ví dụ cửa sông Gianh (Quảng Bình).

HST RNM: Khu vực cửa Ba Lạt, diện tích phân bố RNM tăng thêm 413,67 ha trong các năm 2007 đến 2018; Năm 2007, diện tích RNM ở khu vực cửa Lèn khoảng 215 ha, đến năm 2018 có khoảng 430,98 ha, tăng thêm 215,96 ha (tăng khoảng 100%); Năm 2007, diện tích RNM ở khu vực Bình Đại khoảng 1276 ha, đến năm 2018 có khoảng 1346 ha, tăng thêm 70 ha (tăng khoảng 5,6%). Trong khi đó, khoảng 60 ha RNM của năm 2007 đã bị xói lở bờ biển phá hủy, 167 ha RNM năm 2007 bị chặt hạ để quai đầm NTTS… Nguyên nhân tăng diện tích là do RNM phát triển tự nhiên và trồng phục hồi lấn ra các vùng bãi triều.

    Công tác phục hồi HST RNM được thực hiện tương đối tốt nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu “phục hồi” HST này. Đến năm 2015, 56% tổng diện tích RNM trên toàn quốc là rừng mới trồng, thuần loại, tuy nhiên, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài.

    Nhìn chung, tất cả các HST ven biển đã bị suy thoái ở mức độ khác nhau thể hiện cả trong cấu trúc và chức năng. Diện tích phân bố đã bị suy giảm theo các bậc không gian và thời gian. Tính từ năm 2007 đến năm 2018, HST san hô bị suy thoái mạnh hơn HST khác đặc biệt tại khu vực Cô Tô. HST RNM có xu hướng gia tăng về diện tích và độ phủ, tuy nhiên, chất lượng rừng và đa dạng thành phần loại không cao. Mặc dù vậy, hầu hết các HST đều ở mức có thể phục hồi tự nhiên nếu có thêm tác động tích cực từ con người.

    Thời gian qua, khai thác nguồn lợi thủy sản vẫn thể hiện các dấu hiệu chưa bền vững, như cường lực khai thác quá mức tại vùng biển, vẫn còn tồn tại các nghề gây xâm hại nguồn lợi, tính chọn lọc chưa cao, tình trạng đánh bắt sai luồng, tuyến, mùa vụ vẫn diễn ra, đặc biệt là việc vi phạm các quy định về việc nghiêm cấm đánh bắt bằng nghề lưới kéo, lồng xếp, ngư cụ kết hợp ánh sáng và nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm, ở vùng ven bờ; nhận thức của ngư dân trong thực thi đánh bắt có trách nhiệm còn thấp,… Điều này đã dẫn đến các tác động tiêu cực của một số hoạt động đánh bắt thủy sản đến môi trường, nguồn lợi thủy sản và các HST biển vùng ven bờ như rạn san hô, thảm cỏ biển, RNM. Các tác động rõ rệt nhất của hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản thiếu trách nhiệm và chưa bền vững đến môi trường, đa dạng sinh học và các HST, nguồn tài nguyên thiên nhiên khác ở vùng biển trong thời gian qua được thể hiện qua sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả về chất lượng và trữ lượng; chất lượng môi trường biển nhiều nơi bị suy giảm và nguy cơ tai biến môi trường đã xuất hiện ở nhiều điểm được quan trắc, lấy mẫu, đặc biệt là tại các vùng xung quanh các cảng cá, vùng nuôi, hay nhà máy chế biến thủy sản; đa dạng sinh học tại nhiều HST biển và ven biển bị suy giảm chất lượng; rác thải nhựa từ các tàu đánh bắt thuỷ sản cũng góp phần đáng kể vào vấn đề rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và đòi hỏi các giải pháp quyết liệt và hành động tập thể trong nỗ lực giảm thiểu.

    Mức độ suy thoái các HST rạn san hô, RNM, cỏ biển đã xác định: HST RNM tại hầu hết các đảo đều có dấu hiệu bị suy thoái, trong đó vịnh Nha Trang có mức độ suy thoái nặng nề nhất (cấp III và cấp IV), các đảo Cát Bà, Cô Tô, Ba Mùn suy thoái cấp II (suy thoái nặng); các đảo còn lại có mức độ suy thoái cấp I (cấp độ nhẹ); HST rạn san hô đang bị suy thoái, trong đó có 6 đảo bị suy thoái từ cấp III (rất nặng) trở lên, còn lại 13 đảo bị suy thoái từ cấp I (nhẹ) và cấp II (nặng).

    Tương tự như vậy, diện tích các thảm cỏ biển ven bờ, ven các đảo đã bị suy giảm đáng kể về diện tích phân bố. Trong đó, các đảo ven bờ Bắc Trung bộ đang bị suy thoái nặng với tốc độ trung bình 6 - 7%/năm (cấp độ II - III), các thảm cỏ ven bờ Nam Trung bộ suy giảm chậm hơn với tốc độ trung bình năm khoảng 3 - 5%/năm (cấp I - II), các thảm cỏ phía Nam Bộ có tốc độ suy thoái trung bình khoảng 3%/năm.

Đẩy mạnh bảo tồn HST và phát triển nguồn lợi thủy sản

Bảo tồn nguồn lợi thủy sản: Thành lập hệ thống khu bảo tồn biển

    Khu bảo tồn biển được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi, tăng cường nghề cá và hoạt động như một công cụ bảo hiểm nếu các loại hình quản lý nghề cá khác không hoạt động. Khu bảo tồn biển bảo vệ và phục hồi các loài và HST có nguy cơ tuyệt chủng. Các khu dự trữ có khả năng mang lại sự sống và phục hồi các quá trình quan trọng như lọc nước và thu giữ carbon. Ngoài ra, chúng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và mang lại cơ hội sống và sinh sản cho những cá thể thủy. Do “hiệu ứng tràn”, càng có nhiều ấu trùng và con cái trưởng thành, chúng sẽ di chuyển đến vùng biển xa hơn, thúc đẩy nghề cá và xây dựng khả năng phục hồi trên các khu vực rộng lớn.

    Về số lượng khu bảo tồn biển: Kết quả đạt được đến năm 2020: Đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển với diện tích là 216.978 ha, trong đó diện tích biển khoảng 185.000 ha, chiếm khoảng 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam gồm: Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận, Phú Quốc/Kiên Giang (khu bảo tồn biển Phú Quốc hiện nay đã sát nhập vào vườn Quốc gia Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần/Quảng Ninh; Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch 4 khu bảo tồn biển: (1) Hòn Mê/Thanh Hóa, (2) Nam Yết/Khánh Hòa, (3) Phú Quý/Bình Thuận, (4) Hải Vân - Sơn Chà/Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế. Tất cả 4 khu bảo tồn biển trên đã được Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch chi tiết và bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt thành lập theo quy định.

    Về diện tích: Để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, cần ít nhất 5% diện tích biển phải được khoanh vùng để thiết lập khu bảo tồn biển. Thực tế, Việt Nam mới khoanh vùng với tổng diện tích khu bảo tồn biển đã được quy hoạch đến năm 2020, là 301.743 ha, trong đó diện tích biển chiếm 273.324 ha.

    Một số khu vực tiềm năng được tiếp tục đề xuất xây dựng các khu bảo tồn biển gồm: 1) Cô Tô, Đảo Trần; 2) Quần đảo Long Châu; 3) Hòn Mê - Thanh Hóa; 4) Hòn Ngư, Đảo Mắt - Nghệ An; 5) Rạn ngầm lân cận Hòn La, Đảo Yến - Quảng Bình; 6) Bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng; 7) Bán đảo Tam Hải - Quảng Nam; 8) Vũng Rô - Phú Yên; 9) Cù Lao Xanh - Bình Định; 10) Phú Quý - Bình Thuận; 11) Hòn Khoai - Cà Mau; 12) Hòn Sơn - Kiên Giang.

Thiết lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản

    Quan điểm bảo vệ các bãi sinh sản, bãi giống của các loài thủy sản được quan tâm rất nhiều của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây. Trong Hướng dẫn nghề cá có trách nhiệm của FAO (2003), đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng sinh sản, nơi sinh cư của các loài thủy sản gắn liền với việc bảo vệ các HST ven biển. Luật Thủy sản năm 2017 quy định công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở vùng nội địa được thực hiện thông qua các khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý nguồn lợi thủy sản trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khu bảo tồn đất ngập nước. Hiện tại có 31 khu vực cấm khai thác có thời hạn  ở vùng cửa sông, ven biển. Có 30/31 khu vực đã xác định được quy mô diện tích. Tổng diện tích khu vực cấm khai thác có thời hạn ở vùng biển được xác định là 4.939 km2 tương ứng với 0,4939% diện tích tự nhiên vùng biển. Mỗi khu vực đã quy định chi tiết phạm vi, ranh giới, thời gian cấmvà đối tượng cần bảo vệ.

Cấm nghề khai thác hủy diệt

    Với điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Song, điều đáng quan tâm hiện nay là hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản ngày càng tăng, từ đó làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cân bằng sinh thái cũng chính là bảo vệ nguồn sinh kế lâu dài của người dân. Việc khai thác thủy hải sản bằng các phương tiện tận diệt khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm nghiêm trọng. Vì vậy, nghiêm cấm các hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản là một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cấm nuôi các loài ngoại lai xâm hại

    Các loài thủy sinh ngoại ngoại lai xâm hại sinh sản rất nhanh, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường, chúng có thể gây hại đến các loài bản địa như: cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống, làm suy giảm nguồn gen, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống; truyền bệnh và ký sinh trùng.

    Do vậy, các Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi xác định đối tượng nuôi mới, cần trao đổi với cơ quan chức năng địa phương, các Viện nghiên cứu chuyên ngành để loài trừ không nuôi các loài cơ nguy cơ hoặc loài xâm hại. Quá khứ đã có những đối tượng thủy sinh 2 mảnh vỏ là hầu Thái Bình Dương đã di nhập vào nước ta và triển khai nuôi tại 1 số địa phương, trong khi đó là loài được xác đinh có nguy cơ xâm hại. Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản cũng xác định các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại sẽ bị cấm nuôi, cấm thả vào vùng lõi trong khu bảo tồn biển.

Thả giống thủy sản

    Từ năm 2012 đến giữa năm 2020, các tỉnh đã thả tái tạo tại các thủy vực tự nhiên khoảng hơn 400 triệu con giống thủy sản với xu hướng chung là tăng qua các năm. Theo Báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2019 thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn, tổng số giống thủy sản được thả xuống các thủy vực tự nhiên là trên 88 triệu con gấp hơn 3,46 lần so với năm 2012; đặc biệt một số địa phương thả hàng chục triệu tôm sú giống, các loài thuỷ sản quý, hiếm và cá thể bố, mẹ trưởng thành như: Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ninh.

    Tại các địa phương, con giống thủy sản được thả vào vùng biển tập trung vào loài có giá trị kinh tế và loài bản địa, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: tôm sú, hầu thái bình dương… Nguồn kinh phí thực hiện công tác tái tạo thả giống gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp...

    Giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh tổ chức trên 10 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với tổng số hơn 6,3 triệu con giống, đối tượng thả gồm các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế như: song chấm, giò, thát lát cườm, hô, lăng nha, bỗng, tôm sú, cua, ghẹ... và các loài cá truyền thống, bản địa. Năm 2016, Tổng cục Thủy sản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, 44/52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký bản ghi nhớ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm.

    Hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã tương đối thành công trong việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, thu hút các thành phần trong xã hội tham gia công tác thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản; giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại (do sự thiếu hiểu biết của người dân) ra môi trường tự nhiên, góp phần BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

3. Quyết định số 541/QĐ-TTg ngày 20/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

4. Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

5. Luật BVMT số 72/2020/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

6. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

7. Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.

8. Quyết định số 647/QĐ-TTg Ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án hợp tác về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030;

9. Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 0/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Xuân Hoàng

Tổng cục Thủy sản

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

Ý kiến của bạn