Banner trang chủ

Đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam thông qua Chỉ số hoạt động bảo vệ môi trường - EPI

16/12/2020

     Chỉ số hoạt động môi trường (EPI) do trường Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) xây dựng năm 2006 và được áp dụng chính thức từ năm 2008 đến nay. Chỉ số EPI là tập hợp các chỉ số trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích đánh giá nỗ lực thực hiện mục tiêu về môi trường của các quốc gia, được công bố định kỳ 2 năm một lần. Bài viết tập trung đánh giá nỗ lực BVMT của Việt Nam thông qua EPI trong năm 2020.

      Tổng quan Bộ chỉ số hoạt động môi trường

EPI bắt nguồn từ chỉ số bền vững môi trường (ESI) được 2 trường Đại học trên hát triển từ năm 2000 - 2005. Năm 2006, nhóm nghiên cứu của 2 trường đã cải tiến và xây dựng EPI, tập trung vào đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách môi trường. Theo đó, khung chỉ số EPI được xây dựng dựa theo 2 mục tiêu môi trường chính: BVMT vì sức khỏe con người, hay còn gọi là Sức khỏe môi trường (Environmental Health) và BVMT tự nhiên, hay còn gọi là Sức sống hệ sinh thái (Ecosystem Vitality). Từ 2 mục tiêu này, EPI phát triển khung chỉ số dựa theo nhóm chính sách chính mà các quốc gia đang thực thi. Các chỉ thị đại diện cho nhóm chính sách tiếp tục được phát triển dựa trên mức độ sẵn có của các nguồn số liệu.

     Với định kỳ 2 năm một lần, chỉ số EPI được rà soát và cập nhật để so sánh việc thực hiện chính sách môi trường của quốc gia và đưa ra những đánh giá về tình trạng chất lượng môi trường của các nước. EPI được đề xuất lần đầu vào năm 2006, gồm 16 chỉ tiêu. Báo cáo EPI 2010 gồm 25 chỉ tiêu, theo dõi trên 10 loại chính sách  và được dùng để so sánh xếp hạng nỗ lực BVMT của 163 nước. Từ năm 2012, EPI được xây dựng để đánh giá xu thế cải thiện EPI qua các năm, dựa trên số liệu theo chuỗi thời gian. Năm 2020, Bộ chỉ số EPI đã được rà soát và cập nhật với 32 chỉ tiêu. So sánh với năm 2018, chỉ số EPI năm 2020 đã có sự thay đổi đáng kể về các chỉ thị được sử dụng, với 8 chỉ tiêu được bổ sung, 2 chị tiêu loại bỏ và 7 chỉ tiêu có sự điều chỉnh. Như vậy, giữa các kỳ báo cáo, có sự khác biệt lớn giữa các điểm số EPI do việc thêm, hoặc bớt các chỉ tiêu, sự thay đổi trọng số và các khía cạnh kỹ thuật trong phương pháp tính. Điều này cũng có nghĩa, rất khó so sánh điểm số EPI qua các kỳ báo cáo. Sự thay đổi trong kết quả của một quốc gia qua thời gian tốt nhất nên dựa vào điểm đánh giá của báo cáo gần nhất và năm cơ sở, hoặc dựa trên các số liệu thô.

     Đánh giá nỗ lực BVMT của Việt Nam trong năm 2020

     Theo báo cáo EPI năm 2020 cho thấy, Việt Nam xếp hạng thứ 141/180 quốc gia với điểm số tổng hợp là 33,4/100. Điểm số này được đánh giá là tương đối thấp so với điểm số trung bình các nước trong khu vực Đông Nam Á (40,4). Tuy nhiên, xét từng nhóm vấn đề môi trường, mặc dù, một số lĩnh vực đang được đánh giá là yếu, làm giảm điểm số chung, nhưng ngược lại, một số lĩnh vực lại có sự cải thiện đáng kể so với báo cáo EPI năm 2018. Cụ thể: Nhóm vấn đề chất lượng không khí, có sự cải thiện đáng kể về thứ hạng, từ xếp thứ 159/180 lên 115/180. Với nhóm vấn đề này, Việt Nam đạt điểm số 32/100. Tuy nhiên, chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hộ gia đình chỉ đạt 24,9/100 điểm, đã làm giảm mạnh điểm số chung của vấn đề; Trong lĩnh vực nước uống và vệ sinh môi trường, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện từ thứ 85/150 lên 74/150 (không có sự thay đổi về tiêu chí, nên so sánh giữa các kỳ báo cáo cho thấy, nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp cận nước sạch và có sự thay đổi thói quen sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân trong các năm qua); Với nhóm vấn đề ô nhiễm kim loại nặng, Việt Nam xếp hạng 92/180. So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí trung bình, với điểm số là 47,8, chỉ sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines; Về nhóm vấn đề quản lý chất thải, lần đầu tiên, được đưa vào EPI  với chỉ tiêu đại diện là “Tỷ lệ chất thải sinh hoạt và chất thải thương mại được thu gom và xử lý”, Việt Nam chỉ đạt điểm trung bình 22,8/100, xếp thứ 95/180. Ngoài ra, đối với lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh cảnh, thứ hạng của Việt Nam khá thấp, chỉ xếp thứ 150/180. Tương tự, trong lĩnh vực bảo vệ dịch vụ hệ sinh thái, Việt Nam xếp thứ 166/180. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản bền vững, Việt Nam xếp thứ 52/180 (Việt Nam vẫn ở nhóm cao và đứng vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore). Xét riêng tiêu chí trữ lượng thủy sản không bị khai thác quá mức, Việt Nam xếp hạng đặc biệt cao, xếp thứ 3/180; Nhóm vấn đề biến đổi khí hậu có điểm số trung bình là 30,7/100. EPI năm 2020 có sự thay đổi đáng kể về cách tính toán nhóm chỉ số này so với EPI 2018, từ chủ yếu đánh giá cường độ phát thải/đơn vị GDP sang đánh giá mức tăng tổng lượng phát thải trung bình 10 năm. Là một nước đang phát triển, đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, cách tính này khá bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy, không khó hiểu khi thứ hạng của Việt Nam bị giảm nhiều so với năm 2018, từ vị trí 123/180 xuống155/180. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm cơ sở (2010), thì điểm số của Việt Nam lại có diễn biến tích cực, tốc độ tăng mức phát thải khí nhà kính hàng năm đang có xu hướng chậm lại. Ngoài ra, đáng chú ý là cùng sự thay đổi trong phương pháp tính (từ chủ yếu đánh giá cường độ phát thải/đơn vị GDP sang đánh giá mức tăng tổng lượng phát thải trung bình 10 năm), thứ hạng của Việt Nam trong lĩnh vực khí thải lại có sự cải thiện rõ rêt, từ 161/180 lên 121/180; Nhóm vấn đề nguồn nước có thứ tự xếp hạng đã được cải thiện, tăng từ 132/180 lên 119/180 quốc gia, nhưng vẫn còn hạn chế; Đối với nhóm vấn đề nông nghiệp, Việt Nam xếp thứ 52/180, với điểm số là 50,3.

     Qua đánh giá cho thấy, EPI có sự thay đổi chỉ tiêu đánh giá, phương pháp tính toán và nguồn số liệu đánh giá qua các năm. Do đó, không nên so sánh kết quả xếp hạng EPI giữa các năm vì sẽ không chính xác về mặt khoa học. Để khắc phục điều này, EPI đã cung cấp một đánh giá xu hướng thông qua việc đánh giá số liệu năm cơ sở (chủ yếu là sử dụng dữ liệu năm 2010) để giúp các quốc gia nhìn nhận được xu hướng thực sự của mình. Theo đó, số liệu của năm 2010 sẽ được thu thập và đánh giá theo các chỉ tiêu, phương pháp tính của EPI năm 2020. Cụ thể với Việt Nam, kết quả đánh giá so với năm cơ sở như sau:

     Bảng 1: Kết quả đánh giá EPI 2020 cho Việt Nam so với EPI năm 2010

Chỉ số tổng hợp và chỉ số thành phần của EPI 2020

Thứ tự xếp hạng EPI 2020

Điểm số đánh giá EPI 2020

Thứ tự xếp hạng EPI 2010 (Năm cơ sở)

Điểm số đánh giá EPI 2010 (Năm cơ sở)

  1.  

141

33,4

154

28,4

Chỉ số Sức khỏe môi trường

98

40,6

150

36,4

Chỉ số sức sống HST

176

28,5

145

22,2

Nguồn: https://epi.yale.edu

     Như vậy, so với năm cơ sở 2010, cả điểm số xếp hạng và thứ tự xếp hạng của Việt Nam năm 2020 đều có sự cải thiện. Đặc biệt, thứ tự xếp hạng EPI cho Việt Nam đã tăng 13 bậc (năm 2020, xếp hạng EPI là 141/180 so với năm 2010 là 154/163). Việt Nam cũng có sự cải thiện về điểm số trong hầu hết các chỉ thị so với năm cơ sở, nhất là chỉ số Sức khỏe môi trường, điểm đánh giá tăng 4,2/100 (52 bậc), các chỉ thị liên quan đến phát thải khí nhà kính và khí thải khác, trong đó nhiều chỉ thị tăng trên 15 điểm. Điều này chứng tỏ nỗ lực BVMT của Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận.

     Qua đánh giá kết quả nỗ lực BVMT của Việt Nam thông qua Bộ chỉ số EPI năm 2020 cho thấy, Việt Nam đang được xếp hạng thứ 141/180 quốc gia. Tuy nhiên, điểm số này được đánh giá là tương đối thấp so với điểm số trung bình các nước trong khu vực. Song so với năm cơ sở 2010, cả điểm số và thứ tự xếp hạng của Việt Nam năm 2020 đều có sự cải thiện, cho thấy những nỗ lực của nước ta trong công tác BVMT thời gian qua. Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận một thực tế là ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, vượt quá ngưỡng chịu tải ở nhiều nơi, nhiều thời điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp.

Hoàng Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hà

 Trần Quý Trung, Mai Đăng Khoa

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

 

 

Ý kiến của bạn