Banner trang chủ

Chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Bắc trong đợt 8 năm 2022

20/06/2023

    Năm 2022, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc được giao triển khai các chương trình quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia; quan trắc mang tính liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới; quan trắc tại một số điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

1. Hiện trạng chất lượng môi trường không khí

    Thông qua kết quả quan trắc Đợt 8 (tháng 11/2022) tại 31 điểm quan trắc trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Bắc và điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí tại một số khu đô thị (KĐT), khu công nghiệp (KCN)… trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc ghi nhận 12,9% giá trị thông số Tổng bụi lơ lửng (TSP) vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h), cao hơn 2,9% so với Đợt 7 (tháng 8/2022). Riêng tiếng ồn, tiếp tục ghi nhận mức ồn vượt giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT (khung thời gian từ 6-21h) chủ yếu tại các vị trí quan trắc dọc trục giao thông lớn và xung quanh các KCN.

Bảng 1. Tỷ lệ % số mẫu vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 26:2010/BTNMT

TT

Thông số

Đơn vị

Tổng số giá trị

Giá trị lớn nhất

Giá trị vượt QCVN

Tỷ lệ %

Giá trị QCVN

Số giá trị vượt

1

TSP

µg/m3

93

363

300

12

12,9%

2

CO

µg/m3

19

2.630

30.000

0

0,0%

3

NO2

µg/m3

93

22,1

200

0

0,0%

4

SO2

µg/m3

93

52

350

0

0,0%

5

Pb

µg/m3

19

0,43

1,5

0

0,0%

6

Tiếng ồn (*)

dBA

93

76,4

70

66

71%

Ghi chú: (*) QCVN 05:2013/BTNMT; theo QCVN 26:2010/BTNMT

    Kết quả quan trắc gần các KCN phía Bắc trong Đợt 8 có giá trị TSP dao động từ 179 - 344µg/m3 và có 03/15 điểm quan trắc tại KCN Quế Võ, KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh) và KCN Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có giá trị TSP vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h), giá trị TSP cao nhất tại KCN Tiên Sơn - Bắc Ninh (344µg/m3). Nhìn chung, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh các KCN khu vực miền Bắc tăng nhẹ với cùng kỳ quan trắc tháng 11/2021.

 Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị TSP tại một số KCN các tỉnh phía Bắc

    Tại các nút giao thông, giá trị TSP trung bình cả 8 đợt quan trắc năm 2022 thấp và đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h). Trong đó, giá trị TSP Đợt 1 (tháng 2/2022) thấp nhất, các Đợt quan trắc còn lại, từ Đợt 2 (tháng 3/2022) đến Đợt 8 (tháng 11/2022) giá trị TSP ít biến động qua các đợt.

Biểu đồ 2. Diễn biến giá trị TSP tại một số nút giao thông các tỉnh phía Bắc

    Các điểm quan trắc gần các khu dân cư (KDC), giá trị TSP trong cả 8 đợt quan trắc năm 2022 thấp và đạt QCVN 05:2013/BTNMT (TB 01h). Nhìn chung giá trị TSP tại các điểm quan trắc gần KDC khá ổn định qua các đợt quan trắc. 

Biểu đồ 3. Diễn biến giá trị TSP tại một số KDC các tỉnh phía Bắc

    Các thông số khác (CO, Pb, SO2, NO2), kết quả quan trắc tại các KCN, KDC và nút giao thông trong cả 8 đợt quan trắc trong năm 2022 thấp và đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT.

    Kết quả quan trắc tiếng ồn, Đợt 8/2022 cho thấy, có 22/31 vị trí có mức ồn chạm và vượt giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA, áp dụng với khung thời gian từ 6-21h), tập trung tại khu vực xung quanh các KCN và trục giao thông.

Biểu đồ 4. Diễn biến giá trị tiếng ồn các tỉnh phía Bắc

2. Hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt

    Chất lượng nước trên các lưu vực sông (LVS) khu vực phía Bắc trong Đợt 8/2022 duy trì ở mức tốt như các đợt quan trắc trước đó trong năm. Trong số 185 điểm quan trắc trên 5 LVS, có đến 83% tổng số điểm có giá trị WQI đạt ở mức rất tốt đến tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý; có 6% số điểm ở mức trung bình, còn lại 11% số điểm quan trắc ở mức xấu và mức ô nhiễm nặng. Các điểm nước sông ở mức xấu và mức bị ô nhiễm nặng tiếp tục ghi nhận tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước thuộc LVS Nhuệ Đáy và LVS Cầu. Nguyên nhân, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của TP. Hà Nội, TP. Thái Nguyên và nước thải làng nghề.

Biểu đồ 5. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số WQI trên 5 LVS phía Bắc

    Thông qua kết quả quan trắc Đợt 8 cho thấy, diễn biến chất lượng nước trên các LVS như sau:

Chất lượng môi trường nước LVS Cầu

    Trên dòng chính sông Cầu, thời điểm quan trắc Đợt 8/2022 chất lượng nước sông tiếp tục duy trì ở mức tốt đến mức trung bình như Đợt 7 (tháng 8/2022). Trên cả tuyến sông, từ thượng lưu đến hạ lưu (ngay cả đoạn sông Cầu chảy qua khu vực giáp ranh Bắc Ninh – Bắc Giang), nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI dao động từ 74-98. Nhìn chung chất lượng nước trên dòng chính sông Cầu từ Đợt 6 (tháng 8/2022) đến Đợt 8/2022 được cải thiện hơn so với thời điểm quan trắc đầu năm.

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Cầu

    Trên các sông: Công, Nghinh Tường, Đu, suối Cam Giá và sông Thương tại Hải Dương, chất lượng nước sông duy trì ở mức trung bình đến mức tốt trong cả 8 đợt quan trắc, giá trị (WQI: 72- 97), nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt cần xử lý và các hoạt động tương đương khác.

    Sông Ngũ Huyện Khê, cầu Bóng Tối vẫn tiếp tục là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Cầu. Tại điểm Cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê, Đợt 8/2022 nước sông bị ô nhiễm nặng (WQI: 14). Kết quả quan trắc Đợt 8/2022 cho giá trị DO (1,1 mg/L); COD (143 mg/L) vượt 4,7 lần và giá trị BOD5 (73mg/L) vượt 4,8 lần; giá trị NH4+ (1,33 mg/L) vượt 1,5 lần giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Cột B1). Tại cầu Bóng Tối, liên tiếp trong cả 8 đợt quan trắc nước sông bị ô nhiễm nặng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát (WQI: 10). Nguyên nhân do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của Bắc Ninh và TP. Thái Nguyên.

Biểu đồ 7. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Công và các sông khác

Chất lượng môi trường nước trên LVS Nhuệ, Đáy

    LVS Nhuệ, Đáy là một trong những LVS có số lượng điểm ô nhiễm nặng nhiều nhất trong số các LVS thực hiện quan trắc ở khu vực miền Bắc, với 17/20 điểm (chiếm 85%) tổng số điểm bị ô nhiễm trong Đợt 8/2022.

    Trên dòng chính sông Nhuệ, thời điểm quan trắc Đợt 8/2022, tiếp tục ghi nhận môi trường nước sông ở mức ô nhiễm nặng kéo dài liên tục từ Cống Liên Mạc đến Đồng Quan, giá trị WQI 10-23. Nước sông Nhuệ được cải thiện dần khi chảy qua địa phận Hà Nam, tại đây nước sông Nhuệ đã tạm thời thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm nặng, giá trị (WQI: 26-50), nước sông đã sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. 

    Nhìn chung nước sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội thường xuyên bị ô nhiễm nặng, có đến 5/8 đợt quan trắc trong năm 2022 cho thấy bị ô nhiễm nặng, kéo dài trên toàn tuyến, các đợt quan trắc còn lại cũng có đến 50% số điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng. Đoạn sông Nhuệ tiếp giáp với Hà Nội - Hà Nam và kéo dài đến đoạn Cống Nhật Tựu, Đò Kiều (Hà Nam) nước sông tại đây thường xuyên ở mức kém. Nguyên nhân do tiếp nhận một phần nước sông bị ô nhiễm từ Hà Nội chảy qua và ảnh hưởng của hoạt động dân sinh dọc theo đoạn sông. 

Biểu đồ 8. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Nhuệ

    Chất lượng môi trường nước trên dòng chính sông Đáy trong Đợt 8/2022, có sự khác nhau giữa các đoạn và được cải thiện dần về phía hạ lưu sông. Trong đó đoạn sông Đáy chảy qua địa phận TP. Hà Nội, môi trường nước sông chỉ ở mức kém đến mức trung bình, giá trị (WQI:19-46). Đoạn từ Cầu Quế đến Trung Hiếu Hạ (Hà Nam), chất lượng nước sông ở mức trung bình, giá trị WQI dao động từ 67-75. Từ khu vực Gián Khẩu (Ninh Bình) về đến khu vực hạ lưu, chất lượng nước sông Đáy khá tốt, chất lượng nước sông được cải thiện hơn so với các đoạn trên, nước sông đã có thể sử dụng được mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI>76. Nhìn chung chất lượng nước sông Đáy trong Đợt 8/2022 bị giảm so với Đợt 7 (tháng 9/2022).

    Trên sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Đào (Nam Định), chất lượng nước sông duy trì ở mức tốt liên tục trong cả 8 đợt quan trắc năm 2022, nước sông sử dụng được mục đích cấp nước sinh hoạt cần biện pháp xử lý, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác (WQI >76). Trên sông Châu Giang, trừ điểm Đầm Tái tiếp tục ở mức kém như Đợt 7 (tháng 9/2022), các điểm còn lại (Hữu Bị, Cầu Phủ Lý và Cầu Sắt), nước sông đã được cải thiện, giá trị (WQI:64-90), nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 9. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Đáy

    Các sông nội thành của TP. Hà Nội, Đợt 8/2022, trừ điểm quan trắc tại Phương Liệt (sông Tô Lịch) và điểm Cầu Sét (sông Sét) nước sông đã tạm thời thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm nặng, các điểm quan trắc còn lại chất lượng nước sông tiếp tục trong tình trạng bị ô nhiễm nặng (WQI: 11-13).

Biểu đồ 10. Giá trị WQI trên các sông nội thành Hà Nội

Chất lượng môi trường nước LVS Hồng - Thái Bình, Đà

    Chất lượng nước LVS Hồng - Thái Bình, Đà duy trì mức tốt liên tục trong cả 8 đợt quan trắc năm 2022, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (WQI>76) và ít biến động so cùng kỳ quan trắc năm 2021.

Biểu đồ 11. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Hồng

    Trên các phụ lưu (sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình), môi trường nước sông rất tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm và ít biến động qua các đợt quan trắc (WQI: 94-95), nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Biểu đồ 12. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Đà, sông Thái Bình

Chất lượng môi trường nước LVS Mã - Chu

    Chất lượng nước sông Mã thời điểm quan trắc đợt 8 (tháng 11/2022) đạt mức tốt trên cả tuyến sông, nước sông có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI (85-94). Nhìn chung môi trường nước trên dòng chính sông Mã chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, chất lượng nước sông duy trì ở mức tốt đến mức trung bình trong cả 8 đợt quan trắc trong năm 2022. 

Biểu đồ 13. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên LVS Mã - Chu

Chất lượng môi trường nước sông Lam, La

    Trên sông Lam và các phụ lưu, phần lớn các điểm quan trắc đợt 8 (tháng 11/2022) tiếp tục duy trì ở mức tốt đến rất tốt như đợt 7 (tháng 9/2022), nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt cần biện pháp xử lý, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Kết quả quan trắc qua 08 Đợt năm 2022 cho thấy môi trường nước sông Lam, sông La chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, chất lượng nước sông duy trì ở mức trung bình đến mức tốt trên toàn tuyến sông và ít biến động so với các đợt cùng kỳ năm 2021.

Biểu đồ 14. Diễn biến chất lượng nước sông Lam và các phụ lưu

    Trên sông La và các phụ lưu, nước sông tiếp tục duy trì ở mức tốt trong cả 8 đợt quan trắc, nước sông sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 15. Diễn biến chất lượng môi trường nước sông La và các sông nhánh

3. Kết luận

    Môi trường không khí: Thông qua kết quả quan trắc Đợt 8/2022 cho thấy chất lượng môi trường không khí các tỉnh khu vực miền Bắc đã bị ô nhiễm bụi tại một số KCN tại Hà Nội và Bắc Ninh, giá trị thông số TSP vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB1h). Giá trị các thông số khác gồm NO2, CO, SO2, Pb thấp và đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT.

    Môi trường nước: Qua 8 đợt quan trắc năm 2022 cho thấy, môi trường nước trên các LVS Hồng - Thái Bình, Đà; LVS Mã -Chu và LVS Cả - La (sông Lam, La) chất lượng nước sông duy trì ở mức trung bình đến mức tốt, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tuy nhiên, tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên các LVS khu vực ở miền Bắc đến thời điểm quan trắc Đợt 8/2022 vẫn chưa được cải thiện, ô nhiễm vẫn tiếp diễn tại cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê hay điểm cầu Bóng Tối thuộc LVS Cầu và các điểm trên sông Nhuệ đoạn qua Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội (Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu) thuộc LVS Nhuệ - Đáy.

ThS. Nguyễn Gia Cường, ThS. Phạm Thị Thùy

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2023)

Ý kiến của bạn