18/12/2024
Năm 2024 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác BVMT tại tỉnh Bình Phước. Kết quả đạt được đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, góp phần đảm bảo môi trường sống trong lành, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn đối diện với không ít khó khăn, đòi hỏi phải có các giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Nhiều kết quả khả quan
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2024, tỉnh Bình Phước đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, thể hiện trên các mặt cụ thể sau:
Hệ thống chính sách, thể chế đã được xây dựng và hoàn thiện, đảm bảo tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Trong năm 2024, Chi cục BVMT đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 12/4/2013 của UBND tỉnh Bình Phước về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT... Đây là những định hướng quan trọng để giải quyết vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về BVMT.
Công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh, tiêu biểu là hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường. Bên cạnh đó, nhiều chương trình giáo dục môi trường đã được thực hiện, thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn và chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, cùng các bài viết, phóng sự phát trên Trang thông tin điện tử của Sở TN&MT. Đặc biệt, việc lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình học tại các trường học đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các em học sinh trong việc BVMT Xanh - Sạch - Đẹp.
Môi trường tỉnh Bình Phước ngày càng sạch đẹp
Trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, Chi cục BVMT đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 143/181 hồ sơ, trong đó bao gồm nhiều hồ sơ về đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép môi trường. Việc cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý đã giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, Sở TN&MT đã thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra 45 dự án chăn nuôi heo, 14 dự án chế biến gỗ và 9 dự án khai thác khoáng sản. Qua đó, 16 tổ chức vi phạm đã bị xử phạt với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến xả thải vượt chuẩn, không thực hiện đúng nội dung đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Những biện pháp xử phạt phù hợp, kịp thời đã góp phần tạo tính răn đe, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường của các cơ sở sản xuất.
Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng được Chị cục BVMT đặc biệt quan tâm thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát các khu vực nhạy cảm; Việc triển khai thực thi quy định của pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp; đẩy mạnh tuyên truyền về đa dạng sinh học... Các hoạt động bảo tồn không chỉ giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái mà còn hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, tạo nguồn thu bền vững cho địa phương.
Ngoài ra, hoạt động BVMT tại các khu công nghiệp ngày càng được chú trọng, tiêu biểu như khu công nghiệp Minh Hưng, khu công nghiệp Chơn Thành đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 92% tại khu vực đô thị và 70% tại khu vực nông thôn, nhờ vào hàng loạt đối tác xã hội hoá tham gia thu gom, xử lý. Đồng thời, các dự án xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến đã được triển khai, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và tái chế tài nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác BVMT tại tỉnh Bình Phước vẫn đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Tình trạng xả nước thải, khí thải chưa đạt quy chuẩn vẫn diễn ra tại một số cơ sở nhỏ. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản thường xuyên phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Những khu vực đông dân cư gần các nhà máy chế biến đang chịu áp lực ô nhiễm ngày càng tăng. Tại khu công nghiệp Đồng Xoài I, hệ thống thoát nước thải chưa được hoàn thiện do khó khăn trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng... dẫn đến nguy cơ nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các nguồn nước tự nhiên lân cận. Trong khi đó, địa phương hiện đang thiếu kinh phí đầu tư vào các dự án hạ tầng môi trường và quy định định mức kinh tế kỹ thuật, khiến nhiều dự án quản lý môi trường bị chậm trễ do không có cơ sở dự toán kinh phí. Năm 2024, kinh phí sự nghiệp BVMT hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng xử lý chất thải và nâng cao năng lực giám sát môi trường ngày càng lớn. Mặt khác, tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn về BVMT cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý; nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm, dẫn đến đáp ứng chưa đầy đủ nhu cầu thực tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ môi trường tuy đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm, đề nghị đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý môi trường và địa phương để xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm; sớm được hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp; ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đầu tư vào hạ tầng xử lý môi trường và triển khai theo mô hình xã hội hoá, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng. Ngoài ra, tập trung xây dựng quy định định mức kinh tế kỹ thuật để tạo cơ sở pháp lý và tài chính cho việc triển khai các dự án lớn.
Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn
Về phía Chi cục BVMT, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các dự án quản lý dữ liệu môi trường, đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong quá trình quản lý. Các hệ thống quan trắc tự động được đầu tư mạnh mẽ, cho phép theo dõi, giám sát các thông số môi trường một cách chính xác, kịp thời, tạo cơ sở để phát hiện sớm vấn đề và đưa ra biện pháp khắc phục. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia giám sát từ cộng đồng; thực hiện hiệu quả các chiến dịch giáo dục về phân loại rác tại nguồn, tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nhằm thay đổi hành vi của người dân. Ngoài ra, Chi cục sẽ đầu tư hơn nữa vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo môi trường; xây dựng, nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước.
Có thể nói, công tác BVMT năm 2024 của tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho các hoạt động trong tương lai. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển kết quả này, tỉnh cần thực hiện các giải pháp toàn diện, từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng môi trường đến tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng. Hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, cùng với sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Bình Phước mới thực sự được hiện thực hóa, góp phần xây dựng tỉnh Bình Phước Xanh - Sạch - Đẹp và phát triển toàn diện.
An Vi