Banner trang chủ

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

19/03/2019

     Đó là chia sẻ của TS. KTS. Trần Ngọc Linh, Chuyên gia - Cục Phát triển Đô Thị, Bộ Xây dựng với phóng viên Tạp chí Môi trường về việc thực hiện Đề án Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam, hướng tới tăng trưởng xanh (TTX), phát triển bền vững (PTBV), khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia…

     PV: Xin ông cho biết thực trạng phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Trong những năm qua, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống đô thị đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 38,4% với 828 đô thị (năm 2018). Công tác quy hoạch, quản lý đô thị cũng như cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Khu vực đô thị luôn chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong tổng GDP, khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế.

 

TS. KTS. Trần Ngọc Linh - Cục Phát triển Đô Thị, Bộ Xây dựng

 

     Bên cạnh một số kết quả quan trọng đã đạt được, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Tại các đô thị lớn, vẫn phổ biến thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực trong đô thị còn yếu, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi. Tại các đô thị vừa và nhỏ, mô hình tăng trưởng chưa đa dạng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững. Tốc độ đô thị hóa cao trong khi các yếu tố khách quan như môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, hệ thống quy hoạch đô thị còn những bất cập về cả thể chế và phương pháp quản trị: quy hoạch vật thể với phương châm thiết kế đặt tầm nhìn và kỳ vọng về hình ảnh tương lai nhưng thiếu tính chiến lược để định hướng thực hiện, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thiếu kết nối với quy hoạch chức năng và ngược lại.

     PV: Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi khi triển khai ĐTTM?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Trong những năm gần đây, mô hình phát triển ĐTTM hướng đến các mục tiêu TTX và bền vững luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác cấp quốc gia và cấp Bộ/ngành đã được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng như Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới,… và gần đây nhất là cộng đồng chung ASEAN để xây dựng mạng lưới ĐTTM ASEAN. Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam hướng đến những giá trị chung, phổ quát trên toàn cầu.

     Hiện nay Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ĐTTM. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tích lũy nhiều kinh nghiệm và năng lực quý báu sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới. Các ngành KT-XH trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị đã và đang không ngừng lớn mạnh.

     Thành tựu về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Thứ hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước. Việt Nam là quốc gia có giá dịch vụ internet băng thông rộng thấp nhất thế giới.

 

Các chỉ số phát triển ĐTTM trên thế giới

 

     Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ. Chủ trương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các cấp các ngành. Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước quan tâm nghiên cứu, ứng dụng ĐTTM vào thực tiễn phát triển của địa phương mình…

     PV: Xin ông chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng ĐTTM trên thế giới?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Qua tìm hiểu kinh nghiệm thế giới, chúng ta có thể nhận thấy việc phát triển ĐTTM rất đa dạng, tùy thuộc vào tầm nhìn, năng lực khoa học kỹ thuật, trình độ con người cũng như cách thức triển khai. Điểm chung là việc sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông ICT, hệ thống mạng, dữ liệu và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển đô thị. Các nỗ lực phát triển ĐTTM trên thế giới đã đem lại một số lợi ích rõ ràng: (i) Công tác quy hoạch thông minh: thông qua các công cụ hỗ trợ ra quyết định phê duyệt quy hoạch, các nguồn lực được điều phối, chia sẻ một cách toàn diện, tiết kiệm chi phí; công tác dự báo kịch bản phát triển và quyết định lựa chọn giải pháp quy hoạch được cải thiện; (ii) Hạ tầng thông minh: hạ tầng đô thị hoạt động tối ưu hơn nhờ áp dụng công nghệ ICT tiên tiến; tiết kiệm chi phí và nguồn lực; cải thiện chất lượng dịch vụ; (iii) Giám sát vận hành quản lý các hệ thống trong ĐTTM thông qua các cảm biến và hệ thống giám sát, thông tin báo cáo tình trạng hạ tầng theo thời gian thực; dự báo và ngăn chặn trước các nguy cơ; triển khai nguồn lực hiệu quả hơn; tự động hóa công tác duy trì, bảo dưỡng; tiết kiệm chi phí; (iv) Đầu tư hạ tầng ĐTTM: hạ tầng đô thị được quy hoạch, triển khai tập trung có tính liên ngành trong mang lại lợi ích tối ưu; cung cấp giá trị tối đa với chi phí tối thiểu; (v) Sự tham gia của người dân trong quản lý: người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của đô thị, tham gia đóng góp các sáng kiến cho đô thị; quan hệ tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền được cải thiện; người dân cũng là một đối tác xây dựng cơ sở dữ liệu theo thời gian thực của đô thị; (vi) Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền cùng với chức năng quản lý được tích hợp; chia sẻ dữ liệu thông qua các tiêu chuẩn mở giúp cải thiện, cắt giảm chi phí hoạt động…

     PV: Xin ông cho biết những thách thức trong phát triển ĐTTM, bền vững ở Việt Nam hiện nay là gì?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Sự phát triển ĐTTM trên thế giới nhìn chung luôn đi cùng những thách thức. Đó là thách thức về tài chính để đầu tư đồng bộ, duy trì sự vận hành của hệ thống; thách thức về sự liên tục thay đổi công nghệ; thách thức về quyền kiểm soát, an toàn, bảo mật thông tin; thách thức về sự rủi ro có tính dây truyền khi có biến động do sự gia tăng kết nối sâu rộng…

     Trong bối cảnh Việt Nam, xuất phát điểm của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đang ở mức thấp, cơ cấu tổ chức xã hội còn nhiều sự chồng chéo, việc phát triển ĐTTM nếu nhìn trên tổng thể sẽ gặp phải thách thức ở hầu hết các khía cạnh của đô thị. Tuy nhiên, nếu đi vào phân tích, đánh giá thì những thách thức này tập trung ở 3 lĩnh vực chính sau:

     Thứ nhất, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị: Công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, đang ở mức độ khá sơ khai. Nguyên nhân là nguồn số liệu đô thị bị phân tán trong các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thống kê…; các chỉ tiêu thống kê đánh giá được thiết kế phục vụ các mục tiêu khác nhau; thể chế và cơ cấu tổ chức thực hiện công tác thống kê hiện nay cũng là hạn chế lớn trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị… dẫn đến các dữ liệu đô thị thiếu độ tin cậy, chính xác.

     Thứ hai, việc điều phối hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển: Phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển KT-XH khác nhau. Thách thức đặt ra ở đây đối với các cơ quan quản lý nhà nước là việc giữ vai trò điều phối các nguồn lực, xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung quản lý thống nhất toàn quốc, hạn chế tối đa việc thay đổi điều chỉnh sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.

     Thứ ba, nền tảng cơ chế chính sách: Thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của quản trị đất nước trong thời đại công nghệ số. Phát triển ĐTTM để hướng đến mục tiêu giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện, mở ra nhiều phương thức hoạt động của xã hội phát triển trên nền tảng công nghệ. Trong khi lĩnh vực phát triển đô thị bao gồm hầu hết các lĩnh vực của phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng. Do vậy, để quản lý, quản trị đô thị hiệu quả nhưng không kìm hãm sự phát triển yêu cầu hệ thống chính sách quản lý nhà nước phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

     PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg 2018 duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030, vậy công tác triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này như thế trong thời gian tới, thưa ông?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Có thể nói Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển ĐTTM tại Việt Nam từ quan điểm, nguyên tắc phát triển ĐTTM cho đến các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Đề án đã xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có tính liên ngành và 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện kèm theo lộ trình, phân công thực hiện.

     Để có thể thực hiện thành công mục tiêu phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam, tạo sự chuyển biến quan trọng mô hình tăng trưởng KT-XH của các đô thị, phát triển ĐTTM rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành quản lý nhà nước ở Trung ương; sự chủ động sáng tạo của chính quyền các địa phương; sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi đối thoại chính sách để tháo gỡ các rào cản vướng mắc; sự tích cực đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực của các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo; sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan tổ chức quốc tế; đặc biệt là sự quan tâm và tham gia của cộng đồng dân cư đô thị.

     PV: Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam sẽ đóng góp thế nào cho công tác bảo vệ môi trường?

     TS. KTS. Trần Ngọc Linh: Theo xu hướng phát triển của đô thị đương đại và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xây dựng và phát triển ĐTTM phải hướng đến những giá trị chung toàn cầu, đó là những mục tiêu TTX và PTBV. Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công các bên liên quan hướng đến quy hoạch ĐTTM, phát triển hạ tầng đô thị thông minh và quản lý ĐTTM, qua đó giảm lượng phát thải từ phương tiện giao thông và công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong đô thị, giám sát được chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước… Đó cũng chính là những mục tiêu cụ thể mà việc phát triển ĐTTM phải hướng đến.

     PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn