Banner trang chủ

Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Hồng

08/09/2015

     Ngày 7/9/2015, Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) ”. Đây là nội dung của Đề tài Khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và  BĐKH ở Việt Namthuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH. Đề tài được thực hiện từ năm 2013 - 2015. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và thách thức về thể chế chính sách đối với liên kết vùng tại vùng ĐBSH, từ đó đề xuất những giải pháp cơ chế, chính sách nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, BĐKH ở Việt Nam.

     Theo báo cáo tại Hội thảo, vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hàng năm vùng đóng góp một phần lớn sản lượng lúa cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSH đang đứng trước thách thức của BĐKH. Tần suất của thiên tai, bão, lũ lụt và hạn hán ngày càng nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng cao làm mất đất canh tác; các đợt rét đậm, rét hại cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi. Thêm vào đó, nhiệt độ tăng; chế độ dòng chảy, độ mặn của nước giảm; cường độ và lượng mưa lớn vào mùa mưa đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của các loài thủy, hải sản. Sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là loài nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không chống chịu với sự thay đổi của nồng độ muối.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Đề cập đến thực trạng về liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, BĐKH, của vùng ĐBSH, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lí nhân văn - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “BĐKH mang tính chất vùng miền rất rõ rệt, gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng, liên tỉnh, liên vùng. Thực tế cho thấy, ứng phó với BĐKH hiện nay chủ yếu đang được triển khai một cách riêng lẻ, thiếu sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng. Mặc dù các tỉnh thuộc vùng ĐBSH đã ban hành kế hoạch hành động về ứng phó với BĐKH, tuy nhiên xem xét các kế hoạch hành động của các tỉnh, vấn đề liên kết vùng chưa được đưa vào trong các kế hoạch này”.

     Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà quản lý cũng nêu ra những bất cập trong liên kết vùng của ĐBSH trong ứng phó với thiên tai và BĐKH như: Thiếu khung  khổ pháp lý cho các hoạt động liên kết vùng (Luật, các Nghị định, Thông tư, Đề án, Chương trình...); Chưa có chủ thể cấp vùng; Chưa tập trung, chú trọng vào các Chương trình, dự án ứng phó với BĐKH mang tính chất liên vùng; Ngân sách chỉ cấp cho Trung ương và địa phương, không có ngân sách cho cấp vùng nên rất khó trong tổ chức thực hiện các dự án liên tỉnh, liên vùng; Trách nhiệm giữa các tỉnh với nhau chưa có sự gắn kết; Thiếu sự chia sẻ đồng bộ về cơ sở hạ tầng…

     Để thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSH, các chuyên gia cũng đưa ra một số kiến nghị, cụ thể: Trong thời gian tới, cần tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu về khí hậu, khí tượng, thời tiết, thủy văn, địa chất địa hình… của vùng ĐBSH; Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính liên kết vùng cho vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung.

     Việc xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSH giai đoạn 2015 - 2020 cần tập trung vào liên kết trong đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ; liên kết vùng trong phát triển du lịch, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp dựa trên thế mạnh của vùng thông qua xây dựng chuỗi giá trị; liên kết vùng trong quản lý tài nguyên nước, tài nguyên rừng, ứng phó với thiên tai, BĐKH.

     Cùng với thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với thiên tai, BĐKH và liên kết vùng, cần xây dựng cơ chế bắt buộc cũng như kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện liên kết ở các địa phương, ban hành bộ tiêu chí phê duyệt và đánh giá đối với các dự án ứng phó BĐKH có tính liên vùng, đặc biệt là thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH giữa các địa phương trong vùng với nhau.

 

Châu Loan



 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn