Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đông nam bộ

23/10/2015

   Ngày 21/10/2015, Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Sở TNMT TP. HCM tổ chức Hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng Đông nam bộ. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và thách thức về thể chế chính sách đối với LKV tại vùng ĐNB, từ đó đề xuất những giải pháp cơ chế, chính sách nhằm tăng cường LKV trong ứng phó với thiên tai, BĐKH ở Việt Nam.

   Theo Báo cáo tại Hội thảo, vùng  Đông nam bộ gồm 6 tỉnh/TP (TP. Hồ Chí Minh, Tây  Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng  Tàu). Đây là vùng có vị thế địa chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng hàng đầu ở khu vực phía Nam, với dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, GDP… Vùng cũng tập trung nhiều nhất các xí nghiệp công nghiệp so với các vùng khác trong cả nước. Trong vùng hình thành các khu công nghiệp lớn tạo điều kiện mở rộng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

   Ngoài ra, vùng Đông nam bộ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với diện tích rừng 532.200 ha, chiếm 2,8% diện tích rừng cả nước và phân bố không đều ở các tỉnh. Rừng trồng tập trung ở Bình Dương, Bình Phước với 15,2 nghìn ha; Bà Rịa - Vũng Tàu 14,3 nghìn ha. Rừng Đông nam bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp gỗ dân dụng, phòng hộ cho cây công nghiệp, giữ nước, cân bằng sinh thái cho toàn vùng. Đặc biệt, rừng quốc gia Cát Tiên là một cơ sở cho nghiên cứu lâm sinh và thắng cảnh. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản, với trữ lượng dầu khí dự báo là 4-5 tỷ tấn dầu và 485 - 500 tỷ m3 khí có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế vùng Đông nam bộ; Quặng bôxit trữ lượng khoảng 420 triệu tấn phân bố ở Bình Phước, Bình Dương….

   Đề cập đến thực trạng về LKV trong ứng phó với thiên tai, BĐKH của vùng Đông nam bộ, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lí nhân văn cho biết: vùng ĐN Đông nam bộ đã chú trọng đến việc liên kết phát triển về nhiều mặt trong các lĩnh vực của đời sống KT-XH, đặc biệt là về kinh tế, với rất nhiều tỉnh thành trong cả nước và ngay giữa các tỉnh trong địa bàn. Lĩnh vực liên kết được đề cập đến nhiều nhất trong quy hoạch phát triển KT-XH của các tỉnh/thành là quản lý tài nguyên và BVMT. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng vẫn chưa xây dựng chính sách tổng thể về liên kết vùng, đây là cơ sở pháp lý để thực thi cũng như giám sát việc thực hiện LKV trên thực tế. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất đối với việc LKV giữa các tỉnh trong nội bộ vùng và với các tỉnh và vùng khác của vùng Đông nam bộ.

   Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà quản lý cũng nêu ra những bất cập trong LKV của  Đông nam bộ trong ứng phó với thiên tai và BĐKH như: Thiếu liên kết trong phát triển của các địa phương, tạo nên sự cạnh tranh “mạnh ai nấy làm” dẫn đến phân tán nguồn vốn đầu tư, hiệu quả thấp; Mâu thuẫn giữa quyền lợi địa phương và quyền lợi chung toàn vùng đã dẫn đến định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế của các tỉnh bị trùng lặp không phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng tỉnh và toàn vùng; Cơ chế chính sách riêng cho các vùng hiện nay chưa thể giải quyết những vấn đề phát sinh trong vùng, đồng thời các hoạt động điều phối giữa các địa phương trong vùng chưa tạo được cơ chế phối hợp hiệu quả…

   Để thúc đẩy LKV trong ứng phó với BĐKH ở vùng Đông nam bộ, các chuyên gia cũng đưa ra một số kiến nghị, cụ thể: Trong thời gian tới cần phải tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu về khí hậu, khí tượng, thời tiết, thủy  văn, địa chất địa hình… của vùng  Đông nam bộ để phục vụ cho hoạch định chính sách; Ban hành khung hướng dẫn lồng ghép ứng phó với BĐKH trong quy hoạch phát triển KT-XH địa phương vùng Đông nam bộ; Sớm ban hành Luật Quy hoạch, trong đó cần xem xét đưa nội dung về LKV nói chung và LKV trong ứng phó với BĐKH vào trong Luật; Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ về những quy định về trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong thực hiện LKV. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc lập, lấy ý kiến, phê duyệt và kiểm tra, giám sát đối với các dự án, các hoạt động ứng phó với BĐKH có tính liên vùng; Xây dựng, thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với thiên tai, BĐKH và LKV ở vùng Đông nam bộ; Thiết lập cơ chế huy động nguồn lực tài chính để phục vụ việc liên kết với các tỉnh trong ứng phó với thiên tai và BĐKH…

Châu Loan

Ý kiến của bạn