Banner trang chủ

Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

15/01/2016

   Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải KNK. Đây là cam kết nêu trong Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) được Việt Nam gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) vừa qua.

   Báo cáo INDC của Việt Nam gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK bao gồm các đóng góp vô điều kiện và đóng góp có điều kiện. Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, trong khi đó các đóng góp có điều kiện là những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được nguồn hỗ trợ tài chính mới và bổ sung, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực từ quốc tế.

   Hợp phần thích ứng với BĐKH gồm các hoạt động thích ứng với BĐKH hiện tại đang được thực hiện; những thiếu hụt so với nhu cầu thích ứng về thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ; và các biện pháp thích ứng ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030. Ước tính rằng ngân sách quốc gia có thể đóng góp khoảng 1/3 nhu cầu tài chính để thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH giai đoạn này, đồng thời sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và đầu tư tư nhân đối với phần còn lại.

 

Triển khai các giải pháp về phòng chống thiên tai, bảo vệ đời sống nhân dân là một trong những hành động ưu tiên thích ứng với BĐKH

 

   1. Hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK

   Trong những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực ứng phó với BĐKH, thể hiện qua các chính sách quốc gia và các hoạt động cụ thể đã và đang được triển khai trong suốt thập kỷ qua về giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với BĐKH thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách. Việt Nam ủng hộ một thỏa thuận pháp lý với sự tham gia của tất cả các Bên thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), gọi tắt là Công ước Khí hậu, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ ở mức dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việt Nam đã ký Công ước Khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; Nghị định thư Kyoto năm 1998 và phê chuẩn năm 2002; và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

   Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (2006), Luật “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (2010). Chính phủ đã có các chính sách ưu tiên như: Phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện quốc gia góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, BVMT. Các chính sách này khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt thông qua các công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

   Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận. Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án, với tổng lượng KNK tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trong thời kỳ tín dụng. Trong số 254 dự án, các dự án về năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái trồng rừng chiếm 0,4% và các loại khác chiếm 1,8%. Số Chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được EB cấp đến nay là trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.

   Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ rừng, trồng rừng và tái trồng rừng và là một trong những quốc gia tham gia thực hiện Chương trình Giảm phát thải KNK thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+). Việt Nam đang xây dựng và chuẩn bị thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); đăng ký thực hiện dự án tín chỉ các-bon theo Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS) và Tiêu chuẩn vàng (GS).

   Tuy đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với các vấn đề như: Thiết lập hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK, hệ thống Đo đạc, Báo cáo và Thẩm định (MRV) các cấp; Xây dựng và thực hiện NAMA; Áp dụng các công nghệ giảm nhẹ phát thải KNK, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiếp cận nguồn tài chính trong và ngoài nước cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK.

   Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, INDC của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Công ước Khí hậu và mục tiêu giữ cho nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu tăng dưới 2oC vào cuối thế kỷ 21.

   Năm 2010, lượng phát thải KNK của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải KNK toàn cầu và mức phát thải bình quân đầu người là 2,84 tấn CO2tđ. Tuy nhiên, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH, định hướng phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các phương án giảm nhẹ phát thải KNK tiềm năng trong năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ các-bon trong LULUCF.

   Để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, INDC đã đề ra các giải pháp cần được tập trung thực hiện như: Tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong ứng phó với BĐKH; Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; Thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải; Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; Giảm nhẹ phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp; Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các bon và dịch vụ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân phụ thuộc vào rừng; Tăng cường công tác quản lý chất thải; Tăng cường hợp tác quốc tế…

   2. Hợp phần thích ứng với BĐKH

   Thích ứng với BĐKH sẽ làm giảm tính dễ bị tổn thương và bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Lợi ích của thích ứng với BĐKH sẽ vượt ra khỏi phạm vi mỗi địa phương, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia. Chủ động thích ứng với BĐKH cũng là đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng thế giới giải quyết vấn đề BĐKH. Thích ứng với BĐKH sẽ giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH và sẽ có đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải KNK.

   Nội dung thích ứng với BĐKH trong INDC bao gồm những kế hoạch được xây dựng phù hợp với bối cảnh hiện tại và dự tính đến năm 2030 và có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Việc thực hiện các kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào nguồn lực quốc gia, đặc biệt là sự hỗ trợ quốc tế.

   Việt Nam xác định thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài. Thích ứng với BĐKH phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các bon thấp và bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo.

   Nhiều hoạt động có liên quan tới thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai đã và đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nguồn lực quốc gia đầu tư cho thích ứng với BĐKH còn hạn chế. Trong khi đó, chi phí khắc phục những thiệt hại dự kiến sẽ tăng lên đáng kể dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Chi phí cho thích ứng với BĐKH ước tính sẽ vượt quá 3-5% GDP vào năm 2030. Vì vậy, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư công, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như hỗ trợ quốc tế cho thích ứng với BĐKH là cần thiết.

   Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do BĐKH. Các hành động ưu tiên thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm các nội dung:

   Chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu: Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan và thiên tai; xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát BĐKH và nước biển dâng; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành dựa trên kịch bản BĐKH có chú trọng đến các ngành và vùng trọng điểm; Triển khai các phương án và giải pháp về phòng chống thiên tai, bảo vệ đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh; Củng cố, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách; tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu dân cư; di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, nước dâng do bão, lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển hoặc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Phân bổ và huy động nguồn lực cho thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai.

   Đảm bảo an sinh xã hội: Rà soát, điều chỉnh, phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội; Xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro khí hậu và thiên tai; Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh BĐKH; Thích ứng dựa vào hệ sinh thái, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên bảo tồn nguồn gen, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các hệ sinh thái quan trọng; Thích ứng dựa vào cộng đồng, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương nhất; Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; bảo đảm an toàn hồ chứa; tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới; đảm bảo an ninh nguồn nước; Đảm bảo an ninh lương thực thông qua bảo vệ, duy trì hợp lý và quản lý bền vững quỹ đất cho nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo giống mới thích ứng với BĐKH; hoàn thiện hệ thống kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; Quản lý rừng bền vững; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo kiệt; trồng và phục hồi rừng, chú trọng phát triển rừng trồng gỗ lớn; ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; Bảo vệ, phục hồi, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng ven biển (bao gồm rừng ngập mặn), đặc biệt là ở vùng cửa sông và ven biển đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng.

   Ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị: Quản lý tổng hợp dải ven bờ; Quy hoạch đô thị và sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu tái định cư ven biển và hải đảo trên cơ sở kịch bản nước biển dâng; Chống ngập cho các thành phố lớn ven biển; xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị chống chịu với tác động của BĐKH; củng cố và xây mới các công trình cấp, thoát nước đô thị lớn; Củng cố, nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đê biển, đê sông xung yếu; Kiểm soát xâm nhập mặn các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

   Bên cạnh đó, các hoạt động thích ứng với BĐKH đến 2030 được đánh giá theo các chỉ tiêu chủ yếu: Đạt ít nhất 90% các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép vấn đề quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH; Giảm 2%/năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, riêng các huyện xã nghèo giảm 4%/năm; Hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão và 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc; Nâng độ che phủ rừng lên 45%; nâng diện tích rừng phòng hộ ven biển lên 380.000 ha, trong đó trồng thêm rừng ngập mặn từ 20.000 đến 50.000 ha; Đạt ít nhất 90% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. 100% số dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc theo dõi, đánh giá triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH sẽ được thể hiện trong các “Thông báo quốc gia” và “Báo cáo cập nhật hai năm một lần” của Việt Nam cho Công ước Khí hậu.

   Thông qua INDC, Việt Nam tái khẳng định đóng góp của quốc gia nhằm ứng phó với BĐKH, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước Khí hậu. Việt Nam tin rằng đóng góp này là công bằng, thể hiện nỗ lực cao nhất, khả thi, có thể đạt được và cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề BĐKH dựa trên các nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

 

Trần Mạnh Hùng

Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn