Banner trang chủ

Vĩnh Phúc cần kịp thời giải quyết các vấn đề nóng về đất đai, môi trường

17/05/2017

     Ngày 16/5/2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

     ​Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc được giao 760 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 637 nhiệm vụ, 121 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và 2 nhiệm vụ quá hạn.

     Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc giải trình, làm rõ về 6 vấn đề: Cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh; Công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản; Việc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang; Ô nhiễm môi trường tại sông Phan, sông Đáy; An toàn vệ sinh thực phẩm; Công tác bảo đảm an ninh trật tự.

     Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền địa phương phải “3 cùng” với doanh nghiệp (cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển; cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp). Từ sau Hội nghị, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 đã tụt 5 bậc so với năm 2015.

     Công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ bất cập, yếu kém, gây bức xúc cho người dân, điển hình như tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép ở sông Lô, tạo ra những hố sâu tới 40 m, khiến bờ kè sạt lở; Một số khu vực đồi núi bị khai thác đá nham nhở, hoặc một số nơi, chủ khai thác đã tự thỏa thuận với người dân có ruộng, đồi để khai thác đất đồi, đất sét làm gạch ngói, cát xây dựng, khiến một lượng lớn đất đai cho nông nghiệp bị tàn phá, khó khắc phục về sau.

 

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Chinhphu.vn)

 

     Tiếp đó là việc Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang, đi ngược với khẳng định của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Cùng với đó là vụ việc chặt phá hàng nghìn m2 rừng trên núi Đá Bia, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên diễn ra từ năm 2016.

     Đặc biệt, tỉnh cần đánh giá tổng thể, kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường tại sông Phan, sông Đáy. Hiện tại, sông Phan hàng ngày phải gánh chịu hơn 20.000 m3 nước thải của hơn 200.000 hộ dân và 4.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp.

     An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang là vấn đề nóng của tỉnh, cụ thể như vụ 7 người trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường phải nhập viện do bị ngộ độc rượu; Giáo viên trường mầm non Hợp Lý, huyện Lập Thạch bị phát hiện sử dụng thịt bẩn để chế biến thức ăn cho học sinh… gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề này và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

     Công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng gặp phải một số vụ việc như thu hồi 256 ha đất nông nghiệp cho khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường của Tập đoàn FLC, huyện Vĩnh Tường, gặp phải sự phản ứng mạnh của người dân.

     Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời có biện pháp khắc phục, giải quyết triệt để, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng, phát triển bền vững đất nước nói chung.

 

Giáng Hương

Ý kiến của bạn