Banner trang chủ

UNDP đồng hành với Việt Nam để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững

06/10/2015

   Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã giúp Việt Nam phát huy những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH) đạt được trong hai thập kỷ qua, đồng thời giải quyết những thách thức mới nảy sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt là ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Để tìm hiểu rõ hơn về kết quả công tác quản lý môi trường đã đạt được thời gian qua và những khuyến nghị cho công tác BVMT tại Việt Nam trong thời gian tới, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Đào Xuân Lai - Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP.

Ông Đào Xuân Lai - Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP

   Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý môi trường thời gian qua và các khuyến nghị nhằm giúp công tác BVMT của Việt Nam trong thời gian tới đạt được kết quả cao?

   Ông Đào Xuân Lai: Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách chiến lược về BVMT, ứng phó với BĐKH như Nghị quyết số 24-NQ/TW (2013) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Luật BVMT (2014), Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Khoáng sản (2010), Luật Đa dạng sinh học (2008) và hai Chiến lược quốc gia về BĐKH và Tăng trưởng xanh là các kết quả điển hình.

   Trong đó, công tác BVMT của Việt Nam đã được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân ngày càng quan tâm hơn. Cơ cấu tổ chức và năng lực quản lý môi trường cũng có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là việc thành lập Ủy Ban quốc gia về BĐKH năm 2012; Năng lực quản lý, nghiên cứu, giám sát thực hiện của các cán bộ cấp Trung ương và cấp tỉnh được nâng lên rõ rệt, nhiều cán bộ đã trở thành những chuyên gia giỏi, có đóng góp quan trọng cho công tác BVMT.

   Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các sự kiện trong khu vực, thế giới về BVMT, BĐKH, cũng như các Công ước, Hiệp ước quốc tế như Hội nghị các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH, Công ước Stốckhôm về các chất hữu cơ khó phân hủy, Công ước về đa dạng sinh học (ĐDSH)...

   Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, ý thức, trách nhiệm BVMT của cán bộ và nhận thức, hành động của người dân về BVMT trong 5 năm qua đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân mong muốn được sống trong môi trường trong lành và tham gia tích cực vào các hoạt động BVMT như trồng cây xanh, thu gom rác, dọn vệ sinh quanh khu dân cư…

   Đặc biệt, Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý và xử lý các hóa chất độc hại, trong đó có các chất hữu cơ khó phân hủy. Hàng trăm tấn chất thải và đất ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật được xử ý môi trường an toàn, hàng nghìn tấn đất ô nhiễm đioxin đã được cô lập và xử lý an toàn.

   Để công tác BVMT trong giai đoạn tới đạt kết quả cao hơn, tôi xin đưa ra một số kiến nghị để Hội nghị xem xét đưa vào kế hoạch hành động, cụ thể: Cần chuyển đổi mạnh mẽ từ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật sang tập trung nguồn lực thực hiện các chính sách này sao cho hiệu quả, minh bạch và giám sát chặt chẽ hơn.

   Trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, cần sử dụng các công cụ đã có như: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) một cách đầy đủ và minh bạch, nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như đã xảy ra trong giai đoạn vừa qua. Ví dụ, trường hợp ô nhiểm sông Đồng Nai do nước thải từ Nhà máy sản xuất của Vedan hay việc chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa)…

   Cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường, làm cơ sở cho công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, nguồn thải, ngăn ngừa kịp thời các nguồn ô nhiễm phát sinh.

   Về công tác bảo tồn ĐDSH, cần rà soát chức năng, nhiệm vụ, nguồn nhân lực và điều phối giữa các cơ quan quản lý, bảo tồn ĐDSH, tránh sự chồng chéo, phân tán nguồn lực như hiện nay.

   Cần tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa trong các đàm phán về BĐKH, nhất là trong quá trình đưa ra một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới áp dụng cho tất cả các nước tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP 21) tại Pari vào cuối năm 2015. Trong đó, việc xây dựng các định chế và vận hành những tổ chức, cơ chế đã hình thành (như Quỹ thích ứng với BĐKH, Quỹ Khí hậu xanh) vừa đóng góp cho sự phát triển, vừa học hỏi và huy động các nguồn lực cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

UNDP hỗ trợ Việt Nam xử lý ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật

   Năm 2015 đánh dấu việc hoàn thành khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và chuẩn bị chuyển đổi từ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sang các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Theo ông, Việt Nam cần phải có lộ trình như thế nào để có thể thực hiện được Mục tiêu trên?

   Ông Đào Xuân Lai: Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện và đạt được hầu hết MDGs trước thời hạn. Riêng mục tiêu MDG 7 - Đảm bảo bền vững về môi trường, Việt Nam đã và đang đạt được những tiến bộ đáng khích lệ nhưng đến năm 2015 có nhiều khả năng sẽ không đạt được MDG 7. Điều này đặt ra cho Việt Nam và ngành TN&MT những thách thức trong việc đạt được 17 mục tiêu SDGs được các nước thành viên của LHQ thông qua tại Hội nghị Đại hội đồng LHQ vào ngày 25 - 27/9/2015.

   Kinh nghiệm thực hiện thành công MDGs là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện SDGs. Tuy nhiên, cũng cần thấy sự khác biệt giữa MDGs và SDGs. MDGs là các mục tiêu liên quan đến một số ngành và nhóm công chúng nhất định và là khung hành động cho các nước đang phát triển, còn SDGs là các mục tiêu toàn diện cần sự tham gia của tất cả các đối tượng trong xã hội, và áp dụng cho cả nước đang phát triển và nước phát triển.

   Do tính toàn diện của SDGs, việc đầu tiên cần phải làm được là tất cả mọi người và tổ chức hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam biết, hiểu và cùng đóng góp trí tuệ, công sức để tuyên tuyền, thực hiện và giám sát tiến trình đạt được các mục tiêu này.

   Theo kinh nghiệm của việc thực hiện MDGs, cần nội địa hóa các mục tiêu và chỉ tiêu toàn cầu này thành các mục tiêu của Việt Nam, lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án ở tất cả các cấp, ngành để thực hiện. Việc đặt thứ tự ưu tiên và thực hiện tập trung cũng là điều quan trọng để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

   Ngoài ra, việc huy động sự tham gia và đầu tư từ khối doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết trong việc thực hiện SDGs. Khối doanh nghiệp có nguồn đầu tư, năng lực nghiên cứu, cũng như tạo công ăn, việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, cần phải giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đến cơ quan, tập thể và cá nhân gắn liền với trách nhiệm chính trị và nhiệm vụ thường xuyên, nhằm giúp đảm bảo việc thực hiện, giám sát một cách hiệu quả. Việc theo dõi, đánh giá và giám sát thường kỳ đối với SDGs như các Báo cáo hàng năm về tiến độ thực hiện MDGs cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ nguồn lực, cũng như thúc đẩy thực hiện SDGs.

   Việc lựa chọn ưu tiên và lồng ghép SDGs vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tại Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt để đảm bảo thực hiện thành công SDGs. Vậy Việt Nam cần lựa chọn các mục tiêu và chỉ tiêu ưu tiên nào, thưa ông?

   Ông Đào Xuân Lai: Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV được tổ chức đúng vào thời điểm khi Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch phát triển KT - XH trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và sau khi SDGs được các quốc gia thành viên của LHQ thông qua.

   Xin đề xuất một số mục tiêu, chỉ tiêu ưu tiên để lồng ghép vào Kế hoạch phát triển KT - XH như sau:

   Thứ nhất, cần phải đưa các tiêu chuẩn chất lượng môi trường, đặc biệt là chất lượng không khí, nước và rừng trong Kế hoạch phát triển KT - XH của Việt Nam để đảm bảo quyền của mọi người dân được “sống trong một môi trường trong sạch” và “nghĩa vụ BVMT” như đã được khẳng định tại Điều 43 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2015 mới chỉ có một số mục tiêu về độ che phủ rừng, còn thiếu các tiêu chí cụ thể về chất lượng rừng.

   Đồng thời, việc duy trì chất lượng môi trường tốt, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên là cần thiết để bảo vệ các quyền và sự bình đẳng cho các thế hệ tương lai.

   Thứ hai, chỉ tiêu về khả năng chống chịu, thích ứng đối với các rủi ro khí hậu và thiên tai: Các hiện tượng cực đoan khí hậu đã và đang gây ra những thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng dân cư nghèo, các nhóm thiểu số tại khu vực ven biển và miền núi. Mặt khác, cần tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và các khu công nghiệp, cũng như khả năng phục hồi của các hệ sinh thái, đặc biệt rừng ngập mặn ven biển để duy trì các lợi ích KT - XH và môi trường mà Việt Nam đã đạt được, giúp tiếp tục giảm nghèo, đảm bảo phát triển bền vững.

   Thứ ba, chỉ tiêu Tăng trưởng xanh: Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 - 2020 và Chương trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2013 - 2020.

   Hiện nay, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam đang ở mức cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực, điều này cũng đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính (KNK) cao. Các tính toán dựa trên Tổng sơ đồ phát điện 7 (PDP7) cho thấy, đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện sẽ chiếm khoảng 85% tổng lượng phát thải KNK quốc gia, trong khi, Việt Nam phải nhập khẩu than trong vài năm tới. Ngược lại với xu hướng toàn cầu, Việt Nam dường như đang lên kế hoạch cho một tương lai phát triển năng lượng dựa vào hóa thạch. Do đó, Việt Nam cần đưa ra các chính sách đảm bảo sự ổn định và minh bạch trong quá trình thực hiện để thu hút, sử dụng hiệu quả đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời.

   Trong khuôn khổ quốc tế hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có trách nhiệm phải giảm phát thải KNK. Lượng khí thải bình quân đầu người chỉ là 1,46 tấn CO2, thấp hơn so với hầu hết các nước có thu nhập trung bình khác. Nhưng lượng khí thải của Việt Nam đang tăng nhanh hơn so với tất cả các nước láng giềng. Hội nghị COP 21 nhằm mục đích đạt được thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới áp dụng cho tất cả các nước, kể cả nước đang phát triển như Việt Nam, theo đó, Việt Nam phải có trách nhiệm giảm cường độ phát thải KNK.

   UNDP đã tích cực giúp Việt Nam trong việc thực hiện và báo cáo tiến độ đạt được MDGs trong suốt 15 năm qua, UNDP cũng sẵn sàng đồng hành với Chính phủ và nhân dân Việt Nam để thực hiện thành công SDGs trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Giáng Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn