Banner trang chủ

Thiết lập các tiêu chí bền vững để thành phố trở thành đầu tầu phát triển bền vững quốc gia

12/09/2016

   1. Thành phố phát triển bền vững

   Trong thời đại toàn cầu hóa và đô thị hóa, vai trò, vị trí của các thành phố (TP), đặc biệt các TP lớn ngày càng có tính quyết định trong phát triển bền vững (PTBV) vùng cũng như quốc gia. Theo số liệu của Văn phòng dân số thế giới (PRB) của Liên hợp quốc công bố năm 2004, tổng dân số thế giới là 6.396 triệu người, trong đó tỷ lệ dân đô thị đã bắt đầu vượt mức 50%, trung bình của các nước phát triển là 76%, trung bình của các nước còn lại là 41%. Cũng theo số liệu của PRB đến tháng 7/2014, tỷ lệ dân số đô thị toàn thế giới đã đạt tới 54%, ước tính đến năm 2050 sẽ có thêm khoảng 2,5 tỷ người sống ở các TP, tỷ lệ dân đô thị thế giới sẽ đạt tới 66%.

   Ở Việt Nam, từ khi “Đổi mới” (năm 1986) đã mở ra một thời kỳ đô thị hóa nhanh. Năm 1990, nước ta mới có 500 đô thị lớn nhỏ; năm 2000 đã có 649 và đến tháng 6/2015, tổng số đô thị ở nước ta là 778 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, 43 đô thị 3, 90 đô thị loại 4 (thị xã) và 601 đô thị loại 5. Hiện nay, tỷ lệ dân số đô thị của nước ta là 38%. Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7/4/2009 về định hướng quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2025 khoảng 50% dân số nước ta sẽ sống ở các đô thị.

   Theo số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia ngày càng tập trung tại các đô thị lớn. Ở các nước ASEAN gần 3/4 GDP và khoảng 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu quốc gia do các đô thị đóng góp như Metro Bangkok (năm 2005) đóng góp tới 44% GDP của Thái Lan, Metro Manila (năm 2006) đóng góp tới 37% cho GDP của Philípin, TP. Hồ Chí Minh (năm 2006) đóng góp 23,5% cho GDP Việt Nam.

   Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 1992 ở Rio de Janerio, Braxin, có 179 nước tham dự, trong đó có Việt Nam, đã thống nhất quan điểm về BVMT và PTBV, coi đó là trách nhiệm chung của toàn nhân loại và đồng thuận thông qua tuyên bố Rio về PTBV (Chương trình Nghị sự 21- Agenda 21). Ngày 17/8/2004, Việt Nam đã ban hành định hướng chiến lược PTBV (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) nhằm PTBV đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và BVMT. Bộ KH&ĐT cũng đã đề ra bộ chỉ tiêu PTBV quốc gia gồm 24 chỉ tiêu. Văn phòng PTBV, Bộ TN&MT đã đề ra Bộ chỉ thị và chỉ số đánh giá tính bền vững về TN&MT. Bộ chỉ thị này gồm 10 chủ đề, mỗi chủ đề có một số chỉ thị, tổng số là 27 chỉ thị.

   Tuy nhiên cho đến nay ở Việt Nam chưa có địa phương, TP nào lập kế hoạch xây dựng PTBV, chỉ có TP. Đà Nẵng đã thông qua kế hoạch và định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành TP Môi trường. Do vậy, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí TP bền vững ở Việt Nam đã trở thành vấn đề bức thiết. PTBV các TP để trở thành đầu tầu thúc đẩy PTBV quốc gia.

   Hiện nay có khá nhiều khái niệm khác nhau về tên gọi TP có liên quan đến PTBV, như là: TP sinh thái, TP xanh, TP môi trường, TP bền vững về môi trường TP bền vững, TP đáng sống. Do vậy, cần phải thống nhất quan điểm thế nào là TP bền vững. Có thể hiểu “Phát triển TP bền vững là sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và BVMT, nhằm mục tiêu tạo ra điều kiện sống của dân cư đô thị khá giả hơn, tiện nghi và hạnh phúc hơn ở thế hệ hiện tại mà không gây ra gánh nặng cho các thế hệ tương lai”

   2. Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng bộ tiêu chí về PTBV

   Trên thế giới đã có nhiều tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước châu Âu đưa ra bộ tiêu chí PTBV. Dưới đây là một số bộ tiêu chí TP bền vững có tính chất tiêu biểu:

Các tiêu chí về TP bền vững môi trường

   Nhân ngày Môi trường thế giới (năm 2005) tại TP San Francisco (Mỹ), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển TP bền vững môi trường, có đại diện các TP của hơn 100 nước và nhiều tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị đã thông qua “Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên hợp quốc - 2005”. Theo đó, Hiệp định đề ra hệ thống các tiêu chí của TP bền vững môi trường, gồm 7 lĩnh vực: Năng lượng; Giảm thiểu chất thải; Thiết kế đô thị; Bảo đảm môi trường thiên nhiên; Giao thông vận tải; Sức khỏe môi trường và Môi trường nước. Mỗi lĩnh vực có 3 tiêu chí, tổng cộng có 21 tiêu chí.

   Năm 2005, Ban Thư ký của ASEAN đã phát động phong trào xây dựng các TP môi trường và cứ 2 năm 1 lần tổ chức xét chọn, công nhận TP môi trường của các nước ASEAN. Đánh giá TP môi trường của ASEAN dựa trên 4 tiêu chí: Không khí sạch; Nước sạch; Đất sạch và Bảo tồn ĐDSH. Các TP: Hạ Long, Đà Nẵng, Huế... đã được công nhận là TP môi trường ASEAN.

TP bền vững là sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và BVMT

Dự án đô thị bền vững ở châu Âu do Viện Môi trường Đô thị Quốc tế điều phối với sự tham gia của 12 TP của các nước: Đan Mạch, Bỉ, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý.    Kết quả 5 năm (1985 - 1990) hoạt động của Dự án đã xây dựng 10 tiêu chí TP bền vững của châu Âu, đó là: Môi trường trong lành; Không gian xanh; Sử dụng hiệu quả tài nguyên; Chất lượng môi trường; Thuận lợi và an toàn giao thông vận tải; Nền kinh tế xanh; Bảo tồn cảnh quan, di tích văn hóa, lịch sử và ĐDSH; Sự tham gia của cộng đồng; Công bằng xã hội, bình đẳng giới; Phúc lợi, có điều kiện sống tốt.

• Các tiêu chí đánh giá TP bền vững tại Anh

   Từ năm 2007, Tổ chức “Diễn đàn Tương lai” tại Anh đã tiến hành đánh giá PTBV đối với các TP dựa trên 13 tiêu chí thuộc 3 lĩnh vực: Tác động môi trường gồm 4 tiêu chí (Chất lượng không khí; Tác động môi trường đối với các hệ sinh thái; Chất thải rắn; Bảo tồn ĐDSH); Chất lượng cuộc sống gồm 5 tiêu chí (Sức khỏe của trẻ sơ sinh và tuổi thọ của cộng đồng dân cư, Giao thông, Việc làm, Giáo dục, Không gian xanh); Thích ứng với tương lai gồm 4 tiêu chí (Ứng phó với BĐKH, Năng lực cạnh tranh; Tái chế, tái sử dụng chất thải; An ninh và an toàn thực phẩm).

• Kế hoạch phát triển TP bền vững ở tiểu bang Minesota (Mỹ)

   Từ năm 2007, chính quyền TP Minneapolis thuộc tiểu bang Minesota (Mỹ) đề ra kế hoạch phát triển TP bền vững với 26 tiêu chí, được phân thành 3 lĩnh vực:

   - Sức khỏe và cuộc sống, gồm 6 tiêu chí: Sức khỏe của trẻ sơ sinh; Tỷ lệ mang thai của trẻ vị thành niên; Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng; Chỉ số cân nặng của dân cư; Chỉ số hô hấp của dân cư; Nhiễm độc chì ở cộng đồng.

   - Tác động môi trường, gồm 12 tiêu chí: Ứng phó với BĐKH; Tỷ lệ năng lượng tái sinh; Chất lượng không khí; Diện tích cây xanh; Tỷ lệ dân cư sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới; Giao thông công cộng; Ô nhiễm tiếng ồn; Các chất ô nhiễm trong nước mưa; Chất lượng nước sông hồ; Lao động - việc làm; An toàn thực phẩm, Giảm thiểu và tái chế chất thải.

   - Vấn đề xã hội, cuộc sống của cộng đồng, gồm 8 tiêu chí: Tỷ lệ số người chết vì ô nhiễm môi trường; Tình trạng tội phạm và bạo lực; Chính quyền tham vấn cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng; Tỷ lệ số người vô gia cư; Giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp; Việc làm và nghèo đói; Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cấp 3 trung bình; Mức độ phát triển nghệ thuật và kinh tế.

• Các chỉ số TP bền vững

   Công ty Thiết kế và tư vấn về thiên nhiên và bất động sản toàn cầu (ARCADIS, 2015) đã giới thiệu bộ chỉ số TP bền vững gồm 20 chỉ số. Bộ chỉ số này là kết quả tổng kết khảo sát đánh giá thực tế về TP bền vững tại 50 TP đứng đầu thế giới như London, New York, San Francisco, Frankfurt, Pari, Amsterdam, Brussels, Moscow, Rom, Toronto, Melbourne, Sydney, Mexico city, Johannesburg…, ở châu Á có các TP: Tokyo, Beijing, Shanghai, Hồng Công, Wuhan, Singapo, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila, Mumbai, New Delhi; và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế trên thế giới theo nguyên tắc “TP bền vững là sự cân bằng, hài hòa giữa các nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và BVMT”.

   Bộ chỉ số TP bền vững của ARCADIS bao gồm 20 chỉ số, phân thành 3 phạm trù: Dân chúng gồm có 8 chỉ số (Biết chữ; Giáo dục; Không gian xanh; Sức khỏe; Tỷ lệ thất nghiệp; Bất bình đẳng về thu nhập; Lao động và việc làm; Giá nhà đất); Tự nhiên gồm có 6 chỉ số (Mức độ tiêu thụ năng lượng; Thảm họa thiên nhiên; Ô nhiễm không khí; Phát thải khí nhà kính; Cấp nước và vệ sinh môi trường; Quản lý chất thải rắn) và Lợi ích gồm có 6 chỉ số (Giao thông vận tải; Hiệu quả năng lượng; Hòa nhập với mạng lưới đô thị quốc tế; GDP trên đầu người; Đầu tư kinh doanh thuận lợi; Giá cả hàng hóa và chi phí kinh doanh).

   Nhìn chung, các bộ tiêu chí nêu trên đều ngắn gọn, cô đọng, minh bạch, cân đối giữa 3 thành phần kinh tế, xã hội và môi trường, tổng số lượng tiêu chí ít nhất là 10, nhiều nhất là 26, trung bình là 18 - 20 tiêu chí. Phần lớn, các tiêu chí TP bền vững đều xuất phát từ các nước phát triển nên chú trọng đến các tiêu chí về chất lượng cuộc sống và BVMT hơn là các tiêu chí phát triển kinh tế đô thị. Tuy nhiên, không thể có bộ tiêu chí TP bền vững chung cho toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nước nghèo và đang phát triển cần phải học tập kinh nghiệm của các nước phát triển.

   3. Đề xuất khung bộ tiêu chí TP bền vững ở Việt Nam

   Trước tiên, bộ tiêu chí TP bền vững cần phải đảm bảo các nguyên tắc: Ngắn gọn, súc tích, minh bạch, có đầy đủ các nội dung cơ bản và cân đối, hài hòa giữa 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường với khoảng 20 tiêu chí; Có tính khả thi, có thể đánh giá định lượng trên cơ sở các thông tin dữ liệu sẵn có, như là các dữ liệu trong niên giám thống kê và báo cáo hàng năm của TP; Không có sự trùng lặp như hệ thống giao thông là hoạt động kinh tế và cũng là hoạt động nâng cao điều kiện đi lại của người dân, nên có thể thuộc về lĩnh vực xã hội, đồng thời cũng liên quan đến lĩnh vực ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, giao thông chỉ là 1 tiêu chí nằm trong 1 lĩnh vực.

   Dựa trên các nguyên tắc này và tham khảo các tài liệu quốc tế, trong nước, tác giả đề xuất khung bộ tiêu chí TP bền vững được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Đề xuất khung bộ tiêu chí TP bền vững của Việt Nam

Lĩnh vực

TT

Các tiêu chí TPBV

 Điểm số

Một số giải thích

 I. Kinh tế

1

GDP trên đầu người

20

GDP trên đầu người

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm

2

Điều kiện kinh doanh

7

Chi phí đầu tư thấp, thủ tục nhanh gọn,

Tài chính minh bạch, chống tham nhũng

3

Giao thông vận tải

8

Hệ thống đường bộ km/km2, giao

thông công cộng, an toàn giao thông

4

Giá bất động sản và

 hàng hóa tiêu dùng

7

Giá cả nhà đất, giá hàng hóa tiêu dùng,

giá dịch vụ

5

Hiệu quả sử dụng năng lượng

8

Tiêu thụ kg dầu tương đương trên

1000 $ GDP

 

 Cộng điểm =

50

 

 II. Xã hội

6

Giáo dục

6

Tỷ lệ số học sinh, tỷ lệ số sinh viên/1000 dân; Tỷ lệ số

người trên 15 tuổi thất học

7

Sức khỏe cộng đồng

6

Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh; Tuổi thọ trung bình; Số giường

bệnh trên 1000 dân

8

Nhà ở

7

Diện tích sàn/đầu người; Nhà ở cho người có thu nhập thấp; xóa bỏ “nhà ổ chuột”

9

Bất bình đẳng về thu nhập

6

Hệ số Gini

10

Tỷ lệ thất nghiệp

6

% tổng số người trong tuổi lao động

11

Tỷ lệ hộ nghèo

6

 Tỷ lệ % hộ nghèo theo mức quy định

12

Tệ nạn xã hội

6

Tỷ lệ người nghiện hút, tỷ lệ số người

bị HIV, số lượng vụ án hình sự xã hội

13

Diện tích đất cây xanh

7

Tỷ lệ diện tích đất cây xanh/tổng diện

tích TP; m2 diện tích đất cây xanh

trên đầu người

 

 Cộng điểm =

50

 

III. Môi trường

14

Tiêu thụ năng lượng

trên đầu người dân

6

Tiêu thụ năng lượng kg dầu tương đương/đầu người; Tỷ lệ năng lượng tái tạo

15

Ô nhiễm không khí và tiếng ồn

6

Nồng độ bụi mịn (µg/m3), nồng độ khí SO2 (µg/m3), mức ồn (dB)

16

Phát thải khí CO2

6

Tấn khí CO2/đầu người/năm

17

Cấp nước và vệ sinh môi trường

 7

Tỷ lệ dân được cấp nước đủ tiêu chuẩn

(l/người.ngày), vệ sinh đường phố

18

Quản lý chất thải rắn

7

Tỷ lệ thu gom CTR, tỷ lệ chôn lấp, tỷ

lệ được chế biến thành phân compost,

tỷ lệ sản xuất năng lượng

 19

Ô nhiễm sông, hồ

 

6

Nồng độ BOD (mg/l), COD (mg/l) và

chất rắn lơ lửng (mg/l)

20

Nạn úng ngập

6

Số khu vực bị úng ngập khi lượng mưa

trên 50mm/trận, số lần bị úng ngập/

năm, thời gian bị úng ngập trung bình

21

Ứng phó với thiên tai

và biến đổi khí hậu

6

Ứng phó với thảm họa thiên tai

Ứng phó với biến đối khí hậu

 Cộng điểm

 50

 

 

 Tổng cộng điểm =

150

 

   Dựa trên số điểm đánh giá có thể phân mức TP bền vững thành 3 hạng:

• TP bền vững hạng nhất: đạt tổng số điểm từ 136 - 150 điểm;

• TP bền vững hạng hai: đạt tổng số điểm từ 121 - 135 điểm;

• TP bền vững hạng ba: đạt tổng số điểm từ 105 - 120 điểm.

   Dưới 105 điểm là TP không đạt tiêu chí TP bền vững

Tài liệu tham khảo

Phạm Ngọc Đăng (chủ biên), Nguyễn Việt Anh, Phạm Hải Hà, Nguyễn Văn Muôn.
Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội-2014

ARCADIS. Design and Consultancy for Natural and Built Assets. SUSTAINABLE CITIES INDEX - 2015.
https://s3.amazonaws.com/arcadis-whitepaper/arcadis-sustainable-cities-index-report.pdf

Science for Environment Policy Indicators for Sustainable Cities

http://ec.europa.eu/environment/integration/research/newsalert/pdf/indicators_

for_sustainable_cities_IR12_en.pdf

    The United Nations Urban Environmental Accords, 2005. www.sustainablepg.org/accords/accords.php)

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn