Banner trang chủ

Thanh Hóa nâng cao chất lượng quản lý chất thải y tế

29/01/2016

     Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tư mạnh và hiệu quả cho công tác xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải rắn.

 

Khu xử lý chất thải rắn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn (Thanh Hóa)

 

     Trung bình lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày tại 47 bệnh viện trong tỉnh Thanh Hóa là 5.140kg; trong đó chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trung bình mỗi ngày là 955kg. Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn y tế, các bệnh viện đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn theo mô hình dự án khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng quá lâu, một số lò đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu xử lý hàng ngày, hiện đã và đang được đầu tư xây mới bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới gần 200 tỷ đồng để nâng cấp cho 5 hệ thống xử lý chất thải lỏng và xây mới 9 hệ thống xử lý chất thải rắn tại 9 cụm để xử lý rác thải y tế cho cả tỉnh. Sau khi các dự án trên hoàn thành đưa vào hoạt động góp phần đảm bảo môi trường, tạo nền y tế Thanh Hóa “xanh”.

     Trong 5 năm (2011 - 2015) cùng với ngân sách Trung ương, Thanh Hóa đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng tại 37 bệnh viện công lập. Việc chú trọng đầu tư mới, nâng cấp sữa chữa các hệ thống xử lý chất thải đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo môi trường.

     Chất thải y tế được xử lý bằng lò đốt chuyên dụng (hầu hết các bệnh viện có lò đốt), số ít bệnh viện không có lò đốt hợp đồng với các đơn vị có lò đốt hỗ trợ xử lý chất thải y tế. Đến cuối năm 2014, có 26/26 bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng lò đốt theo công nghệ BDF - LDR 10i để đốt rác thải y tế. Ngoài ra bệnh viện còn hỗ trợ tiếp nhận đốt rác thải y tế của các trung tâm, phòng khám đa khoa tại lò đốt của bệnh viện. Tuy nhiên, hiện tại, một số lò đốt của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã cũ, sửa chữa nhiều lần.

    Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế Thanh Hóa, tất cả các cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải y tế ngay tại các khoa, phòng theo quy định. Hiện có 8/11 bệnh viện tuyến tỉnh đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng công nghệ xử lý bằng thiết bị hợp khối (đệm vi sinh lưu động) theo nguyên lý AAO. Nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương 50% và địa phương 50%. 20 bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động tốt hoặc đang được xây mới. Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định. Một số bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải xuống cấp đang được Sở Y tế chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp như bệnh viện Hà Trung, Quan Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc...

    Thực hiện Đề án “Tổng thể xử lý chất thải y tế” giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng tới 2020, Sở Y tế Thanh Hóa trực tiếp điều hành, kết hợp với các ban, ngành liên quan, đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch. Theo đó, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ sở y tế quản lý chất thải y tế đúng quy trình, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan môi trường để xử lý, tiêu hủy chất thải y tế theo quy định.

 

An Vi

 

 

Ý kiến của bạn