Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Thanh Hóa: Dân kêu cứu vì mỏ quặng thả chất thải xuống suối

15/09/2015

     Cứ vào thời điểm nửa đêm về sáng là mỏ quặng sắt của Cty Kim Phát đóng trên địa bàn thôn Đầm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) lại xả nước thải xuống thượng nguồn suối Cha khiến cho cả dòng suối là nước sinh hoạt, tưới tiêu của hai xã Lương Nội và Hạ Trung đỏ lòm, đặc quánh.      Sự việc đã diễn ra khá lâu, người dân làm đơn gửi tới chính quyền nhưng xã vẫn không có ý kiến với Cty và huyện để giải quyết khiến cho người dân vô cùng bức xúc.      Nước suối đỏ ngàu, đặc quánh      Suối Cha (tên gọi địa phương) bắt nguồn từ trong khe núi thuộc xã Lương Nội, là nơi cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu chính cho hai xã Lương Nội và Hạ Trung (huyện Bá Thước). Người dân cho biết, suối Cha này trong lắm, chẳng khi nào hết nước cả. Hàng ngày người dân nơi đây thường ra suối lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, khoảng mấy tháng trở lại đây mỏ quặng của Cty Kim Phát thường xuyên xả nước thải xuống suối, cả dòng suối đỏ ngàu khiến người dân không thể lấy nước về dùng.   Nước suối đỏ ngầu chảy ầm ầm        Anh Quách Văn Chương, trưởng thôn Đầm cho biết, cứ vào khoảng 2 giờ sáng là trên mỏ quặng lại tháo nước xả thải xuống suối, nước chảy ầm ầm, đục ngầu.      Dẫn chúng tôi ra phía hạ nguồn con suối, anh bảo thôn Đầm có 84 hộ dân, 312 nhân khẩu sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Tổng diện tích lúa 11,7ha, nhưng vụ lúa vừa qua phải bỏ hoang mất 3,7ha vì không có nước tưới.       Nghiêm trọng hơn là diện tích màu trồng mía với 89ha thì chiếm tới 20ha dùng nước suối ô nhiễm tưới làm cho cây bị bó gốc, bó lá không thể phát triển.      Xã Lương Nội cách Hạ Trung gần chục cây số, anh Chương không ngần ngại dẫn chúng tôi đến tận nơi chứng kiến cảnh đang xả nước thải đỏ ngàu, đặc quánh chảy ùn ùn khắp suối. Anh Chương bảo, xã Lương Nội may mắn hơn chỉ có một thôn Đầm bị ảnh hưởng, chứ Hạ Trung thì gần như cả xã.      Theo ghi nhận của VietNamNet, dọc suối Cha bắt đầu nối từ thôn Đầm đến khu vực hạ nguồn (Hạ Trung) nước đỏ ngầu vẫn chảy rầm rầm. Nhiều đoạn chúng tôi dùng que chọc xuống đáy, lớp bùn đọng lại đặc quánh sục lên.       Ông Trương Văn Thơm, trưởng thôn Môn (xã Hạ Trung) cho biết, thôn của ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trước đây người dân thường ra suối tắm giặt, bắt tôm, cá về ăn. Thời gian gần đây suối chẳng còn một bóng dáng con tôm cá nào.      Cũng chẳng ai dám ra suối để tắm giặt. Nước sinh hoạt, tưới tiêu không còn được như trước đây nữa. Xã Hạ Trung có 8 thôn thì chiếm tới 6 thôn bị ảnh hưởng như: Thôn Môn, thôn Man, thôn Côn, thôn Cò Con, Cò Mui, Chiềng Ai.      Từ năm ngoái người dân các thôn cũng đã làm đơn “kêu cứu” gửi tới chính quyền xã, xong chính quyền địa phương chẳng thấy hồi âm hay trả lời gì với dân. Mới đây người dân phải lên trực tiếp UBND xã để phản ánh sẽ làm đơn lên huyện, tỉnh.      Song xã trả lời với người dân là không được gửi đơn vượt cấp, nếu có gửi lên thì huyện cũng trả đơn về cho xã thôi?!.      Nước thải không ảnh hưởng tới dân sinh?      Ông Hoàng Văn Sứ, Chủ tịch UBND xã Hạ Trung cho biết, từ khi doanh nghiệp này đi vào khai thác thì có hiện tượng nước suối Cha đục ngầu. Sau khi tiếp nhận thông tin, xã cũng đã cử đoàn gồm phó Chủ tịch xã, trưởng công an và một số cán bộ đi kiểm tra thực tế.      Ông Sứ cũng thừa nhận nước thải của con suối này gây ảnh hưởng tới nước tưới tiêu của địa phương. Đặc biệt là mỗi lần nước từ trên thượng nguồn đổ về thì xã ông phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nhất, chiếm hết gần xã.      Ông bảo, vì mỏ quặng nằm trên địa bàn xã Lương Nội nên không thể can thiệp mà sẽ làm tờ trình gửi tới huyện và phòng TN-MT nhờ can thiệp.   Bể chứa chất thải của doanh nghiệp        Trái ngược với lời ông Sứ, ông Cao Minh Chức, Chủ tịch UBND xã Lương Nội lại tỏ ra thờ ơ trước việc nước thải của Cty khai thác quặng thường xuyên xả thải ra môi trường bên ngoài.      Ông Chức cho rằng những lần nước thải đổ xuống suối là do trời mưa, các hồ chứa của Cty bị tràn ra ngoài?. Mới đây đoàn cán bộ của huyện, xã cũng đã lên kiểm tra không có vấn đề gì xảy ra cả?.       “Suối đó không phải là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của dân làng, nên dù có bị ảnh hưởng, đục, bẩn cũng không ảnh hưởng gì?”, ông Chức nói.      Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Ấn, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Bá Thước cho biết, đến thời điểm này huyện vẫn chưa nhận được văn bản nào hay phản ánh gì của người dân về vấn đề ô nhiễm do Cty khai thác quặng gây ra.       Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ cho người đi kiểm tra ngay lập tức, nếu đúng có hiện tượng trên sẽ cho thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá mức độ và có biện pháp xử lý.   Theo vietnamnet.vn  
Ý kiến của bạn