Banner trang chủ

Thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm nước từ hóa chất và đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm nước

14/12/2015

   Thực trạng ô nhiễm nước từ hóa chất hiện nay

   Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da... đều sử dụng hóa chất. Qua công tác kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp…Đặc biệt, việc dò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường còn làm ô nhiễm nguồn nước.

   Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2012, tại lưu vực sông (LVS) Cầu có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất luyện cán thép, giấy, hóa chất, khai khoáng... Do đó, nước thải thường có hàm lượng TSS, kim loại nặng và dầu mỡ khá cao, chứa nhiều các chất hữu cơ (BOD5, COD). Nước thải công nghiệp hình thành do quá trình sử dụng nước trong sản xuất và điều kiện hình thành nước thải, lưu lượng, thành phần nước thải rất khác nhau. Thành phần và tính chất của nước thải từ các ngành sản xuất cũng có tác động khác nhau tới chất lượng nước. Ví dụ, nước thải của ngành cơ khí - chế tạo máy chứa nhiều dầu mỡ và chất rắn lơ lửng, nước thải của ngành chế biến thực phẩm chứa nhiều chất hữu cơ, nước thải của ngành sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều loại hóa chất như xút, thuốc tẩy, phèn, nhựa thông, phẩm màu... Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân thường sử dụng nhiều loại phân bón để tăng năng suất cây trồng cũng như nhiều loại hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, đây là một trong những nguồn nghiêm trọng gây ô nhiễm nước.

   Cùng với đó, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (HĐKS) phát triển một cách ồ ạt, gây những tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Trong hoạt động khai thác khoáng sản, nước được sử dụng với khối lượng lớn cho hầu hết công đoạn sản xuất. Quá trình sản xuất, tháo khô mỏ, đổ thải... đã gây những tác động tiêu cực tới nguồn nước sản xuất nông nghiệp ở khu vực xung quanh khai trường như thay đổi địa hình, hệ thống nước mặt, điều kiện tàng trữ và thoát nước (tác động cơ học) làm thay đổi tính chất vật lý, thành phần hóa học của nước (tác động hóa học). Song song với những tác động cơ học đến nguồn nước nói chung và nguồn nước nông nghiệp nói riêng, những tác động hóa học đối với nguồn nước cũng rất đáng kể. Sự phá vỡ cấu trúc của đất đá chứa quặng khi tiến hành đào bới và khoan nổ sẽ thúc đẩy các quá trình hòa tan, rửa lũa các thành phần chứa trong quặng và đất đá, quá trình tháo khô mỏ, đổ các chất thải vào nguồn nước, chất thải rắn, bụi thải không được quản lý, xử lý chặt chẽ, tham gia vào thành phần nước mưa, nước chảy tràn cung cấp cho nguồn nước tự nhiên... là những tác động hóa học làm thay đổi tính chất vật lý và thành phần hóa học của nguồn nước xung quanh các khu mỏ. Mức độ ô nhiễm hóa học các nguồn nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm thân quặng, thành phần thạch học và độ bền vững của đất đá chứa quặng, phương pháp và trình độ công nghệ khai thác, chế biến quặng, biện pháp quản lý và xử lý chất thải...

   Nước ở các mỏ than thường có hàm lượng cao ion kim loại nặng, á kim, các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố phóng xạ... cao hơn so với nước mặt và nước biển khu vực đối chứng và cao hơn TCVN từ 1-3 lần. Đặc biệt là khu vực từ Quảng Yên đến Cửa Ông.Sự biến đổi chất lượng nguồn nước, tải lượng một số chất thải trong nước tháo khô các mỏ than.

   Trong các mỏ thiếc sa khoáng, biểu hiện chính của ô nhiễm hóa học là làm đục nước bởi bùn - sét lơ lửng, tăng hàm lượng các ion sắt và một số khoáng vật nặng. Việc khai thác và tuyển quặng vàng phải dùng đến thuốc tuyển chứa Hg, CN-... ngoài ra, các nguyên tố kim loại nặng cộng sinh như asen, antimoan, các loại quặng sunfua có thể rửa, hòa tan vào nước. Vì vậy, ô nhiễm hóa học do khai thác và tuyển quặng vàng là nguy cơ đáng lo ngại đối với nguồn nước sinh hoạt và nước nông nghiệp. Tại những khu vực này, nước thường bị nhiễm bẩn bởi bùn sét và một số kim loại nặng và hợp chất độc như CN, Hg, As, Pb... mà nguyên nhân chính là do nước thải, chất thải rắn không được xử lý đổ bừa bãi ra khai trường và khu vực tuyển.

Ngày 18/9/2015, người dân xã Thanh Hưng, tỉnh Điện Biên phát hiện nước trong dòng suối Nậm Khánh chuyển thành màu đỏ do ô nhiễm hóa chất 

   Nguyên nhân gây ô nhiễm nước từ hóa chất

   Từ thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý ô nhiễm nước do hóa chất còn nhiều bất cập do các nguyên nhân:

   Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất còn chồng chéo như Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, bộ máy nhân sự quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng. Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất còn chưa tốt do nhiều nguyên nhân: sự thiếu hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp, còn tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền văn bản pháp luật về hóa chất chưa được thực hiện thường xuyên…

   Kiểm soát ô nhiễm là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về BVMT, điều này được chứng minh từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa, khái niệm, nội dung cũng như quy trình của KSON môi trường nước đầy đủ và thống nhất. Hơn nữa, công tác kiểm tra, phát hiện, theo dõi, xử lý, khắc phục các khu vực nước bị ô nhiễm do hóa chất, xác định thiệt hại về ô nhiễm môi trường nước chưa đầy đủ. Các quy định về KSONN đối với lưu vực sông và biển ven bờ đã được quy định nhưng đối với các môi trường nước khác đang còn thiếu các quy định.

   Vấn đề quản lý các nguồn nước thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều bất cập.Theo quy định của Luật BVMT năm 2014, mọi nguồn thải phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả vào môi trường tiếp nhận.Tuy nhiên, việc xác định môi trường tiếp nhận là môi trường xung quanh, hệ thống thoát nước, thủy lợi đang là vấn đề chồng chéo của các quy định hiện hành.

   Khuyến nghị một số giải pháp KSONN, trong đó có vấn đề ô nhiễm nước từ hóa chất nói riêng

   Hoàn thiện khung chính sách: Xác định các trọng tâm ưu tiên trong công tác KSONN trên toàn quốc trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ những định hướng Chiến lược mang tầm quốc gia và cho từng địa phương.

   Tổ chức triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, tập trung ưu tiên kiểm soát các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: Thống kê, quản lý các nguồn thải; tăng cường các biện pháp giám sát tại nguồn đối với các nguồn thải lớn, nguồn thải có nguy cơ phát sinh hóa chất độc hại… bằng các biện pháp chuyên biệt (như quan trắc tự động liên tục, kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế giám sát dựa vào cộng đồng …); Rà soát, đánh giá, công bố các công nghệ xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước phù hợp để các tổ chức, cá nhân lựa chọn, áp dụng.

   Tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông, các lưu vực nước kín… Tăng cường kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, trong đó tập trung quan trắc đối với các dòng sông xuyên biên giới, môi trường biển; Xây dựng kế hoạch, tăng cường năng lực nhằm chủ động trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả môi trường do sự cố thiên tai và nhân tạo gây ra đối với môi trường nước.

   Nâng cao năng lực thực thi công tác KSONN ở cấp Trung ương và địa phương: Xây dựng cơ chế và nền tảng pháp lý, kỹ thuật cho việc tiếp nhận - xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường nước dựa vào cộng đồng; Xây dựng đội ngũ “phản ứng nhanh” trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường nước do sự cố thiên tai và nhân tạo; Đẩy mạnh việc áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ về theo dõi, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nước…

   Đối với việc xử lý và phục hồi chất lượng nguồn nước cần quy định chi tiết và cụ thể về xử lý nguồn thải; Theo dõi, phát hiện khu vực ô nhiễm; Điều tra, xác định mức độ, phạm vi, nguyên nhân gây ô nhiễm; Xác định trách nhiệm của đối tượng gây thiệt hại, xử lý đền bù thiệt hại; Cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước, phân công và đề xuất phương thức thực hiện (công nghệ xử lý); Phát hiện, khoanh vùng, cô lập nguồn gây ô nhiễm, xác định cụ thể trách nhiệm của UBND tỉnh/thành phố thượng nguồn dòng nước phối hợp với UBND các tỉnh vùng hạ nguồn trong điều tra, phát hiện xác định nguồn gây ô nhiễm.

   Vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong KSONN: Quy định cụ thể về chức năng giám sát ô nhiễm nước của các cấp quản lý nhà nước (Quốc hội; Chính phủ; Các Bộ/ngành và chính quyền địa phương; Vai trò các tổ chức xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư; Thúc đẩy các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc hỗ trợ người dân giám sát môi trường nước.

   Cơ chế xử phạt và khuyến khích những điển hình trong KSONN: Người lãnh đạo cơ sở gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm đền bù cho tác hại gây ô nhiễm của cơ sở mình; Khi gây tác hại nghiêm trọng, có thể bị quy các tội danh hình sự; Cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác KSONN.

   Công nghệ: Có chính sách hỗ trợ về tri thức và tài chính cho các hoạt động ứng dụng công nghệ trong xử lý, KSONN, đặc biệt là các công nghệ dựa trên vi sinh, phi hóa chất.

   Tăng cường công tác truyền thông: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong giám sát, phát hiện ô nhiễm nước, đồng thời nêu gương các doanh nghiệp tốt trong KSONN; Người dân có quyền được tiếp cận các thông tin về ô nhiễm nước và chất lượng nước.

   Trách nhiệm giải trình của chính quyền và doanh nghiệp: Quyền của người dân được biết thông tin, được chất vấn chính quyền hoặc doanh nghiệp/chủ đầu tư về hiện tượng ô nhiễm nguồn nước; Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong KSONN.

Nguyễn Thị Thúy Hà

Trung tâm Dữ liệu và Ứng phó sự cố hóa chất

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn