Banner trang chủ

Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La

02/03/2017

     Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Điển hình là các xã Ngọc Chiến (huyện Mường La), xã Mường Sang (huyện Mộc Châu) đã dẫn đầu tỉnh trong công tác chi trả DVMTR, huy động nhiều nguồn vốn xã hội hóa phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân.

     Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La là khu vực đầu nguồn, cung cấp nước cho nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là thủy điện Sơn La. Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Chiến có 44 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Từ khi chính sách chi trả DVMTR thí điểm được triển khai thì công tác bảo vệ rừng nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

     Với hơn 1.800 ha rừng hiện có, người dân trong bản đã cùng nhau bảo vệ, giữ gìn cho những cánh rừng không bị tàn phá. Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, cũng như tình trạng cháy rừng hàng năm đã giảm. Đặc biệt, trong mùa khô  năm 2015 – 2016, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Có thể thấy, ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng đã nâng lên rõ rệt.

     Cùng với đó, đời sống của người dân trong xã cũng được cải thiện, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới phục vụ lợi ích người dân trong bản. Hiện UBND xã đã trích một phần số tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả làm các công trình phúc lợi, công trình giao thông được xây dựng. Có thể thấy, từ nguồn thu chi trả DVMTR rừng đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống của người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

     Mường Sang là một xã còn khó khăn của huyện Mộc Châu, các điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Nhưng những năm gần đây, nhờ việc thực hiện tốt việc bảo vệ rừng nên một phần nguồn vốn  chi trả DVMTR đã được trích lại để xây dường bê tông trong xã, góp phần tăng cường cơ hội giao thương của nhân dân nhờ việc vận chuyển hàng hóa được lưu thông. Ngoài ra, trong việc thực hiện cam kết với chủ rừng, Ban quản lý xã Mường Sang đã có những cách làm thiết thực như thành lập các tổ bảo vệ rừng. Hàng tuần các thành viên trong tổ sẽ bàn bạc, đưa ra những phương án giám sát kiểm tra hoạt động. Nhờ đó, đã tránh được tình trạng người dân thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với diện tích rừng của cộng đồng.

 

    Người dân xã Ngọc Chiến thực hiện công tác chăm sóc rừng

 

     Từ những thành công trong công tác chi trả DVMTR của các xã Ngọc Chiến và Mường Sang, tỉnh Sơn La đã thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng tại 12 huyện, TP trên địa bàn và thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Hiện Quỹ  BV&PTR tỉnh cũng đã ký trên 20 hợp đồng ủy thác dịch vụ môi trường rừng với các công ty, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; đôn đốc các công ty nhà máy nộp tiền về Quỹ theo quy định, để từ đó nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ rừng, đặc biệt là đồng bào ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới của tỉnh. Tính đến năm 2016, Quỹ  BV&PTR tỉnh đã tiến hành giải ngân được trên 90 tỷ đồng cho trên 52.174 chủ rừng với diện tích 519.365 ha rừng.

     Ngoài ra, thông qua việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ rừng đã được các chủ rừng và các cộng đồng bản, nhóm hộ thực hiện tốt hơn. Nhờ đó, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Sơn La đã giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại. Cụ thể, năm 2016 giảm trên 680 vụ so với năm 2009. Cùng với đó, chính sách chi trả  DVMTR đã tạo nguồn tài chính lớn và ổn định cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong giai đoạn 2010 - 2016, tổng số thiền thu ủy thác từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các chủ rừng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Gấp gần 3 lần nguồn vốn ngân sách hàng năm đầu tư cho chương trình bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Sơn La.

     Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, trong thời gian tới, Quỹ  BV&PTR tỉnh Sơn La tiếp tục thực một một số giải pháp như: tiếp tục nghiên cứu chính sách và thông qua thực tiễn triển khai ở địa phương, phát hiện những tồn tại, bất cập từ phía chính sách và hướng dẫn thi hành để kịp thời phản ánh kiến nghị với Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp tình hình thực tế; Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ chi trả DVMTR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR;  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả  DVMTR sâu rộng đến người dân để người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình; Sử dụng hiệu quả các nguồn tiền chi trả DVMTR, đảm bảo công khai, minh bạch.

 

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

 

 

Ý kiến của bạn