Banner trang chủ

Thúc đẩy các giải pháp kinh doanh bền vững tại Việt Nam

05/12/2017

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD

   Tiếp nối thành công của 3 kỳ Diễn đàn doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VCSF), vừa qua, Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn VCSF lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức PTBV”. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD về các giải pháp kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

   Theo ông, DN có vai trò gì trong việc triển khai các Mục tiêu PTBV?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Trước hết có thể khẳng định, bên cạnh vai trò của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, DN đóng một vai trò cốt yếu trong việc triển khai 17 Mục tiêu PTBV (SDGs) bởi mỗi hoạt động của DN đều tạo ra những tác động nhất định đến mọi mặt của đời sống. Nói cách khác, các Mục tiêu toàn cầu sẽ không thể được hiện thực hóa nếu thiếu sự tham gia của DN.

   DN là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, đồng thời cũng là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển công nghệ. Đặc biệt, khu vực tư nhân là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách Nhà nước - điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo...) và BVMT, tiến tới PTBV.

   Ở cấp độ quốc gia, các SDGs cũng được xem là “kim chỉ nam” để cộng đồng DN phát triển. Vấn đề PTBV luôn dược xác định là yêu cầu quan trọng và là mục tiêu cốt lõi của sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Chính vì vậy, định hướng và hoạt động theo SDGs, các DN sẽ nâng được vị thế, đồng thời có được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, nhà đầu tư.

   Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện các SDGs của DN giai đoạn 2015-2017?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: 2 năm sau khi 17 SDGs được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, sự ủng hộ của cộng đồng DN đối với SDGs đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, có 1.500 DN tham gia Diễn đàn DN về PTBV của Liên hợp quốc, trong khi năm 2016 chỉ là 200 DN. Đặc biệt, cộng đồng DN đã nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các SDGs mang lại, cũng như rủi ro có thể được khắc phục. Số lượng các DN lập báo cáo bền vững (BCBV) tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm (2012-2017), với 90% trong tổng số 500 DN lớn nhất đã lập BCBV. Ngoài ra, mạng lưới hợp tác cũng được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và quốc gia.

   Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình PTBV chung vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là DN khu vực tài chính. Nhiều DN vẫn lúng túng khi tiếp cận các SDGs và nhận thức trên toàn cầu đối với PTBV nhìn chung còn chưa cao.

Lễ Công bố "Bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2016" lần thứ nhất do VBCSD tổ chức, ngày 8/11/2016, tại Hà Nội

   Trong thực tế, việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới, hướng đến PTBV của các DN tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể thấy ngày càng có nhiều sáng kiến, mô hình kinh doanh mới, hướng đến PTBV như các mô hình: Kinh doanh cùng người thu nhập “thấp”, nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, lập báo cáo PTBV, áp dụng bộ chỉ số DN bền vững (CSI)... Do đó, nhiều DN đã giảm tới 99% lượng phát thải khí CO2, không xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp; sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng 98-99% phụ phẩm và phế liệu… Hiện nay, VCCI và VBCSD đang xây dựng Chương trình hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) - một khái niệm mới tại Việt Nam và thế giới. Ước tính, mô hình kinh doanh mới này có thể tạo ra những cơ hội kinh doanh trị giá tới 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, các DN Việt Nam có thể tận dụng những tiềm năng do KTTH mang lại. Hoạt động đầu tiên của Chương trình hỗ trợ DN triển khai nền KTTH chính là sáng kiến “Ngừng xả thải vào môi trường tự nhiên” do VCCI/VBCSD phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam, CocaCola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam thực hiện, nhằm giải quyết những vấn đề do chất thải nhựa gây ra, đồng thời thiết kế lộ trình cho việc xây dựng, thúc đẩy những mô hình kinh doanh bền vững trên phạm vi toàn quốc, phát triển chuỗi giá trị và kiến nghị chính sách tạo điều kiện cho việc triển khai nền KTTH trên cả nước.

   Ngoài ra, mô hình DN xã hội cũng là một điểm sáng bền vững và nhân văn. Ở Việt Nam, DN xã hội đã trở thành chủ thể kinh tế được pháp luật ghi nhận và khuyến khích. Nhiều doanh nhân Việt Nam đã chọn con đường làm DN xã hội để đóng góp cho phát triển cộng đồng, coi việc mang lại hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu chính…

Nhà máy bia Heineken Việt Nam được VCCI xếp hạng 3 DN bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, năm 2016

   Để thực hiện thành công các SDGs, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ban/ngành, theo ông, các DN cần phải làm gì?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Như đã nói ở trên, các Mục tiêu toàn cầu sẽ không thể được thực hiện nếu thiếu sự tham gia của DN. Và ngược lại, DN cũng được hưởng lợi ích to lớn từ việc thực hiện PTBV. Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh doanh và PTBV, nếu đặt PTBV nằm trong chiến lược cốt lõi của DN, việc hoàn thành 17 SDGs có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD trong 4 lĩnh vực: Lương thực, nông nghiệp; đô thị; năng lượng, vật liệu; y tế và sức khỏe. Nếu xét trên tất cả các lĩnh vực, tiềm năng kinh tế mà PTBV mang lại sẽ lớn hơn nhiều con số 12 nghìn tỷ USD. Do đó, trước hết DN cần nhận thức rằng, việc không thực hiện PTBV là một lựa chọn tốn kém khi bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng mà PTBV mang lại.

   Mặt khác, những khiếm khuyết của mô hình kinh tế truyền thống đang làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường và xã hội, đồng thời kìm hãm tiềm năng phát triển trong tương lai. Chi phí kinh doanh ngày càng lớn trong khi các cơ hội kinh doanh bị thu hẹp dần. Chính phủ cũng sẽ đặt áp lực thực hiện PTBV lên khối DN, và việc từ chối gắn kết các SDGs trong chiến lược kinh doanh có thể khiến họ gặp rủi ro về pháp lý trong tương lai. Tôi mong rằng, các nhà lãnh đạo DN hãy coi việc thực hiện SDGs là nhiệm vụ của mình và cập nhật thông tin về PTBV.

   Đồng thời, DN cần hiểu rõ những tác động về kinh tế, môi trường và xã hội mà các hoạt động kinh doanh của họ có thể tạo ra, từ đó xây dựng một kế hoạch hướng tới PTBV. Đồng thời, DN nên áp dụng những công cụ hữu hiệu để quản trị công ty (như CSI) để giúp DN có cái nhìn tổng thể về toàn bộ hoạt động của công ty, quản trị rủi ro cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh qua góc độ của các SDGs, giúp DN thành công, bền vững hơn, cũng như tích cực truyền thông những hoạt động và tiến độ thực hiện SDGs.

   Trên cấp độ ngành, DN cần phối hợp với DN cùng ngành và các bên liên quan nhằm gắn kết SDGs vào bối cảnh của ngành, từ đó xây dựng một tầm nhìn chung cho toàn ngành, phối hợp triển khai các sáng kiến chuyển đổi. DN cũng cần giới thiệu những chính sách quan trọng cũng như các hình thức hỗ trợ từ phía Chính phủ và tổ chức tài chính.

   Xin chân thành cảm ơn ông!

Vũ Nhung (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn