Banner trang chủ

Thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại 4 tỉnh miền Trung

21/09/2016

     Ngày 20/9, tại cuộc giao ban thông tin báo chí, các Bộ TN&MT, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

 

 

    Theo đó, về phía Bộ TN&MT

     Bộ TN7MT đã phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 5/2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Nam với mục đích thông tin cho cộng đồng, góp phần xác định nguyên nhân của sự cố.

     Bộ TN&MT cũng đã tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai chương trình đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển do sự cố môi trường được tiến hành trong tháng 6/2016 trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đến tháng 8/2016, tiếp tục thực hiện quan trắc bổ sung  vị trí để kiểm tra lại mức độ ô nhiễm phenol trong môi trường nước biển tại một số khu vực.

     Ngày 22/8/2016, tại Quảng Trị, Bộ TN&MT đã tổ chức công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

     Theo Bộ TN&MT, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Hiện, Bộ đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường biển các tỉnh miền Trung để tiếp tục theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển có dấu hiệu ô nhiễm.

     Về phía Bộ Y tế

     Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai việc lấy mẫu các loại hải sản,kiểm nghiệm và cung cấp kết quả cho Bộ TN&MT, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam để xác định nguyên nhân gây cá chết. Ngày 22/8/2016, sau khi Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe của Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung.

     Kết quả: Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt. Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng) đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

     Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

     Ngay sau khi Bộ TN&MT công bố về kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại bốn tỉnh miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 7628/BNN-TCTS ngày 29/8/2016 về hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung.

     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng dự thảo Đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”.

     Ngày 26/8/2016, Bộ đã có công văn số 7228/BNN-TCTS báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xây dựng Đề án. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin ý kiến góp của các Bộ, ngành và UBND 4 tỉnh bị thiệt hại.

 

Đức Anh

 

Ý kiến của bạn