Banner trang chủ

Thành phố bền vững về môi trường - Mục tiêu của thiên niên kỷ

05/11/2015

   Từ Sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Đông Á lần thứ 3, tổ chức tại Singapo vào tháng 11/2007 về việc Việt Nam nhận đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao Đông Á lần đầu tiên, TP bền vững (TPBV) về môi trường đã trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về môi trường giữa các quốc gia cấp cao Đông Á, hướng tới sự phát triển bền vững, vì môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp. Kể từ đó, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Hội nghị Nhóm Công tác ASEAN về TPBV môi trường đã được tổ chức thường niên tại các nước thành viên ASEAN. Năm 2015 là năm thứ 13 tổ chức Hội nghị và Việt Nam là nước chủ nhà, nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị, Lễ vinh danh 2 TP Huế và Đà Lạt đạt Giải thưởng TPBV về môi trường ASEAN năm 2014 là dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong giai đoạn mới - Giai đoạn hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.

   Xin điểm lại một số TP đạt Giải thưởng TPBV về môi trường ASEAN từ năm 2008 đến nay:

   Hạ Long, 2008

   Nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các TP tiêu biểu về chất lượng môi trường; Nâng cao nhận thức của cộng đồng và lãnh đạo các cấp của các quốc gia khu vực về tầm quan trọng của công tác BVMT đô thị, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao Đông Á lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội (tháng 10/2008), các Bộ trưởng đã nhất trí trao Giải thưởng TPBV môi trường ASEAN cho 10 TP của các nước thành viên ASEAN, trong đó có TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

   Là một trong những trung tâm sản xuất than lớn nhất Việt Nam, Quảng Ninh đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống phân phối hàng hóa của khu vực, nơi có hoạt động phát triển công nghiệp chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, là điều kiện để phát triển ngành du lịch, vì vậy, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải hài hòa với chiến lược BVMT. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP. Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp để giữ vững danh hiệu TPBV về môi trường ASEAN. Đặc biệt, Quảng Ninh đang tiến hành “Phương pháp tiếp cận nền Kinh tế xanh”, nhằm lồng ghép các biện pháp BVMT vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

   Đà Nẵng, 2011

   Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 17, tổ chức vào ngày 23/11/2011 tại Inđônêxia, Đà Nẵng là TP thứ 2 của Việt Nam vinh dự được trao tặng Giải thưởng TPBV môi trường ASEAN trong sự nghiệp BVMT của ngôi nhà chung Trái đất. Ngay sau đó, Đà Nẵng được công nhận là 1 trong 20 TP sạch nhất thế giới do hàm lượng các bon trong khí thải ra môi trường có nồng độ thấp nhất. Ngoài ra, bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng được Tạp chí Forbes (Mỹ) tôn vinh là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh bởi dải cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh đã góp phần khẳng định, Đà Nẵng xứng đáng được bầu chọn là TP đáng sống nhất ở Việt Nam.

   Sau 15 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, với vị thế là đô thị loại I cấp quốc gia và là một trong những trung tâm kinh tế của miền Trung cũng như khu vực, nhất là giai đoạn từ 2000 - 2010, Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, TN&MT. Đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu “TP môi trường” đến năm 2020, thời gian qua, Đà Nẵng đã giải quyết an toàn các vấn đề môi trường cấp bách như tình trạng ngập úng do mưa; Thu gom, xử lý triệt để các loại chất thải; Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên... Qua đó, các chỉ số về không khí sạch, nước sạch, đất sạch của Đà Nẵng tốt hơn so với các TP ở một số nước trong khu vực.

Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu “TP môi trường” đến năm 2020

   Huế và Đà Lạt, 2014

   Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế mang trên mình một di sản văn hóa vật thể to lớn, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam, bao gồm một quần thể di tích kinh thành, lăng tẩm, đền chùa, miếu mạo được lưu giữ nguyên vẹn. Các công trình kiến trúc này được xây dựng hòa quyện với thiên nhiên sơn thủy hữu tình, tạo nên vẻ đẹp nhân văn độc đáo và quyến rũ. Không những thế, Huế còn có nền văn hóa phi vật thể Nhã nhạc Cung đình - loại hình nghệ thuật đặc sắc đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Chính những đặc điểm nổi bật đó đã đưa TP. Huế trở thành TP trung tâm văn hóa và du lịch, TP Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đà Lạt được trao tặng danh hiệu TP không khí sạch ASEAN năm 2014

   Với thế mạnh thiên nhiên sẵn có, kết cấu hạ tầng đủ khả năng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu, ý thức BVMT của người dân ngày một nâng cao, Huế là TP đầu tiên của Việt Nam được hỗ trợ xây dựng đô thị theo 3 cấp: Đô thị sinh thái - đô thị phát triển bền vững và đô thị thông minh và là TP an toàn về môi trường, xứng đáng với tên gọi mà Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho “TP xanh - Tương lai bền vững của khu vực Đông Nam Á”.

   TP. Huế vinh dự được nhận cúp và Giải thưởng TPBV môi trường ASEAN lần thứ 3 từ các Bộ trưởng ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 14 (IAMME 14) được tổ chức tại Viên Chăn, Lào từ ngày 26 - 31/10/2014. Hiện nay, TP. Huế vẫn duy trì và bảo vệ được không khí sạch, nước sạch, đất sạch theo các tiêu chí TPBV môi trường ASEAN. Đặc biệt, thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng kế hoạch phát triển Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2020, với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, trong đó TP. Huế là mục tiêu hàng đầu của tỉnh; Xây dựng TP. Huế trở thành đô thị sinh thái, có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến lối sống thân thiện với môi trường.

   Cùng với Huế, Đà Lạt là TP đầu tiên của Việt Nam nhận được đề cử của các nước ASEAN và được tôn vinh tại IAMME 14, Đà Lạt đã được các Bộ trưởng ASEAN trao tặng Cúp và Chứng nhận “TP tiềm năng là TPBV về môi trường” với danh hiệu TP không khí sạch ASEAN năm 2014.

   Để đạt được mục tiêu trên, Đà Lạt luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT. Chính quyền TP đã xây dựng các chính sách BVMT dài hạn và đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, như tăng cường năng lực thu gom chất thải sinh hoạt, xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, nhà máy xử lý chất thải nguy hại; Mở rộng mạng lưới thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của đô thị; Kiểm soát ô nhiễm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khuyến khích các đơn vị sản xuất áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch; Chú trọng công tác quan trắc môi trường; Duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, diện tích phủ xanh đô thị; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức BVMT trong nhân dân và du khách.

   Sau hơn 5 năm trở thành TP đô thị loại I trực thuộc tỉnh, chính quyền và nhân dân TP. Đà Lạt đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT, do đó, chất lượng môi trường của TP được cải thiện, công tác BVMT đã được nâng cao, hy vọng TP sớm được bình chọn và trở thành TPBV môi trường ASEAN.

   Để có được thành quả này phải kể đến sự đóng góp của Lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Tổ chức các Quan chức Cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (Văn phòng ASOEN Việt Nam) trong việc điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian qua.

   Từ tháng 2/2014, Văn phòng ASOEN đã tiến hành làm các thủ tục xây dựng kế hoạch tuyển chọn từ 1 - 2 TP đạt chuẩn để trao giải TPBV về môi trường ASEAN; Chủ trì xây dựng tiêu chí lựa chọn dựa trên cơ sở các tiêu chí sẵn có của ASEAN, từ nhiều TP được đề xuất, tổ chức lựa chọn TP. Huế để đề cử trao Giải thưởng TPBV về môi trường ASEAN năm 2014 và TP. Đà Lạt cho danh hiệu TP không khí sạch ASEAN - TP tiềm năng, bền vững về môi trường ASEAN trong tương lai; Phối hợp với 2 TP hoàn thiện hồ sơ tham dự Giải thưởng, đồng thời tổ chức Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Lễ trao giải tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 15. Bên cạnh đó, năm 2015, Văn phòng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thành công Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về TPBV môi trường, từ ngày 5 - 10/7/2015 tại Đà Lạt.

Trương Thị Tuyết Nhung

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn