Banner trang chủ

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

21/02/2019

     Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. HCM Đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP. HCM", nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

     Sắp tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM sẽ tổ chức phản biện Đề án trước khi trình Thường trực Thành ủy và Hội đồng nhân dân TP.

     Đề án nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn TP đảm nhận 15 - 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 - 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 - 36,8%.

     Đề án đưa ra 36 giải pháp được sắp xếp theo các nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.

 

Toàn TP.HCM hiện có khoảng 7,5 triệu xe máy

 

     Theo Sở GTVT TPHCM, các nhóm giải pháp được đề xuất theo nguyên tắc “kéo - đẩy”, tức là kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh hành khách tham gia phương tiện công cộng, đảm bảo hai nhóm giải pháp có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.

     Nếu Đề án được thông qua, TP. HCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500 m.

     Cùng với việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy, TP. HCM sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm TP thông qua việc bổ sung phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí là cơ sở thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

     Dự kiến, để thực hiện đề án, nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khoảng 52.550 tỉ đồng.

     Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA sẽ phát triển các tuyến vận tải hành hành khách khối lượng lớn, hệ thống thu phí ôtô các nhân vào trung tâm… khoảng 323.000 tỉ đồng. 

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn