Banner trang chủ

Từ trang trí hoa văn trống đồng Ngọc Lũ nghĩ về ứng xử với môi trường của người Việt xưa

10/04/2018

     Trong hơn 200.000 tài liệu, hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay, sưu tập trống đồng Đông Sơn là một trong những sưu tập hiện vật tiêu biểu, quý giá. Trong đó, trống đồng Ngọc Lũ, Bảo vật quốc gia số 1 đã trở thành biểu tượng cho văn hóa Việt Nam. Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật đúc đồng, thì hoa văn trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ được đánh giá như là bức tranh phản ánh hiện thực đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn (người Việt cổ) từ thời dựng nước đầu tiên, cách nay hơn 2.000 năm.

     Qua các di tích, di vật văn hóa Đông Sơn được phát hiện cho thấy, bước vào thời kỳ Kim khí, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, các cộng đồng cư dân cổ (các bộ tộc) đã nhanh chóng phát triển và mở rộng địa bàn cư trú từ miền núi, trung du đến vùng châu thổ đồng bằng, duyên hải. Bên cạnh một bộ phận cư dân lưu lại định cư miền chân núi thì cư dân Đông Sơn đã phát triển và chủ yếu sinh sống (tập trung thành xóm, làng) ở lưu vực các sông: Hồng, Mã, Cả. Vì vậy, đã tạo nên nét đặc trưng trong ứng xử với môi trường sống sông nước thể hiện qua đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần mà cụ thể là qua các hoạt động kinh tế, quân sự, văn hóa (tâm thức, tín ngưỡng, phong tục, tập quán…) mà qua trống đồng và hoa văn trang trí đã thể hiện khá rõ.

 

Bảo tàng lịch sử Việt Nam có nhiều chương trình nghiên cứu, trưng bày, những giá trị của trống đồng nói riêng và di sản văn hóa nói chung

 

     Toàn bộ hoa văn trang trí trên trống Ngọc Lũ, phần mặt trống là hình mặt trời 14 tia đúc nổi, dày (có vết mòn của việc đánh trống), xem kẽ các tia mặt trời là các hình tam giác (hình lông công/biểu tượng âm vật); bao quanh (từ giữa ra diềm trống) là các băng hoa văn hình → băng hoa văn hình người, động vật → băng hoa văn hình học. Phần tang trống gồm 6 hình thuyền chiến. Phần thân trống được chia thành 8 ô, mỗi ô có hai chiến binh đầu đội mũ lông chim, một tay cầm rìu chiến, một tay cầm mộc. Tất cả trang trí đều diễn tả trong tư thế đang vận động (thể hiện sự vận động của trái đất, mọi hoạt động của con người và động vật trên trái đất quay quanh mặt trời theo ngược chiều kim đồng hồ). Theo đó, các chi tiết hoa văn thể hiện ứng xử với môi trường sống tự nhiên (phản ánh đời sống vật chất, tinh thần và tư duy) của người Việt cổ.

     Nông nghiệp lúa nước được thể hiện qua hình mặt trời, người giã gạo, quai trống hình bông lúa, dàn người đánh trống đồng với chức năng, ý nghĩa đặc biệt. Trống đồng (nghi lễ đánh trống đồng) gắn với lễ tiết nông nghiệp: thần sấm, tiếng sấm, còn gọi là trống sấm, vùng hải đảo Đông Nam Á còn gọi là “trống mưa” hay “trống cầu mưa”. Cầu mưa, cầu mùa là một nghi lễ vô cùng quan trọng và phổ biến đối với các cư dân nông nghiệp, đặc biệt là những cư dân nông nghiệp lúa nước. Cùng với đó là các tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ nông nghiệp hình thành liên quan đến nhu cầu sinh sôi, nảy nở, phát sinh, phát triển như: tín ngưỡng phồn thực (đực - cái/âm - dương với những nhiều dạng thức thể hiện khác nhau). Hơn nữa, tín ngưỡng thờ mặt trời là một tín ngưỡng phổ biến của những cư dân nông nghiệp, trong những nền văn minh nông nghiệp, trong đó có những nhóm cư dân vùng Đông Dương và Đông Nam Á, vì vậy, chủ nhân trống đồng, cư dân Đông Sơn là “những người có tín ngưỡng thờ thần mặt trời”…

     Hình nhà sàn được trang trí đối xứng nhau qua hình mặt trời gồm 2 loại mái cong và mái tròn. Nhà sàn là đặc trưng chung của các cư dân cả vùng Đông Nam Á, trong đó có cư dân sinh sống gắn bó với môi trường sông nước. Chất liệu làm nhà sàn là gỗ, lá cây, là những nguyên liệu sẵn có ở môi trường nhiệt đới ẩm, thảm thực vật phát triển. Nhà sàn cao, tránh ẩm thấp, mát mẻ khi ở môi trường nóng ẩm. Đặc biệt, hình ảnh nhà sàn mái tròn trang trí trên trống (gồm có cả một sàn không mái), trên đó có một người đang đánh trống đồng và nhiều nét khắc thẳng nối nhau theo chiều dọc, tượng trưng cho giọt mưa rơi, đó có thể là một cảnh cầu mưa mà người ta vừa đánh trống vừa hát khúc lễ ca cầu mưa...

     Trong khi đó, hình chim (chiếm chủ đạo) trên các băng hoa văn xoay quanh mặt trời và được thể hiện dưới nhiều dạng thức, tư thế khác nhau. Đây đều thuộc loài chim kiếm ăn ở vùng nước trũng, cửa sông với đặc điểm là chim mỏ dài, chân dài (còn được gọi là chim nước). Vì vậy, sự trở về của chúng cũng có nghĩa là mùa mưa tới, mang lại mùa màng tốt tươi. 

     Hình thuyền được trang trí phủ kín phần tang trống với 6 hình thuyền chiến sắp xếp theo thứ tự mô tả một lễ hiến tế tù binh/tục săn đầu lâu, một tập tục thể hiện mối quan hệ giữa trồng đồng và lễ tiết nông nghiệp, lễ thức cầu mưa, cầu được mùa, phồn thực. Ngoài những hình thuyền trang trí trên trống Ngọc Lũ, hình thuyền cũng là đề tài trang trí rất phổ biến trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn như trên thạp đồng, rìu đồng… hay hình thức mai táng người chết trong quan tài hình thuyền (mộ thuyền) với quan niệm, chiếc thuyền sẽ chở linh hồn người chết về thế giới bên kia, đã cho thấy vai trò quan trọng của chiếc thuyền trong đời sống của cư dân Việt cổ. Hình ảnh những chiếc thuyền chiến trang trí trên trống đồng không chỉ thể hiện cuộc sống gắn với môi trường nước của cư dân Việt cổ mà còn phản ánh kỹ thuật đóng thuyền của họ thời kỳ này đạt đến đỉnh cao và tài năng chiến đấu không chỉ trên bộ mà còn cả thủy chiến mà chính đó đã trở thành truyền thống quân sự của người Việt Nam.

     Đặc biệt, môi trường núi (yếu tố dương), tiêu biểu là hoa văn hình mặt trời, chim và hươu/hươu sao. Trống đồng có nhiều chức năng và biểu tượng mặt trời trên trống cũng có các ý nghĩa khác nhau, tương ứng với chức năng của trống. Trong lễ cầu mưa, hình mặt trời trên trống đồng lại trở thành biểu tượng cho nắng nóng - khô hạn. Đánh vào hình mặt trời là một dạng ma thuật đánh đuổi nắng nóng - khô hạn hay cầu mưa dông - ẩm ướt.

 

Hình ảnh hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ

 

     Hình chim, đặc biệt là chim lạc, còn được coi là vật tổ, là Bà Tổ Chim, là Mẹ Tiên (mang yếu tố núi, dương) kết hợp với cha Rồng (mang yếu tố nước, âm) – cội nguồn sinh sôi các tộc người Việt, các dân tộc Việt Nam. Biểu tượng hươu cũng mang nhiều ý nghĩa nhưng đều hàm chứa yếu tố núi: hươu là biểu trưng cho hạn hán, lửa thiêu; hươu là biểu tượng cho săn bắn (yếu tố núi) để kết hợp với chim/cò là biểu tượng cho hái lượm (yếu tố nước), vì thế băng hoa văn chỉ mô tả hình hươu và chim). Hơn nữa, những trang trí hình hươu đực và hươu cái xen kẽ nhau, chim mỏ dài xen kẽ chim mỏ ngắn, chim đậu xen kẽ chim bay trong băng hoa văn cũng mang ý nghĩa thể hiện sự đối ngẫu, hài hòa âm - dương để sinh sôi, phát triển. Đây cũng là những quan niệm phổ biến của những cư dân nông nghiệp vùng Đông Nam Á.

     Từ môi trường núi - nước đó đã hình thành tư duy, tâm thức, tín ngưỡng, phong tục, tập quán: đua thuyền cầu mưa (thuyền rồng/rắn phun nước), phồn thực (đực – cái, âm – dương, lưỡng phân lưỡng hợp, trong âm có dương, trong dương có âm, âm – dương hài hòa sẽ sinh sôi phát triển…), đặc biệt là hình thành lối ứng xử, tư duy, quan niệm, vũ trụ quan, nhân sinh quan (3 tầng 4 thế giới) đều thể hiện quy luật của tự nhiên…

     Nhận thức được vai trò của bảo tàng trong việc giáo dục góp phần nâng cao ý thức cho công chúng trong ứng xử với biến đổi khí hậu và phát triển văn hóa bền vững, những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có nhiều hoạt động, chương trình nghiên cứu, trưng bày, giáo dục giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị của trống đồng nói riêng và di sản văn hóa nói chung, nhận thức rõ hơn về quy luật phát triển của lịch sử, của tự nhiên, từ đó giúp công chúng tự nâng cao ý thức và thái độ, hành động ứng xử đối với biến đổi khí hậu và xây dựng, phát triển văn hóa bền vững. Tiêu biểu là các chương trình nghiên cứu, trưng bày về: di sản văn hóa biển Việt Nam, các thương cảng cổ Việt Nam,… đặc biệt là chương trình giáo dục giúp công chúng được trải nghiệm, tương tác tìm hiểu về trống đồng và hoa văn trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ với các hình thức, hoạt động đa dạng.

     Với vai trò của một bảo tàng đầu hệ, trong các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm thu thập tài liệu, hiện vật và những thông tin, câu chuyện kèm theo, vấn đề quản lý, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông… của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần tăng cường khai thác khía cạnh đời sống cư dân, trong đó nhấn mạnh những chi tiết về những hành động ứng xử với với môi trường sống/vai trò quan trọng của môi trường sống, khí hậu, tự nhiên tác động tới đời sống con người trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, tăng cường giáo dục, truyền thông thông điệp về sự tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người hiện nay trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam - một trong những quốc gia có vị trí địa lý ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề…

 

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan

Bảo Tàng lịch sử Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

Từng chi tiết trang trí trên trống đồng Đông Sơn nói chung và trên trống Ngọc Lũ nói riêng đã cho thấy nét sinh động, tư duy phản ánh hiện thực về môi trường sống, cách ứng xử, cách nhìn nhận, sự tìm tòi, thích nghi với môi trường sống của người Việt cổ. Tiêu biểu là lối ứng xử với môi trường núi và môi trường nước (hình thành và thể hiện qua tư duy, lối sống khá rõ theo logic: Môi trường sinh sống  hình thành nền kinh tế   hình thành văn hóa (lối ứng xử).

 

 

 

 

Ý kiến của bạn