Banner trang chủ

Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

06/11/2017

     Từ ngày 5 -11/11/2017, Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra tại TP.Đà Nẵng. Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau gần 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới.

 

     Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện. Việc đăng cai Năm APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của đất nước. Với ý nghĩa đó, Việt Nam có 4 kỳ vọng lớn:

     Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn.

     Kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

     Thông qua Năm APEC 2017 sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

     Quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

     Với mong muốn đóng góp tích cực cho hợp tác APEC, Việt Nam dự kiến tổ chức 20 hội nghị lớn trên khắp 3 miền đất nước như: Hội nghị không chính thức của các quan chức cao cấp (ISOM) tại Hà Nội; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 1 (SOM 1) tại Nha Trang, Khánh Hòa; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 2 (SOM 2) tại Hà Nội; Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) tại Hà Nội; Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số tại Hà Nội; Đối thoại bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững tại Hạ Long, Quảng Ninh; Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) tại TP.Hồ Chí Minh...

     Tuần lễ cấp cao APEC 2017 dự kiến sẽ diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động. Khởi đầu là Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp (CSOM) và Cuộc họp Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) nhằm hoàn tất chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC. Tiếp đó là Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit). Cà nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ có cuộc đối thoại với đại diện ABAC và họp Hội nghị cấp cao lần thứ 25. Trong dịp này, dự kiến cũng diễn ra một số hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm tăng cường giao lưu, quảng bá văn hóa… của APEC, giữa APEC với các đối tác, tổ chức khu vực và quốc tế cũng như về Việt Nam. 

 

     Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima, Pêru từ ngày 19-20/11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức thông báo chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đề xuất của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực.

     Ý nghĩa của chủ đề thể hiện trên 3 khía cạnh: Phản ánh sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương; Thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng; Thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.

     Để cụ thể hóa chủ đề trên, Việt Nam đã đề xuất 4 hướng ưu tiên lớn: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

 

Duy Bạch

Ý kiến của bạn