Banner trang chủ

Tăng cường thể chế quản lý, nguồn lực thực hiện Nghị định thư Nagoya về ABS

05/10/2015

     Ngày 28/9/2015, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn Đa đang sinh học (ĐDSH), Tổng cục Môi trường) đã tổ chức Hội thảo "Tham vấn đánh giá các quy định về ABC và việc tăng cường thể chế quản lý, nguồn lực nhằm thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) tại Việt Nam".

     Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định thư Nagoya về ABS; Xem xét, đánh giá dự thảo khung pháp lý và thể chế quốc gia đối với ABS, đồng thời xác định các nội dung ưu tiên thực hiện thí điểm về ABS  tại Việt Nam; Quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống gắn với nguồn gen và các vấn đề liên quan đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ tri thức truyền thống...

     Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH (Tổng cục Môi trường) cho biết, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới. ĐDSH là nền tảng cho tăng trưởng xanh, là giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH ở Việt Nam. Nguồn tài nguyên sinh học có vai trò thiết yếu đối với công cuộc giảm nghèo, là nguồn sống trực tiếp của nhân dân, là cơ sở cho phát triển kinh tế -xã hội bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, các nỗ lực về bảo tồn ĐDSH của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức để duy trì tính toàn vẹn của nguồn gen, loài, quần thể và các hệ sinh thái. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, sự gia tăng dân số và yêu cầu của sự phát triển kinh tế, các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật và cả những kiến thức truyền thống về nguồn gen đang dần bị mai một, suy thoái. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này đó là nhận thức về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích còn hạn chế.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Tháng 10/2010, Nghị định thư Nagoya về ABS được Hội nghị các bên tham gia Công ước ĐDSH thông qua tại Nagoya, Nhật Bản, nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo tính hợp pháp của các quốc gia cung cấp tài nguyên ĐDSH và tri thức bản địa (chủ yếu là các quốc gia giàu tài nguyên ĐDSH) và các quốc gia sử dụng tài nguyên (phần lớn là các quốc gia phát triển sử dụng cho mục đích nghiên cứu dược phẩm, hóa sinh). Sự ra đời của Nghị định thư Nagoya về ABS là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Công ước ĐDSH, đặc biệt là mục tiêu thứ 3 của Công ước - “Chia sẻ hợp lý và công bằng lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn tài nguyên di truyền”.

      Việt Nam chính thức gia nhập Nghị định Nagoya về ABS trong khuôn khổ Công ước ĐDSH ngày 17/3/2014 (Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ). Đây là cơ hội để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng, người dân về giá trị và lợi ích của nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen nói riêng và tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH nói chung, từ đó phát huy các chính sách, pháp luật quốc gia đối với vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Ngoài ra, việc tham gia Nghị định thư còn tạo cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích công bằng của người cung cấp nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen ở Việt Nam trong quá trình phát triển thị trường về ABS...

 

Lê Văn Tùng

 

Ý kiến của bạn