Banner trang chủ

Tăng cường quản lý và giám sát các lò đốt rác thải cỡ nhỏ

04/09/2015

     Hiện nay, một số địa phương đang ồ ạt đầu tư mua lò đốt rác thải cỡ nhỏ về lắp đặt và vận hành tại địa bàn, vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng là phải nâng cao công tác quản lý, tăng cường giám sát quá trình phân loại rác thải trước khi đốt và vận hành lò đốt rác; Đồng thời, từng bước tìm hướng cải thiện công nghệ, giảm thiểu phát thải chất độc hại ra môi trường.

     Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công nghệ lò đốt rác thải cỡ nhỏ hiện đã lỗi thời, tại nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á, công nghệ này không được khuyến khích hoặc đã bị cấm sử dụng. Trên thế giới cũng đã có nhiều bài học về ô nhiễm chất dioxin do sử dụng tràn lan lò đốt rác thải, điển hình là thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Việc Nhật Bản lắp đặt và sử dụng gần 2.000 lò đốt rác thải, chưa kể lò đốt rác công nghiệp và cỡ nhỏ, đã phát thải ra môi trường gần 40% lượng dioxin trên toàn thế giới. Đến nay, Nhật Bản vẫn đang phải tìm biện pháp giải quyết những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường từ việc đầu tư tràn lan các lò đốt rác thải trên.

 

Chưa đủ điều kiện vận hành lò đốt rác sinh hoạt bằng khí tự nhiên MTKA của Công ty

CP TVXD Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: Tin Môi Trường)


     Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Thành Yên, nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam ồ ạt đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ là do Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn về công nghệ xử lý chất thải nên dễ dàng tiếp nhận bất cứ công nghệ nào khi được giới thiệu. Mặt khác, các quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển sang công nghệ không đốt nên các nhà sản xuất nước ngoài tìm mọi cách chuyển công nghệ đốt vào Việt Nam. Ví dụ như vào những năm cuối thế kỷ 20, khi có chủ trương hạn chế đốt chất thải y tế tại châu Âu, Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 lò đốt chất thải y tế, dẫn đến việc Việt Nam đã coi lò đốt là công nghệ tiên tiến và duy nhất đối với xử lý chất thải y tế trong nhiều năm. Sau đó, khi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) tiến hành khảo sát mới vỡ lẽ, hầu hết các lò trên không đạt yêu cầu do không có hệ thống xử lý khí thải.

     Quay trở lại vấn đề lò đốt rác thải cỡ nhỏ, ông Nguyễn Thành Yên cho rằng, để giải quyết tận gốc những nguy cơ từ lò đốt rác thải cỡ nhỏ cần có lộ trình bài bản, nghiêm túc, trước hết là ở cơ sở pháp lý. Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ TN&MT được giao chức năng quản lý việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đi vào hoạt động. Hiện Bộ TN&MT đang tiến hành đánh giá lại thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kể cả việc sử dụng lò đốt để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đây là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, hiện nay đã có lựa chọn công nghệ tiên tiến cho xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế như lò nung xi măng hiện đại có nhiệt độ cao, công suất lớn, hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu bảo vệ môi trường tiên tiến, không phát sinh tro xỉ. Một số quốc gia cũng theo hướng công nghệ chuyển hóa chất thải thành nhiên liệu hoặc phân bón…



Nam Việt

Ý kiến của bạn