Banner trang chủ

Tăng cường quản lý, chống gian lận trong nhập khẩu phế liệu

17/04/2019

     Ngày 16/4/2019, Tổng cục Hải quan ban hành công văn chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu (NK) chất thải và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong NK phế liệu. Công văn mới của Tổng cục Hải quan thay thế một số công văn: 6644/TCHQ-GSQL, 4202/TCHQ-PC và các nội dung hướng dẫn liên quan đến khai hàng hóa là phế liệu NK trên manifest tại công văn số 6889/TCHQ-GSQL.

     Ngăn chặn từ xa

     Theo đó, hướng dẫn mới của Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung các biện pháp ngăn chặn từ xa, hướng dẫn cụ thể các bước: Tiếp nhận, kiểm tra và xử lý phế liệu dỡ xuống kho, bãi, cảng; thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất; cũng như hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý phế liệu NK.

     Cụ thể, phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất chỉ được NK qua các cửa khẩu theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BCT ngày 9/1/2019 của Bộ Công Thương.

     Phế liệu NK từ nước ngoài chỉ được phép dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Người nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa đối với vận tải đường biển (E-Manifest) hoặc Bản khai hàng hóa đối với vận tải đường thủy nội địa (Bản khai hàng hóa) có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận NK phế liệu) còn giá trị hiệu lực; Người nhận hàng trên Bản khai hàng hóa có Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu ghi trên Bản khai hàng hóa.

     Đồng thời, lượng phế liệu dỡ xuống cảng hoặc vận chuyển qua cửa khẩu đường thủy nội địa không được vượt quá lượng phế liệu được NK còn lại trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu (lượng phế liệu được dỡ xuống cảng còn lại bằng lượng phế liệu được NK trên Giấy xác nhận NK phế liệu trừ - lượng phế liệu đã NK (bao gồm lượng phế liệu đã dỡ xuống cảng nhưng chưa thông quan và lượng phế liệu đã thông quan)).

     Phế liệu ghi trên Bản khai hàng hóa phải thuộc Danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

     Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể trình tự thực hiện tiếp nhận, kiểm tra và xử lý phế liệu. Trường hợp không khai báo cụ thể về DN nhận hàng, hàng hóa thì không chấp nhận khai báo, thông báo lý do chưa tiếp nhận và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, đồng thời thông báo cho hãng tàu, đại lý hãng tàu và DN kinh doanh cảng không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng.

     Cơ quan Hải quan thực hiện rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin khai báo trên Hệ thống e-manifest và xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn nếu có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải thì thông báo ngay cho hãng tàu và DN kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.

 

Hải quan tiếp tục tăng cường tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng NK chất thải vào Việt Nam

 

     Trường hợp tàu biển chưa cập cảng Việt Nam hoặc đã cập cảng Việt Nam nhưng chưa dỡ hàng hóa xuống bãi cảng, có thông tin hàng hóa khai báo trên Hệ thống e-manifest là phế liệu, nhưng người nhận hàng trên manifest không có trong danh sách hoặc có trong danh sách nhưng Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu đã hết hiệu lực hoặc doanh nghiệp đã nhập khẩu hết số lượng trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu hoặc DN chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu NK theo quy định thì cũng không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng, đồng thời hãng tàu phải đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…

     Giám sát chặt chẽ các khâu

     Công văn của Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Địa điểm làm thủ tục hải quan (người khai hải quan được lựa chọn làm thủ tục hải quan và kiểm tra phế liệu NK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập hoặc Chi cục Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất); Hồ sơ hải quan; Đăng ký tờ khai hải quan; Kiểm tra hồ sơ hải quan; Kiểm tra thực tế hàng hóa; Giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển phế liệu về địa điểm kiểm tra tập trung...

     Việc kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở: Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; thông tin thu thập được liên quan đến lô hàng và người khai hải quan tại thời điểm quyết định kiểm tra; chỉ dẫn trên hệ thống quản lý rủi ro. Tỷ lệ kiểm tra thực tế có thể được giảm trong trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan cung cấp cho cơ quan Hải quan các chứng từ như: Chứng thư giám định của tổ chức giám định nước ngoài chứng nhận lô hàng phế liệu xuất khẩu đến Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng của phế liệu NK.

     Trường hợp lô hàng nhập khẩu có thông tin chỉ đạo của Tổng cục Hải quan hoặc có dấu hiệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc hàng hóa là chất thải thì chi cục hải quan nơi thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa phối hợp với Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để thực hiện phân tích đánh giá. Việc lấy mẫu được lập thành Biên bản. Một mẫu bàn giao cho Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan để thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật hải quan; một mẫu bàn giao cho tổ chức giám định phế liệu NK được chỉ định (trừ trường hợp tổ chức giám định phế liệu được chỉ định kiểm tra bằng mắt thường, không lấy mẫu phân tích).

     Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu NK của tổ chức giám định phế liệu NK được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định để quyết định thông quan.

     Trường hợp kết quả kiểm định hải quan xác định lô hàng không đủ điều kiện NK thì Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan thông báo ngay cho Trực ban Tổng cục Hải quan để giám sát các lô hàng phế liệu NK tiếp theo của DN, thông báo cho Cục Điều tra chống buôn lậu để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan để thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ công tác quản lý, giám sát các tổ chức giám định.

     Trường hợp phát hiện tổng mức phóng xạ vượt quá mức giới hạn cho phép thì thông báo ngay cho Sở Khoa học và Công nghệ trên địa bàn để phối hợp kiểm tra, xử lý. Đồng thời yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với đơn vị chức năng kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan về điều kiện hàng hóa được phép xuất khẩu, NK hoặc không được phép xuất khẩu, NK để cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

     Trường hợp phát hiện có cất giấu hàng hóa thuộc diện cấm NK, tạm ngừng NK và hàng hóa không khai báo hải quan trong các container thì tiến hành kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng và xử lý theo quy định của pháp luật.

     Để triển khai, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố, tổ chức kiểm tra, giám sát công chức hải quan trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp phát hiện công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm chậm quá trình giải quyết thông quan hàng hóa hoặc thực hiện không đúng quy trình thủ tục hải quan, tùy theo mức độ vi phạm, xử lý theo quy định.

     Cục Kiểm định Hải quan bố trí đủ lực lượng thường trực, tham gia vào quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa của chi cục hải quan, của tổ chức giám định được chỉ định, không gây phiền hà cho DN, đồng thời giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của cán bộ, công chức kiểm định đối với các lô hàng phế liệu NK.

 

Vũ Hồng (Nguồn: Hải quan Online)

Ý kiến của bạn