Banner trang chủ

Tăng cường hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong thực thi công ước về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã

14/12/2015

   Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về tăng cường thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) giữa Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và Cơ quan Quản lý CITES Trung Quốc. Thỏa thuận hợp tác này thể hiện sự nỗ lực của hai quốc gia trong việc hợp tác song phương nhằm thực thi CITES, đặc biệt là thắt chặt kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã tại biên giới, tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin về các hoạt động buôn bán trái phép hoang dã… hướng tới bảo tồn các loài hoang dã quý hiếm của hai nước, cũng như tiến đến một nhận thức và tầm nhìn chung về thực thi CITES tại khu vực và quốc tế, từ đó nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Tạp chí Môi trường đã có buổi phỏng vấn bà Hà Thị Tuyết Nga,Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

Bà Hà Thị Tuyết Nga - Giám đốc
cơ quan quản lý CITES Việt Nam

   Xin bà cho biết,một số thành tựu nổi bật Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đạt được trong quá trình thực thi quản lý đối với việc bảo tồn các loài hoang dã tại Việt Nam?

   Bà Hà Thị Tuyết Nga: Kể từ khi gia nhập và trở thành thành viên CITES từ năm 1994 đến nay, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong quá trình thực thi CITES như sau: Trước hết là xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã gồm Luật và các văn bản dưới Luật phù hợp với các quy định của quốc tế, đặc biệt là các quy định của CITES hỗ trợ tích cực trong việc thực thi CITES ở Việt Nam như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004), Luật Đa dạng sinh học (năm 2008), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm… Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam thông qua nhiều chính sách khuyến khích người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, tham gia đầu tư và đẩy mạnh hoạt động gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo, coi đó là một biện pháp bảo tồn thiết thực và thực thi CITES hiệu quả. Hiện cả nước có trên 8.000 cơ sở gây nuôi loài hoang dã với 70 loài, trong đó có 9 trại cá sấu nước ngọt đã đăng ký CITES, tạo nhiều nguồn nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu (cá sấu nước ngọt, trăn, khỉ đuôi dài…) đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tính từ năm 2005 đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu các loài hoang dã có nguồn gốc gây nuôi đạt trên 11 triệu USD, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 85%.

   Đặc biệt, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về CITES và thực thi CITES ở Việt Nam được đẩy mạnh. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam thường xuyên được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định của CITES và nhận dạng các loài thường bị buôn bán. Ngoài ra, với các chiến dịch bảo vệ loài hoang dã và cuộc thi tìm hiểu về các loài hoang dã tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, vai trò của các loài hoang dã trong tự nhiên được cộng đồng xã hội nhận thức rõ, nhiều bộ phận dân cư đã bắt đầu nói “không” với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, giúp cho nhu cầu sử dụng các loài hoang dã giảm đi rõ rệt.

   Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác các hoạt động thực thi CITES giữa Việt Nam và các nước châu Á và quốc tế luôn được chú trọng. Việt Nam không những tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác sẵn có, mà còn chủ động xây dựng và phát triển các sáng kiến, cơ chế hợp tác mới thông qua việc tham gia Công ước CITES, Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar. Sự chủ động, tích cực trong hợp tác thực thi CITES của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hạn chế tối đa những lệnh cấm vận thương mại và những thiệt hại kinh tế, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong thực thi CITES không chỉ trong khối ASEAN và khu vực châu Á; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong nhận thức của cộng đồng quốc tế về một quốc gia năng động trong phát triển kinh tế và nỗ lực trong bảo vệ động vật hoang dã.

   Cơ quan quản lý CITES Việt Nam gặp phải những khó khăn và thách thức nào trong quá trình thực thi quản lý đối với việc bảo tồn các loài hoang dã tại Việt Nam, thưa bà?

   Bà Hà Thị Tuyết Nga: Trong bối cảnh mới, khi kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu tác động không ngừng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thực thi CITES trên phạm vi toàn cầu nói chung và thực thi CITES ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Một số loài sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoặc chỉ tồn tại ở một vài nơi với mức độ cực kỳ nguy cấp nếu không được bảo vệ, bảo tồn hữu hiệu. Các hệ sinh thái, sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư, hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị biến mất hoặc thu hẹp. Đồng hành là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loài ngoại lai và ngoại lai xâm hại. Hơn thế nữa, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của các giao dịch thương mại điện tử, buôn bán bất hợp pháp sẽ tiếp tục là mối đe dọa dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng các loài hoang dã.Theo ước tính, giá trị của các hoạt động buôn bán trái phép các loài hoang dã đạt tới gần 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, sự sinh tồn của các loài trong tự nhiên mà còn tước đi sinh kế hợp pháp của cộng đồng địa phương, người dân bản địa, đặc biệt, ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị của các Chính phủ.

   Việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là những thách thức song hành đặt ra cho quá trình thực thi CITES ở Việt Nam. Vấn đề BVMT (trong đó có bảo vệ động vật hoang dã) luôn là vấn đề thời sự của quốc gia và điều quan trọng là chúng ta phải giữ vững và tuân thủ đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, vận dụng có nguyên tắc các quy định của luật pháp quốc tế hài hòa với luật pháp quốc gia để thực thi CITES hiệu quả hơn.

Toàn cảnh Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác về tăng cường thực thi CITES giữa Việt Nam - Trung Quốc

   Việc hợp tác song phương giữa hai Cơ quan Quản lý CITES Trung Quốc và Việt Nam mang lại lợi ích và cơ hội gì cho Việt Nam trong việc bảo tồn và quản lý các loài động, thực vật hoang dã, thưa bà?

   Bà Hà Thị Tuyết Nga: Sự hợp tác song phương giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, kiểm soát đường biên giới chung, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của động vật hoang dã và cho an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia.

   Là cơ quan thực hiện nhiệm vụ của nước thành viên CITES, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho rằng, lợi ích và cơ hội từ hợp tác song phương về thực thi CITES giữa Việt Nam và Trung Quốc được chia đều cho Cơ quan quản lý CITES của hai quốc gia giúp phát huy thế mạnh, hạn chế những khó khăn, thách thức. Đối với Việt Nam, việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, xử lý thông tin cũng như đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi CITES là lợi ích tiên quyết.

   Hoạt động hợp tác chính thức đầu tiên giữa hai nước trong lĩnh vực thực thi CITES đánh dấu một sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong quan hệ hợp tác toàn diện, là sự cụ thể hóa các cam kết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước của hai quốc gia. Đây là tiền đề để Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tiếp tục vai trò tiên phong trong điều phối các hoạt động thực thi CITES tại Việt Nam, góp phần cụ thể hóa các cam kết chính trị mà Việt Nam là thành viên như Tuyên bố Luân Đôn, Tuyên bố Kasane... Trong tương lai, hoạt động hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực, cung cấp các cơ sở pháp lý, điều tra chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã giữa các cơ quan thực thi CITES của hai quốc gia.

   Xin bà chia sẻ một số hoạt động Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam sẽ tiến hành trong thời gian sắp tới?

   Bà Hà Thị Tuyết Nga: Việt Nam là thành viên và thực thi Công ước CITES được hơn 2 thập kỷ. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng phát triển và thực thi CITES luôn hướng tới mục đích xuyên suốt là bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã thông qua kiểm soát buôn bán quốc tế. Năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP17) nhằm thể hiện trách nhiệm của nước thành viên trong việc chung tay với cộng đồng thế giới để bảo tồn các loài hoang dã, với những hoạt động trọng tâm: Tiếp tục điều phối, đôn đốc phối hợp các lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng… thực hiện tốt Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc tham mưu, đề xuất các hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành các cơ quan thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã; Rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tham gia sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự về xử lý tội phạm khai thác, buôn bán, vận chuyển, lưu giữ trái phép các loài động vật hoang dã, tăng cường các chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, tham mưu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi CITES và các cơ quan thẩm quyền khoa học, cập nhật và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực thi CITES; Tăng cường hợp tác quốc tế với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước trên thế giới, xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các cơ chế, diễn đàn bảo vệ động vật hoang dã; Phối hợp các cơ quan khoa học, các tổ chức quốc tế chuẩn bị và xây dựng các đề xuất hiệu quả tại CoP17 để phối hợp cùng cộng đồng CITES thế giới bảo vệ các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam và của thế giới.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

                LƯU TRANG (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn