Banner trang chủ

Tăng cường giám sát để ngăn chặn phá rừng

02/08/2016

     Thời gian qua, báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng phá rừng xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, có thể có sự bắt tay giữa cán bộ địa phương với các đối tượng khai thác gỗ. Bởi nếu không có sự bắt tay ấy thì việc đưa gỗ và lâm sản ra khỏi rừng là rất khó, vì đều đi qua những tuyến đường của địa phương cả.

 

Ông Nguyễn Văn Hà

 

     PV: Nhiều cơ quan báo chí trong đó có báo Đại Đoàn Kết từng nhiều lần phản ánh về việc phá rừng ở Tây Nguyên. Tại một hội nghị tổ chức tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) ngày 20/6, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Vậy Bộ đã hành động như thế nào?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Công tác quản lý rừng gắn với địa phương nên lực lượng  kiểm lâm chịu trực tiếp sự quản lý của tỉnh. Trung ương có đội kiểm lâm cơ động hỗ trợ. Chúng tôi vẫn thường xuyên tuần tra kiểm tra, giám sát đồng thời đôn đốc các địa phương quản lý rừng tốt hơn.

     PV: Thưa ông, vấn đề đóng cửa rừng đã từng được đặt ra. Vậy tại sao khó thực hiện và thực tế thì rừng vẫn bị triệt phá?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Ngay từ tháng 12/2014 đã có chủ trương đóng cửa rừng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định 2242 chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đúng ra từ thời kỳ đó, đáng nhẽ ta phải thực hiện chủ trương rất nghiêm nhưng do ý thức của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đến bảo vệ rừng chưa tốt, thực hiện chưa nghiêm chủ trương đóng cửa rừng.

     Nếu thực hiện nghiêm thì chỉ có các công ty được khai thác bảo vệ rừng mới được khai thác; còn các công ty khác không thể có sự khai thác rừng đi trên những tuyến đường. Đó là do chúng ta quản lý chưa nghiêm.

     PV: Lâu nay người ta hay nói có sự bắt tay giữa những đối tượng khai thác gỗ và cán bộ địa phương trong chặt phá rừng. Từ những vụ phá rừng trong thời gian qua, theo ông có tình trạng trên hay không?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Tôi thấy có khả năng xảy ra. Nếu không có sự bắt tay ấy thì chắc chắn lực lượng khai thác rừng và lâm sản ra khỏi rừng là rất khó. Vì đều đi qua những tuyến đường của địa phương cả. Nếu tăng cường kiểm tra giám sát thì không thể có chuyện đó xảy ra được.

     PV: Thủ tướng đã có chỉ đạo đóng cửa rừng, vậy sắp tới chúng ta có những giải pháp nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Bảo vệ và phục hồi rừng Tây Nguyên có rất nhiều giải pháp. Theo tôi quan điểm trước hết là công tác tuyên  truyền để mọi người nhận thức được vai trò quan trọng của rừng. Vì rừng Tây Nguyên có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước của rất nhiều tỉnh do đó ý thức bảo vệ rừng là quan trọng nhất.

     Thứ hai là sự vào cuộc của chính quyền địa phương vì trong các vụ phá rừng thì sự tắc trách của các cơ quan chức năng từ cơ sở đến cấp cao để xảy ra tình trạng phá rừng, bị mất rừng nên sự vào vào của cấp chính quyền là quan trọng. Còn về cơ chế chính sách ở vùng này cũng cần được ưu tiên.

     Thực ra Nhà nước cũng ra nhiều chính sách nhưng do nguồn lực bị hạn chế, nhưng không thể tiền ngân sách bỏ vào mãi được, cơ bản nhất chính là từ nội lực của chính quyền địa phương, bằng ý thức của người dân làm sao để bảo vệ rừng. Nhà nước chỉ tạo ra những tiền đề ban đầu để bảo vệ phát triển rừng và những cơ chế chính sách trên cơ sở được bố trí đủ kinh phí để thực hiện.

     Các Bộ, ngành Trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp không tuân  thủ quy định của pháp luật. 

      Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay khi có cuộc họp về phục hồi và phát triển rừng Tây Nguyên trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị, Bộ đã có 2 văn bản để chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương xây dựng phương án để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

     Đồng thời, đôn đốc các đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, và thực hiện tốt Quyết định 07 về tăng cường quản lý rừng ở cấp cơ sở. Hiện Bộ cũng đang xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để làm sao hướng dẫn làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.

     Về việc trồng rừng thay thế từ đầu năm đến nay đã có 3 văn bản nhắc nhở các địa phương  và Tây Nguyên, song hiện Tây Nguyên trồng rừng chậm hơn so với các địa phương khác hiện mới đạt được 25%, trong khi bình quân cả nước là trên 50%. 

 

Cần xử lý nghiêm khắc để không tái diễn nạn phá rừng

 

     PV: Ông có cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cơ chế để bảo vệ rừng tốt hơn?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để tìm ra cơ chế quản lý tốt hơn nhưng trong giai đoạn hiện nay tôi nghĩ các cơ chế đang vận hành rất tốt. Cơ bản là có thực hiện hay không? tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật không? Trong các văn bản đều quy định rất rõ ràng trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm.

     Nhưng khi rừng bị phá thì người này lại đổ trách nhiệm cho người khác. Đó là do mọi người không chịu làm chứ văn bản đều quy định rõ vai trò của từng cấp đến đâu? Làm cái gì trong quản lý bảo vệ rừng nói riêng và tài sản của nhà nước nói chung?

     PV: Trở lại vấn đề, vai trò trách nhiệm của địa phương, theo ông là rất quan trọng?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Người đứng đầu là quan trọng nhất. Nếu người đứng đầu làm việc nghiêm minh chắc chắn cấp dưới sẽ thực hiện tốt và có thể xử lý được trách nhiệm của người không làm đúng theo quy định của Nhà nước. Hiện các văn bản của Nhà nước cũng quy định rất rõ ràng vấn đề này. Hoàn toàn có thể xử lý được hết, nếu họ không hoàn thành thì sẽ có những cách xử lý khác nhau. Tôi nhắc lại, cơ bản là có làm hay không.

     PV: Thưa ông, trong việc đóng cửa rừng, làm sao để vừa bảo vệ được rừng vừa đảm bảo cho các nông lâm nghiệp hoạt động gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Đây là vấn đề trong cơ chế chính sách chúng ta cần suy nghĩ, trước hết với người dân sống ở đó. Không khai thác gỗ nhưng phải làm sao để người dân có sinh kế nhất định. Có thể thu hoạch những nông sản ngoài gỗ hoặc sinh kế từ rừng, không phá hoại tài nguyên rừng cây gỗ lớn, mà khai thác rừng một cách bền vững, khai thác tùy theo tỷ lệ tăng trưởng của rừng. Nhà nước phải có cơ chế chính sách thích hợp đối với những ban quản lý rừng phòng hộ chuyên bảo vệ rừng.

     Phải có kinh phí đủ để nuôi bộ mấy ấy, hay người dân cộng đồng tham gia bảo vệ rừng họ phải có một nguồn kinh phí nhất định để cho họ sinh hoạt hoặc phải tạo ra các sinh kế bền vững khác. Nếu họ mà đói chắc chắn sẽ phá rừng. Do đó cần những cơ chế chính sách để người dân có thể sinh sống được.

     PV: Quản lý rừng trách nhiệm chính thuộc về địa phương, còn Bộ là ban hành cơ chế chính sách cũng như kiểm tra giám sát việc thực hiện của địa phương. Vậy sắp tới chúng ta có cần cơ chế chính sách để quản lý chặt từ địa phương hay không, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Hà: Phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Sắp tới sẽ thuận lợi hơn khi ta có Chương trình tổng điều tra kiểm kê tài nguyên rừng nên số liệu được ghi nhận trên thông tin điện tử. So sánh số liệu thực tế với số liệu từng thời điểm cụ thể  ta có thể xác định được diện tích rừng bị giảm sút. Từ đó có thể truy cứu được trách nhiệm của những người làm mất tài nguyên rừng.

     Trước kia cũng đi giám sát nhưng lúc ta đi thì họ dừng, còn ta về thì họ phá. Bây giờ có chương trình này có thể quản lý tài nguyên rừng tốt hơn gắn liền với từng chủ rừng, và tương lai sẽ quản lý tốt hơn.

     Trân trọng cảm ơn ông!

 

    Theo Việt Thắng - daidoanket.vn

 

Ý kiến của bạn