Banner trang chủ

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: Tích cực vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết trên sông Bưởi

23/05/2016

     Sáng ngày 4/5/2016, trên sông Bưởi, đoạn từ xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện hiện tượng nước sông đổi màu đen lục, sủi bọt, có mùi hôi, khiến cá tự nhiên và cá nuôi lồng của nhân dân chết hàng loạt. Từ ngày 5 -7/5/2016, dòng nước ô nhiễm chảy xuống các xã nằm ở vùng hạ lưu sông Bưởi như Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh… làm ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái sông Bưởi, các loài tôm cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè của nhân dân bị chết hàng loạt. Số liệu thống kê cho thấy, khối lượng cá lồng bị chết là 17.555 kg (có 74/109 lồng cá bị chết hoàn toàn của 34/49 hộ), khối lượng cá tự nhiên sông Bưởi bị chết là 4.093 kg.

     Trước thực trạng trên, ngày 5/5/2016, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra thực tế tại các lồng bè. Qua kiểm tra cho thấy, các lồng cá không có dấu hiệu dịch bệnh, nguyên nhân cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm. Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thành rà soát toàn bộ tuyến sông Bưởi trên địa phận tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên không có nguồn xả thải nào vào sông. Theo báo cáo của UBND huyện Thành Thành và thông tin cung cấp của nhân dân, nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy thuộc tỉnh Hòa Bình xả thải vào. Ngay trong ngày 5/5/2016, Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc xả thải của các nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có Nhà máy đường Hoà Bình, Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu và Trang trại chăn nuôi lợn. Tại thời điểm kiểm tra, Nhà máy chế biến tinh bột sắn đã dừng hoạt động từ ngày 19/3/2016, toàn bộ lượng nước thải sản xuất hiện được lưu giữ trong các hồ chứa, Nhà máy Đường Hòa Bình mới dừng hoạt động từ ngày 25/4/2016, Nhà máy chưa xây dựng công trình xử lý nước thải sản xuất. Lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình đã thừa nhận, từ ngày 15/3 - 25/4, Nhà máy đã xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi với lưu lượng 250 - 300 m3/ngày, đêm.

 

             

                             Các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng Nhà máy đường Hòa Bình

 

         

                                        Lấy mẫu nước thải Nhà máy đường Hòa Bình

 

     Từ thực tế trên, ngày 8/5/2016, Sở TN&MT Thanh Hóa đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cá chết tại sông Bưởi, huyện Thạch Thành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Công an khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa khắc phục sự cố môi trường; Sở đã ban hành các văn bản báo cáo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và đề nghị Bộ TN&MT phối hợp kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

 

Kiểm tra công trình xử lý nước thải Nhà máy đường Hòa BìnhKiểm tra công trình xử lý nước thải Nhà máy đường Hòa Bình

 

     Trong các ngày từ 5 - 15/5/2016, Sở TN&MT đã tiến hành lẫy mẫu quan trắc liên tục chất lượng nước sông Bưởi. Kết quả phân tích trong 3 ngày (từ 5- 8/5/2016) cho thấy, nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng, nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Sở TN&MT đã có văn bản thông báo cho huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc khẩn trương di chuyển các lồng cá đến vùng nước an toàn, không sử dụng nguồn nước sông Bưởi làm nước sinh hoạt và sản xuất. Từ ngày 10/5/2016, chất lượng nước sông Bưởi cơ bản đã trở về trạng thái bình thường, các chỉ tiêu phân tích nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, thủy lợi.

     Trong thời gian xảy ra sự cố môi trường, Sở TN&MT đã huy động 20 cán bộ chuyên môn, hướng dẫn chính quyền địa phương thu gom, tiêu hủy cá chết theo đúng quy định về BVMT và liên tục bám sát địa bàn để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Bưởi.

 

Lấy mẫu quan trắc chất lượng nước sông Bưởi

 

     Theo đề nghị của Sở TN&MT Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-BTNMT ngày 10/5/2016 thành lập Đoàn Thanh tra công tác BVMT tại Nhà máy mía đường Hòa Bình (Công ty CP Mía đường Hòa Bình), Nhà máy sản xuất tinh bột sắn (Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng) và Trang trại chăn nuôi lợn hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Sáng nằm trong cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Qua thanh tra cho thấy, các đơn vị trên đều chưa chấp hành đầy đủ các quy định theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; chưa đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải; chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường; không có giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Ngày 17/5/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành các Quyết định số 174/QĐ-XPVPHC, 175/QĐ-XPVPHC và 176/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với Công ty CP Mía đường Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng và Cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng với tổng số tiền 3.904.165.200 đồng và đình chỉ hoạt động từ  3-12 tháng. Quyết định xử phạt cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các hộ gia đình bị thiệt hại, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi.

     Đến nay, với Công ty CP Mía đường Hòa Bình đã thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân huyện Thạch Thành với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

     Như vậy, tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Sở TN&MT Thanh Hóa đã rất tích cực, chủ động trong việc điều tra, nghiên cứu, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loại và xác định đúng đối tượng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Sở TN&MT Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Kết quả trên thể hiện tinh thần chỉ đạo hết sức đúng đắn, kịp thời của Lãnh đạo Sở, sự vào cuộc tích cực của các phòng ban chuyên môn, được chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thành ghi nhận.

 

Lê Văn Bình - Lưu Trang

Ý kiến của bạn