Banner trang chủ

Quy hoạch chi tiết khu bảo vệ cảnh quan Hồ Tây, một nhiệm vụ cần sớm được thực hiện

30/03/2016

   Kho báu văn hóa vật thể và phi vật thể, điểm du lịch hấp dẫn

   Hồ Tây không chỉ đẹp nhờ cỏ cây hoa lá, mặt nước mây trời mà còn đẹp vì những huyền thoại bao phủ lên các Miếu cổ, Chùa xưa, lại còn cả các địa danh như Thiên Phù, Trâu Vàng, Chùa Hang, Xác Cáo…

   Theo luật phong thủy, xung quanh hồ là một vùng đất mang nhiều hình dáng các linh vật: phía đền Quan Thánh là đất hình Phượng, phía Yên Ninh là hình Rồng, phía Quảng Bá là hình Rùa, phía Quán La là hình Ngựa, phía Ngũ Xã là hình Lân. Tất cả các “linh vật” này đều chầu về Hồ Tây, khiến nơi đây trở thành tâm điểm của một vùng “linh địa”.

   Hiện nay xung quanh Hồ Tây có 21 ngôi chùa đã được Nhà nước xếp hạng, đó là các chùa: Quan Thánh, Trấn Quốc, Đồng Cổ, phủ Tây Hồ… Các di tích này hiện đang lưu giữ nhiều văn vật có giá trị như:102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá. Đây có thể xem là kho báu văn hóa vật thể.

   Cư dân sống xung quanh Hồ Tây có nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như hội “Thổi cơm thi” ở làng Nghè, hội “chèo thuyền cạn” ở làng Hồ, hội “thề Đồng Cổ” ở làng Đông có từ thời nhà Lý…

   Ven Hồ Tây còn có các làng nghề truyền thống như: làm giấy, dệt, trồng hoa, phường đúc đồng… Nhiều nghề thủ công có tới hàng nghìn năm tuổi. Các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống là kho báu phi vật thể .

   Hiện nay, tại quận Tây Hồ đang tồn tại nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ từ hàng trăm đến vài trăm năm như cây Đa ở chùa Tảo Sách (phường Nhật Tân), cây Bồ Đề đường Lạc Long Quân (phường Nhật Tân), cây Bồ Đề chùa Trấn Quốc (phường Yên Phụ)…

   Vòng quanh Hồ Tây, du khách không chỉ được ngắm cảnh hồ, mây trời, đình chùa đẹp mà còn là dịp trở về với cội nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân diệt hồ tinh đến nghi án ông trạng Lê Văn Thịnh hóa hổ, với Cửu Trùng đài, Nam Đồng thư xã - một nhà sách tiến bộ vào năm 1926 - 1927 và bến đò Phú Xá, dải đất đầu tiên của Hà Nội có vinh dự được đón Bác Hồ. Như vậy, du lịch quanh Hồ Tây, du khách không chỉ được biết về không gian văn hóa mà còn được mở rộng cả về thời gian văn hóa.

Hồ Tây được xem như một kho báu phi vật thể, cần được bảo tồn và phát triển

   Một phức hệ thủy sinh tiêu biểu nhưng ngày càng cạn kiệt

   Vào thập niên 1960 - 1970, Hồ Tây được tiến hành điều tra cơ bản về thủy sinh vật. Kết quả cho thấy, vào giai đoạn này, mật độ thực vật nổi Hồ Tây rất lớn, có thể đạt từ 3 - 200 triệu tế bào/lít, trong đó, tảo lam chiếm 60-90% mật độ tảo.

   Các kết quả nghiên cứu số lượng sinh vật đáy Hồ Tây cho thấy, diễn biến bất thường. Sinh khối động vật đáy của Hồ Tây trong những năm 1960-1961 dao động trong khoảng 640-3149 con/m2, với sinh khối 2,174-9,244 g/m2.

   Sản lượng khai thác tôm càng tự nhiên ở Hồ Tây vào các năm 1959-1960 đạt tới 30-50 tấn, chiếm 32-38% sản lượng thủy sản của hồ. Tuy nhiên, sản lượng tôm đã suy giảm nhanh chóng. Vào những năm 1971-1975, sản lượng tôm thu hoạch chỉ còn 12 - 15 tấn/1 năm. So với giai đoạn 1980 -1994, sản lượng khai thác tôm càng tự nhiên chỉ bằng 1/4-1/40. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm sản lượng, do khai thác quá mức và môi trường nước nền đáy hồ bị ô nhiễm.

   Trong thời kỳ 1981-1990, các dẫn liệu nghiên cứu cho thấy, sinh khối động vật đáy ở Hồ Tây đã giảm nhiều, chỉ bằng 1/3-1/5 sinh khối của các năm 1960, 1965, 1975. Sinh vật lượng bình quân cao nhất là 955 con/1m2 và 12,8gm/1m2 (1982).

   Nhóm động vật đáy thân mềm (gồm trai, hến, ốc) sản lượng khai thác năm 1982 là 300 - 600 tấn. Trước năm 2000, thường có tới vài chục thuyền cào khai thác trai, hến và ốc, sản lượng mỗi thuyền là 60 - 70kg mỗi ngày. Tuy nhiên, từ sau năm 2000 trở lại đây, sản lượng trai, hến gần như cạn kiệt cùng với sự cấm đánh bắt của Ban quản lý Hồ Tây đã hạn chế số người đến khai thác và việc khai thác chỉ bằng tay. Năm 1982, trong thành phần động vật đáy, nhóm ốc vặn, ốc đá chiếm ưu thế, sản lượng ốc khai thác hàng ngày từ 1-3 tấn, chiếm 80% sinh khối chung, hiện tại sản lượng nhóm ốc này là không đáng kể.

   Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả, thành phần khu hệ cá Hồ Tây gồm 46 loài thuộc 16 họ và 6 bộ, trong đó họ cá chép chiếm ưu thế gồm 28 loài, thuộc 22 giống, chiếm 60,8% tổng số loài cá Hồ Tây. Có 14 loài cá tự nhiên, chiến 30,5% tổng số loài cá Hồ Tây. Từ năm 1988 trở về trước, hàng năm Hồ Tây khác thác được 10 tấn cá, có năm khai thác được tới 15 tấn.

   Các loài cá thả ở Hồ Tây ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về sản lượng và giá trị kinh tế, trong khi thành phần cá tự nhiên ngày càng được thu hẹp. Một cách tổng quát có thể khẳng định, khu hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm cua, trai, ốc, hến), 12 loài giáp xác, 46 loài cá (trong đó có 15 loài cá tự nhiên). Tuy nhiên, phức hệ thủy sinh vật như đã trình bày, đang ngày càng cạn kiệt. Nguyên nhân cơ bản là do bị khai thác quá mức và nguồn nước, nền đáy bị ô nhiễm.

   Nguyên nhân gây ô nhiễm nước Hồ Tây

   Nước Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn. Đây là vấn đề được các cấp, các ngành liên quan đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp được nêu ra để thực hiện, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của người dân cũng như xã hội.

   Cho đến nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến mức nước Hồ Tây bị ô nhiễm bắt nguồn từ những cống thải đã mặc nhiên làm nhiệm vụ thu gom chất ô nhiễm ở khu vực dân cư xung quanh rồi đổ vào Hồ Tây. Điều này diễn ra trong một thời gian dài, tích tụ dần nhiều chất gây ô nhiễm đến mức vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần.

   Kết quả phân tích cho thấy, tại những điểm cống xả thải hàm lượng dầu mỡ rất cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của hồ.

   Phân tích thành phần kim loại nặng trong mẫu sinh vật đáy (trai, ốc, trùng trục) cho thấy, đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Việc nước hồ phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt dẫn đến chất lượng nước trong hồ không đảm bảo số lượng vi sinh cần thiết. Đồng thời kết quả phân tích cũng cho thấy, nguồn thải gây ô nhiễm nước hồ qua các thời điểm có tính chất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên cũng như tác động do các hoạt động của người dân quanh hồ.

   Kết quả phân tích chỉ số Coliform ở các cửa cống cho thấy, chỉ tiêu Coliform tổng số tại hầu hết các điểm lấy mẫu đều cao hơn so với quy chuẩn, qua đó cho thấy, nước lấy từ các cửa cống thải ô nhiễm vi sinh vật rất cao. Đây là dẫn chứng cụ thể về việc nước hồ bị ô nhiễm vi sinh là do đã phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải thông qua các cửa cống.

   Để giảm thiểu ô nhiễm nước Hồ Tây, trước hết phải giảm nguồn dinh dưỡng bên ngoài và bên trong hồ. Kiểm soát được dòng chảy vào của hồ sẽ giải quyết được nguồn dinh dưỡng bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo chất lượng nước trong hồ. Loại bỏ hay hạn chế nguồn dinh dưỡng bên ngoài có thể rất tốn kém nhưng cần thiết và hiệu quả.

   Cần sớm thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực bảo vệ cảnh quan Hồ Tây

   Từ những vấn đề đã trình bày cho thấy, để xây dựng hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Tây thành khu bảo vệ cảnh quan không chỉ đẹp mà còn phải có môi trường trong sạch; Đồng thời còn phải hội tụ được các yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử, làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch của Hà Nội. Do đó, hơn bao giờ hết cần sớm thực hiện quy hoạch chi tiết khu bảo vệ cảnh quan Hồ Tây. Bởi vì, Hồ Tây là một bộ phận rất quan trọng của Thăng Long - Hà Nội.

TS. Lê Trần Chấn, KS. Đinh Văn Hùng

CN. Vũ Thị Cúc, CN. Trần Thị Chi

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn