Banner trang chủ

Quan điểm và hướng tiếp cận mới về quản trị môi trường

05/05/2016

   Trong thời gian qua, công tác quản lý và BVMT ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về BVMT từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT ngày càng tăng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học suy giảm, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết vấn đề này cần có sự đổi mới trong công tác quản trị môi trường (QTMT) theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và xu hướng chung của thế giới.

   Quan điểm và hướng tiếp cận mới về QTMT trên thế giới

   Những năm gần đây, nhiều nước và tổ chức quốc tế trên thế giới, nhất là các nước có nền kinh tế thị trường đã tiếp cận QTMT theo hướng mới, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trong tiến trình xây dựng và thực hiện các chính sách về môi trường. Công tác quản lý nhà nước về môi trường chủ yếu mang tính chất điều hành và kiểm soát, trong đó chú trọng đến các giải pháp tạo cơ chế cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tự chịu trách nhiệm và có vai trò chủ động trong công tác BVMT.

   Trong hệ thống QTMT, vai trò của nhà quản lý, các tổ chức tham gia, đặc biệt vai trò của người dân là vô cùng quan trọng. Điển hình như ở Nhật Bản, Dự án Nanohana làm sạch nước hồ Biwa (hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản). Người dân sống xung quanh hồ phát hiện hồ Biwa bị ô nhiễm do các chất thải nhà bếp như dầu Tempura trong hệ thống thoát nước thải. Để BVMT hồ, những hộ dân đã yêu cầu các doanh nghiệp tái sản xuất dầu Tempura thành nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học cho xe ô tô nhằm giảm khí thải CO2 và tổ chức trồng cây xanh, bảo tồn các loài cá trong hồ. Hành động tích cực của người dân đã góp phần làm sạch nước hồ Biwa. Hiện nay hồ trở thành điểm du lịch sinh thái của người dân địa phương.

Hồ Biwa (Nhật Bản) trở thành điểm du lịch sinh thái sau khi được xử lý ô nhiễm môi trường

   Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để giải quyết tốt các vấn đề môi trường, cần dựa vào sức mạnh tổng thể của 3 trụ cột chính: Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội (bao gồm cả cộng đồng dân cư). Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 trụ cột này, nhiều vấn đề về pháp luật và biện pháp thực thi cần tiếp tục hoàn thiện. Cần thay đổi cơ chế để cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp, có thể tiến hành khởi kiện buộc doanh nghiệp vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại đã gây ra. Cơ chế để các thông tin về tình hình chấp hành pháp luật (nhất là tình hình vi phạm pháp luật môi trường của doanh nghiệp) cũng cần được thay đổi để minh bạch hơn. Giải pháp thực hiện là ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng được cơ sở dữ liệu về tình hình chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp, công bố công khai cơ sở dữ liệu và kết nối trong toàn quốc để công chúng dễ dàng cập nhật, theo dõi, đánh giá. Bên cạnh đó, trách nhiệm BVMT cần được coi là một trong những nội dung quan trọng trong đạo đức kinh doanh cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

   Một số đề xuất đối với Việt Nam

   Theo mô hình quản lý nhà nước truyền thống của Việt Nam, một Bộ có vai trò chủ chốt trong việc quản lý lĩnh vực chuyên môn, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành quản lý khác. Sự mâu thuẫn, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, cộng với sự thiếu phối hợp luôn là thách thức. Do đó, cần thống nhất áp dụng pháp luật BVMT giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương. Thêm vào đó, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của dân chúng vào hoạt động của các cơ quan này còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Vai trò của các yếu tố tự quản của khu vực tổ chức xã hội trong việc bảo đảm mục tiêu QTMT chung còn khá mờ nhạt…

   Để khắc phục vấn đề trên, Việt Nam cần hướng tới áp dụng hệ thống QTMT, trong đó, lợi ích của người dân trong các quyết định có liên quan tới môi trường cần được tôn trọng và bảo đảm. Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành những chiến lược, chương trình hành động về công tác BVMT, đi từ cơ sở, thay cho chỉ tiếp cận theo chiều từ trên xuống, cụ thể: Chính quyền cấp địa phương cần tăng cường đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn về môi trường; Kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ sử dụng, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã quý, hiếm; Quản lý hệ thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thu gom và xử lý nước thải của các doanh nghiệp

   Ngoài ra, trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư, chính quyền địa phương cần chú ý đến những tác động của dự án đến môi trường; đồng thời tuyên truyền cho cộng đồng dân cư hưởng ứng, tham gia các phong trào BVMT; Khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật, ngành nghề thủ công truyền thống, hình thành các làng sinh thái, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, chú trọng đến các vấn đề như đa dạng sinh học, đất đai, các loại hình dịch vụ liên quan đến rác thải, nước thải…

   Như vậy, để áp dụng hệ thống QTMT hiệu quả cần tính đến sự phù hợp đối với đặc thù xã hội, kinh tế, văn hóa của mỗi địa phương. Trong đó, các thuộc tính cơ bản được xem là cần thiết phải áp dụng trong hệ thống QTMT như:

   Đảm bảo công khai minh bạch: Đối với các thỏa thuận và hoạt động thể chế, tính toàn diện, sự tham gia của các bên liên quan, trao đổi thông tin trong bộ máy quản trị; Xác định pháp lý và chức năng điều hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong hoạch định chính sách.

   Quản lý tổng hợp: Bảo vệ TN&MT phải dựa trên nền tảng của hệ sinh thái, nghĩa là không quản lý đơn lẻ từng thành phần mà tiếp cận dựa trên tính đặc thù của từng hệ sinh thái để đảm bảo sự liên kết và hài hòa tự nhiên.

   Đề cao giá trị con người: Trong hệ thống QTMT, phải xem con người là thành phần quan trọng của tự nhiên và môi trường. Con người sống và tồn tại được là nhờ tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên là cơ sở tiền đề cho sự sống và phát triển của con người.

   Phát huy giá trị đạo đức sinh thái: Để ứng xử đúng mực với thiên nhiên, đòi hỏi phẩm chất đạo đức mới của con người, đó chính là đạo đức sinh thái. Nói cách khác, con người nói chung, những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên nói riêng phải có sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên để có ý thức, kiến thức quản lý, bảo vệ thiên nhiên và ứng xử theo hướng tôn trọng thiên nhiên.

   Như vậy, trong công tác BVMT của nước ta, ngoài những chính sách của Nhà nước, cần sự nỗ lực, hợp tác của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Hướng tới hệ thống QTMT hiệu quả, trong đó, lợi ích của người dân trong các quyết định có liên quan tới môi trường cần được tôn trọng và bảo đảm là hướng đi đúng cho nước ta hiện nay.

ThS. Trần Thị Thúy Nga

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn