Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 04/10/2024

Quản lý tổng hợp về khôi phục, làm sống lại các ao, hồ, kênh, mương, sông bị ô nhiễm suy thoái

06/10/2015

   Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã khảo sát, phân tích thông tin về ô nhiễm nước trên các phương tiện thông tin đại chúng... Kết quả cho thấy, khoảng 46% thông tin liên quan tới ô nhiễm nước được đăng tải trên các báo, trung bình một tháng có 39 bài. Qua đó có thể thấy, ô nhiễm nước đang là vấn đề thời sự, nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay.

   Trong đó, đáng báo động là tình trạng ô nhiễm các sông, rạch, kênh mương nhỏ (kênh, mương, rạch sông dưới 10 km) và các ao hồ trong đô thị, nông thôn, đây là một thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế và xã hội, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Những con kênh, rạch, sông nhỏ, ao hồ đang bị ô nhiễm trầm trọng có thể kể tên như con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (8,7 km) ở TP. Hồ Chí Minh (HCM); sông Kim Ngưu (7,7 km) ở Hà Nội; suối Bưng Cù (4,7 km) ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; kênh 4 Xã (3,1 km ), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh… Nước từ các con kênh, rạch, sông nhỏ này bị ô nhiễm chảy vào các con sông lớn sẽ tạo thành nguồn ô nhiễm chính cho các dòng sông.

   Việc cải tạo, khôi phục, làm sống lại các ao hồ, kênh mương sông bị ô nhiễm, suy thoái, đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, có thể rất tốn kém, cũng có thể không. Bài viết đưa ra 2 ví dụ: Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP. HCM (đại diện cho các công trình rất tốn kém); Khôi phục làm sạch hệ thống ao chùa Phổ Linh và ao Chéo ở phường Quảng An, Hà Nội (đại diện cho các công trình không quá tốn kém). Trên cơ sở đó, sẽ phân tích sự cần thiết phải kiểm soát được ô nhiễm nước ở các thủy vực nhỏ và áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng thể lưu vực của các thủy vực, cũng như vai trò của công tác kiểm soát ô nhiễm nước trong thúc đẩy kinh tế vĩ mô.

Nạo vét làm sạch dòng kênh

   Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

   Kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè dài 8,7 km chảy qua các quận Tân Bình 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1 (TP. HCM). Trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất sạch, người dân có thể sử dụng sinh hoạt như tắm giặt, bơi lội. Thế nhưng, sau đó người dân từ những địa phương khác đổ về TP, lấn chiếm dựng nhà 2 bên bờ kênh. Nước thải sinh hoạt của các hộ dân cùng với nước thải của các nhà máy được xả thẳng ra kênh. Qua thời gian dòng kênh chết dần, đường ven kênh ngập tràn rác thải, nước kênh ô nhiễm nặng, bốc mùi nồng nặc.

   Năm 1993, UBND TP.HCM có kế hoạch đầu tư cải tạo dòng kênh này, để thay đổi cuộc sống của người dân cũng như tạo dựng bộ mặt mới cho cảnh quan đô thị. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được triển khai, với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.

   Giai đoạn 1: Năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh đã được thực hiện bởi Dự án vệ sinh môi trường nước kênh, do WB tài trợ 166 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách TP là 68 triệu USD. Dự án đã đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét 260.000 m3 bùn đất, làm đường lát vỉa hè, trồng cây xanh… Giai đoạn 1 của Dự án với các hạng mục: Xây dựng một tuyến cống bao đơn (đường kính 2-3 m) chạy dọc theo kênh, từ 15 - 20 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom với tuyến cống bao; Lắp đặt 1 trạm bơm có thiết bị lọc rác với công suất 64.000 m3/h và xây 1 miệng xả ngầm, độ sâu từ 18 - 20 m dưới dòng sông, có thiết kế đặc biệt để tăng cao độ pha loãng; đồng thời thiết lập hệ thống điều khiển, bao gồm hệ thống kiểm soát (van hút nước chết thượng nguồn) và các thiết bị cần thiết để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt. Ngoài ra, Dự án đã xây mới, cải tạo 38 km cống hộp lớn, cống kích thước rộng từ 1 - 6m; khoảng 240 km cống cấp 3 đường kính từ 400 mm - 800 mm và xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 15 km giúp giao thông thông thoáng. Sau khoảng 20 năm thi công, đến tháng 8/2012, Dự án được khánh thành trong niềm vui của hàng triệu người dân.

   Sau khi kết thúc giai đoạn 1, Sở TN&MT TP. HCM đã triển khai nhiều hoạt động như tăng cường vớt rác trên kênh; lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước và nghiên cứu hệ thủy sinh vật trên các tuyến kênh; tuyên truyền về BVMT, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; kiểm tra việc thực hiện BVMT trong hoạt động du lịch trên các tuyến kênh; tăng cường kiểm tra về an toàn giao thông đường thủy nội địa, các loại hình kinh doanh dịch vụ neo, đậu, tập kết tàu thuyền tại khu vực…

   Giai đoạn 2: Từ đầu năm 2015, TP. HCM và WB đã phối hợp thực hiện Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với vốn đầu tư là 450 triệu USD, gồm các hạng mục: Nạo vét khoảng 750.000 m3; Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m³/ngày, đêm (dự kiến đến tháng 7/2016 sẽ hoàn thành) và hệ thống thu gom nước thải dài 8 km kết nối với hệ thống thu gom nước thải đã được xây dựng trong giai đoạn 1; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải ở các phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây…

   Sau giai đoạn cải tạo đợt 1, tình trạng ô nhiễm tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn tái diễn. Dọc bờ kênh rác thải trôi lềnh bềnh, bốc mùi tanh tưởi, màu nước đen sẫm đặc quánh khiến nhiều loại thủy sinh không thể sinh tồn, đặc biệt là cá. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, từ tháng 4 - 5/2015 có 4 đợt cá chết trên kênh. Kiểm tra mẫu nước ở nơi có nhiều cá chết cho thấy, độ pH, DO, NH4, NH3, NO2 đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, có hiện tượng bọt khí cục bộ.

   Tuy nhiên, hiện kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày càng sạch hơn dù vẫn còn phải tiếp tục cải thiện môi trường nước kênh. TP đang cân nhắc cho phép khai thác dịch vụ du lịch trên kênh.

   Cải thiện môi trường ao chùa Phổ Linh với sự tham gia của cộng đồng

   Ao Chéo, ao chùa Phổ Linh là hai ao phía trước cổng chùa Phổ Linh, nằm trong quần thể ao khu vực chùa Phổ Linh, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Trước năm 2010, hai ao này đối mặt với tình trạng lấn chiếm, đổ rác thải, vật liệu xây dựng, đặc biệt ao Chéo bị ô nhiễm chất thải từ chăn nuôi lợn của người dân trong khu vực, gây bức xúc cho cộng đồng.

   Từ năm 2011, CECR đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hợp tác xã phường Quảng An xây dựng mô hình cải thiện cảnh quan, chất lượng môi trường của ao Chéo và ao chùa Phổ Linh, với sự tham gia của cộng đồng. Cùng với Hội Phụ nữ, CECR đã nghiên cứu hiện trạng khu vực hai ao này, tổ chức thảo luận xây dựng kế hoạch quản lý hai ao với sự tham gia của người dân, bao gồm những hoạt động cụ thể như: Nạo vét bùn lắng, cải tạo bờ, kè bờ sinh thái, trồng cây thủy sinh, triển khai các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về hệ sinh thái, BVMT...

   Kế hoạch quản lý hai ao bắt đầu được thực hiện từ năm 2012 với lực lượng tiên phong là Hội Phụ nữ phường Quảng An, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tham gia của thanh niên, sinh viên. Các hoạt động làm sạch cỏ dại, dọn rác bờ ao và mặt nước ven ao được thực hiện định kỳ kèm theo việc quan trắc của nhóm tình nguyện viên, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả. Đến tháng 5/2013, các chuồng lợn tại ao Chéo đã được di dời, trả lại không gian thoáng đãng, sạch đẹp cho hai ao. Xung quanh hai ao được người dân dựng hàng rào tre sinh thái, trồng hoa, cây xanh vừa để bảo vệ ao, vừa tạo cảnh quang sạch, đẹp. Các loại thủy sinh như sen, súng và các bè thủy sinh được thả trên mặt ao nhằm cải thiện chất lượng nước ao.

   Hiện nay, Hội Phụ nữ phường Quảng An và các nhà sư của chùa Phổ Linh luôn duy trì vệ sinh quanh ao, giúp ao giữ được hiện trạng như sau khi cải tạo, chất lượng nước đang dần được khôi phục.

Khu vực ao chùa Phổ Linh, ao Chéo trước (1), sau khi làm sạch (2)

   Qua 2 mô hình trên, công tác khôi phục, làm sống lại các thủy vực nhỏ như ao, hồ, kênh mương, sông rạch nhỏ, dù là ở cấp độ lớn, hay cấp độ nhỏ đều bao gồm các biện pháp công trình như kè bờ, cải tạo bờ, hạn chế việc xả thải trực tiếp ra môi trường, thu gom và xử lý nước thải…; cùng với đó là các biện pháp phi công trình như truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng. Việc quản lý tổng hợp giữa 2 biện pháp trên được thực hiện một cách nghiêm túc theo quy trình và có sự đồng thuận từ lúc lên kế hoạch cho tới lúc thực hiện. Việc hiểu biết thấu đáo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, kết hợp giữa các phương pháp công nghệ, quản lý chiến lược, bảo tồn, với sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng. Ngoài ra, trong cả 2 ví dụ trên, vai trò lãnh đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cũng là yếu tố chủ chốt tạo ra sự thành công.

   Dự án Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với cách tiếp cận tổng thể có nhiều bên tham gia, trong thời gian dài và được hỗ trợ tài chính, nguồn kinh phí rất lớn, đó chính là cái giá phải trả cho công tác phục hồi môi trường. Những công trình đường cống cùng hệ thống thu gom, xử lý nước thải là các công cụ kiểm soát ô nhiễm đòi hỏi tài chính và công nghệ hiệu quả. Còn Dự án Cải thiện hệ thống ao chùa Phổ Linh và ao Chéo ở Hà Nội là do cộng đồng khởi xướng, tuy không tốn kém nhưng cũng có hiệu quả. Ở mô hình này, cách tiếp cận tổng thể kết hợp giữa các biện pháp: Nạo vét, khơi dòng, kè bờ và bảo tồn chất lượng nước (dùng cây thủy sinh), cùng với sự tham gia của cộng đồng trong việc cải tạo bờ, trồng cây xanh xung quanh bờ ao đã được thực hiện khá hiệu quả.

   Nhìn chung, việc khôi phục, làm sống lại các ao, hồ, kênh, mương, sông bị ô nhiễm suy thoái có thể thực hiện hiệu quả theo nhiều cách, tùy thuộc vào vấn đề và quy mô, nhưng đều đòi hỏi cách tiếp cận quản lý tổng hợp, sự thấu hiểu về bảo tồn nước mặt, hệ sinh thái cũng như sự hiểu biết về các biện pháp công trình và phi công trình, có sự tham gia của nhiều bên, nhiều địa phương, với tầm nhìn xa. Bên cạnh đó là quyết tâm của người lãnh đạo, sự đồng thuận của người dân và có nguồn tài chính hỗ trợ là điều rất quan trọng.

   Để cải thiện hệ thống ao, mương, kênh rạch, sông nhỏ đã bị suy thoái cần có những chiến lược, chính sách và tài chính cụ thể với lộ trình nhiều năm, nhằm thúc đẩy nhiều mô hình sáng tạo khác nhau. Đặc biệt, cần xem việc cải thiện hệ thống thủy vực nhỏ là một lĩnh vực đầu tư tài chính của Nhà nước, vừa đóng góp vào bức tranh kinh tế vĩ mô vừa bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Thời gian tới, cần thúc đẩy sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng, các tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức phi chính phủ cùng vào cuộc để từng bước cải thiện những ao hồ nhỏ, từ đó, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trên cả nước. Đồng thời, Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư cho các công trình hạ tầng, kết hợp bảo tồn để giải quyết các kênh, mương, sông nhỏ hiện rất ô nhiễm, xem đó là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Với cách kết hợp trên, trong vòng 30 năm nữa diện mạo hệ thống nước mặt của Việt Nam sẽ thay đổi.

      Tài liệu tham khảo

Ngân hàng Thế giới: Dự án Vệ sinh Môi trường: Cải tạo Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhiều báo cáo. 2001-2015.

Http:www.monre.gov.vn: Triển khai nhiều dự án cải thiện môi trường.

     Trung tâm Nghiên cứu và Cộng đồng: Dự án “ Mô hình cộng đồng cải tạo và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven đô thị:
    Thí điểm ở Hà Nội, 2013.

Nguyễn Ngọc Lý

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn