Banner trang chủ

Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh

05/01/2019

     Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong những xu thế chủ đạo của du lịch thế giới trong những thập niên tới là "phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch sinh thái (DLST) và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành Du lịch để đảm bảo thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững". Đón đầu xu thế chung đó, quan điểm phát triển du lịch Việt Nam được đề ra trong Chiến lược cho giai đoạn tới: "Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...".

     Xu hướng phát triển DLST

     Cùng với sự tăng trưởng về số lượng du khách, nhu cầu du lịch cũng có sự thay đổi theo xu hướng: Chuyển từ tiêu dùng sản phẩm du lịch truyền thống sang du lịch kết hợp trải nghiệm, dựa trên những giá trị sáng tạo và công nghệ mới; Du lịch mang tính chất thân thiện với môi trường; Du lịch nghỉ ngơi, tiêu dùng các dịch vụ phục vụ sức khỏe và làm đẹp; Du lịch độc đáo, mạo hiểm; Tour tự thiết kế; Lựa chọn các sản phẩm du lịch có chất lượng, mức chi tiêu cao với phương tiện hiện đại; Du lịch tại chỗ trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua “tour ảo”. Như vậy, loại hình DLST thân thiện với môi trường vẫn là xu thế chủ đạo trong phát triển du lịch thế giới trong vài thập niên tới.

 

Du lịch trải nghiệm tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

 

     Trên thế giới, DLST được khởi phát từ những năm 80 của thế kỷ 20, khi những người tham gia lĩnh vực bảo tồn, du lịch và các cộng đồng địa phương sống trong hoặc xung quanh các khu vực được bảo tồn nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng đối với du lịch thiên nhiên và thấy được cơ hội BVMT một cách bền vững qua hoạt động du lịch. Nhận thức được tầm quan trọng có tính toàn cầu của DLST, Liên hợp quốc đã ban hành quyết định lấy năm 2002 là Năm quốc tế về DLST và sau 10 năm, ngày 21/12/2012, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết: "Thúc đẩy DLST nhằm xóa đói giảm nghèo và BVMT". Theo dự báo của Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), DLST là phân ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong hoạt động du lịch trên toàn thế giới. Đến nay, DLST trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển nhanh, ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trên toàn thế giới, bởi đó là loại hình du lịch thiên nhiên có trách nhiệm, hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng, đồng thời đem lại những nguồn lợi kinh tế lớn. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, DLST được xem như một giải pháp hữu hiệu để BVMT thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu khách du lịch, người dân địa phương.

     Hiện trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển DLST tại Việt Nam

     Hiện nay, loại hình DLST ở nước ta bước đầu có sự phát triển đáng ghi nhận. Dưới góc độ sản phẩm, DLST đã định vị được một số sản phẩm và có thương hiệu như: Quan sát các loài thú (Cát Tiên, Phong Nha - Kẻ Bàng…); xem rùa sinh nở (Côn Đảo); tham quan các hệ sinh thái đất ngập nước, thám hiểm ở một số khu vườn quốc gia (Xuân Thủy, Cát Bà, Cúc Phương, Ba Bể, Nam Cát Tiên, Tam Nông...); trải nghiệm vùng núi cao tại Fansipan, Yên Tử; thám hiểm hang động (Phong Nha); DLST nông nghiệp (Đà Lạt), tham quan miệt vườn, sông nước đồng bằng sông Cửu Long; lặn biển (Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phú Quốc)... DLST đã có thị trường khách khá ổn định đến từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Ôxtrâylia.Trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm có khoảng 5 - 8% tham gia vào các tour DLST tự nhiên, khoảng 40 - 45% tham gia vào các tour tham quan - sinh thái nhân văn. Đến nay, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang... đã phê duyệt thực hiện Đề án phát triển DLST trên địa bàn. Các văn bản pháp lý như Luật Du lịch, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam cũng đã xác định vị trí, vai trò và định hướng phát triển DLST mang ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở phát triển du lịch bền vững.

     Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển, song DLST ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu, thể hiện qua sản phẩm DLST mới chỉ dưới hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái, quan sát đời sống động thực vật, văn hóa bản địa; chất lượng dịch vụ DLST còn hạn chế dẫn tới lợi ích mang lại còn thấp; công tác quảng bá, xúc tiến còn mờ nhạt nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch... Nhận thức về DLST chưa được hiểu thấu đáo nên nhiều khu du lịch mang tên "sinh thái" nhưng thực tế chỉ là những khu nghỉ dưỡng, giải trí với ít nội dung giáo dục hay bảo tồn. Theo Báo cáo kiểm tra hoạt động DLST tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (VQG/KBTTN) của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2017, có 56/61 VQG/KBTTN tổ chức kinh doanh hoạt động DLST khi chưa có đề án phát triển DLST; 60/61 khu chưa có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Điều này dẫn tới công tác quản lý hoạt động DLST tại các VQG/KBTTN còn nhiều bất cập. Đối với các doanh nghiệp lữ hành, ít doanh nghiệp có chương trình DLST thật sự mà chỉ mang "màu sắc" sinh thái. Mặt khác, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, quy hoạch, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên DLST còn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tế... Như vậy, để DLST phát triển đúng với tính chất và mục tiêu của nó cần có sự chuyển biến căn bản về nhận thức và cách thức vận hành trong thời gian tới.

     Để đảm bảo sự phát triển bền vững, DLST cần được đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên du lịch Việt Nam. Đồng thời, cần có sự chỉ đạo, kết hợp đồng bộ ở 3 lĩnh vực chủ yếu: chủ trương chính sách của Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương. Trong đó, chính sách của Nhà nước tập tập trung vào việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển DLST quốc gia, trên cơ sở đó xây dựng cho từng địa phương có tiềm năng. Quy hoạch phải đảm bảo hợp lý về không gian, cân đối về môi trường và sức chứa của điểm đến. Chính quyền địa phương cần có chế tài nhằm giám sát các điểm tài nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn tới các điểm DLST, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tạo sản phẩm DLST đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước… Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương sinh sống trong và gần các điểm DLST vào quá trình lập kế hoạch và quản lý DLST... Doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương có trách nhiệm xây dựng sản phẩm, tổ chức quản lý các hoạt động DLST và khách du lịch, quảng bá sản phẩm DLST, trong đó nhấn mạnh đến nguyên tắc phát triển DLST để giảm bớt áp lực về tài nguyên thiên nhiên, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương...

     Có thể nói, với định hướng đã được xác định, DLST chắc chắn sẽ là tiền đề để phát triển du lịch Việt Nam bền vững.

 

Nhâm Hiền

Tổng cục Du lịch

ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình

Trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

Ý kiến của bạn