Banner trang chủ

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

01/11/2017

   Trên cơ sở kết quả của Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày 26-27/9/2017, Bộ TN&MT phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Dự thảo) nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững ĐBSCL trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, khí hậu, biển, đảo, văn hóa, con người.

 

   Tiềm năng và thách thức của ĐBSCL

   ĐBSCL nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, hạ nguồn sông Mê Công, là vùng đất độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, con người sáng tạo và cần cù lao động, có điều kiện tự nhiên phong phú, là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất của nước ta; có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế và là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo lớn của thế giới, nơi sinh sống của gần 20 triệu người dân Việt Nam. ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây cả nước và là đầu tàu xuất khẩu nông sản khi cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu; hầu hết toàn bộ sản lượng cá tra xuất khẩu; 60% kim ngạch xuất khẩu tôm và đang tăng mạnh sản lượng trái cây xuất khẩu với kim ngạch khoảng 1 tỷ đô/năm.

   Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, lịch sử, văn hóa, con người. Tuy nhiên, vùng châu thổ này cũng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mang tính sống còn. BĐKH và nước biển dâng đã ảnh hưởng nặng nề trong 100 năm qua tại đây. Khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mê Công là nguy cơ lớn. Các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người đã gây ra nhiều hệ lụy, hiện tượng sụt lún với tốc độ nhanh, sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí, tàn phá rừng ngày càng nặng nề. Bên cạnh đó, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng của đồng bằng trong khi nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng, nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH và khoảng cách phát triển ngày càng xa với thế giới trong làn sóng cách mạng 4.0.

   Diện tích đất rừng bị suy giảm, trong đó diện tích đất rừng ngập mặn trong 50 năm qua đã giảm 80%; việc gia tăng thời vụ và sản xuất nông nghiệp quá sức phục hồi của đất. Quy hoạch, đầu tư phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên kết trong khi ĐBSCL là một thể thống nhất, có gắn kết chặt chẽ với vùng TP. Hồ Chí Minh và Tiểu vùng Mê Công. Khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún cùng với nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt. Phát triển, bố trí các khu dân cư chưa hợp lý cùng với khai thác bùn, cát và thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở. Hệ sinh thái mất cân bằng, môi trường ô nhiễm, đa dạng sinh học suy giảm. Ở góc độ khu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng mạnh, làm giảm dòng chảy mùa kiệt, giảm lượng phù sa của vùng đồng bằng. Lũ nhỏ cùng với triều cường nước biển dâng làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội vùng. Suy giảm nguồn lợi thủy sản, tác động tiêu cực đến thủy sinh và đa dạng sinh học của vùng. BĐKH cũng đang tạo ra những thách thức to lớn, trong khi khả năng chống chịu còn thấp, rủi ro do thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan (mưa, bão, giông tố, lốc xoáy...) ngày càng khó lường.

   Định hình mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH

   Trước thực tế đó, Chính phủ đưa ra các giải pháp tổng thể, căn cơ trước mắt và lâu dài, định hình mô hình phát triển mới nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết tập trung những nội dung sau:

   Về tầm nhìn và quan điểm chỉ đạo

   Tầm nhìn phát triển ĐBSCL được xác định làm 2 giai đoạn đến năm 2100 và năm 2050 theo khung thời gian của Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa lớn chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp; có cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển theo hướng chủ động, thông minh với nước, thích ứng BĐKH, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD, tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 5% (so với 4.3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn; Mạng lưới kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại; Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý giữa các tiểu vùng; Bảo đảm được sinh kế của người dân trong điều kiện BĐKH và thực hiện các chuyển đổi lớn.

   Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đề cập tới 3 vấn đề gồm: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của ĐBSCL về đất, nước và đặc biệt là con người; Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa, sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị, từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Lương thực không phải là chống đói mà lương thực ngày nay phải là dinh dưỡng và phòng bệnh, chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng; Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế. Quá trình đó phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như sự liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Công.

   Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL

   Mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực thi tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh tác động của BĐKH, việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công và các điều kiện tự nhiên khác. Chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nâng cao về hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái của khu vực này.

   Xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ, nước mặn là nguồn lực của tài nguyên, bên cạnh tài nguyên nước ngọt. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng, áp dụng kinh nghiệm và công nghệ mới, khắc phục nhân tai và đối phó với thiên tai.

   Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo sự hài hòa về điều kiện tự nhiên, đất, nước, đa dạng sinh học và văn hóa, con người, phù hợp với các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa, đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt; chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là các lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với BĐKH nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

   Tiếp cận tổng thể, tích hợp, chú trọng hợp tác liên kết phát triển; tạo lập liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và cả miền Đông Nam Bộ, giữa Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, giữa Việt Nam với các nước, trước hết là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

   Chủ động hợp tác với các nước trên lưu vực sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trong lưu vực sông Mê Công để chuyển hóa thách thức thành cơ hội.

   Các giải pháp tổng thể

   Xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, định hình sự phát triển bền vững ĐBSCL phải đặt trong bối cảnh có nhiều bất định đến từ BĐKH và việc sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn, đặc biệt là về thủy văn, trầm tích, ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định của chính đồng bằng. Trước hết, cần rà soát lại các quy hoạch tổng thể ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn và ngập; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao nguồn nước ngọt, khai thác nước lợ và nước mặn ở vùng biển, bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Quy hoạch phát triển ĐBSCL phải bao gồm cả nước biển ven bờ. Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học.

   Tổ chức không gian lãnh thổ theo hướng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của vùng đồng bằng dựa trên đặc trưng sinh thái đất, nước, gắn với văn hóa, con người trong bối cảnh thích ứng với BĐKH theo các kịch bản và các tác động từ bên ngoài, đặc biệt chú trọng tạo không gian trữ nước vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, sống chung với mặn, ngọt vùng ven biển; Xác định rõ các cực tăng trưởng của vùng và có quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, bến cảng, sân bay và những khu vực phát triển nông nghiệp, kinh tế biển và các ngành kinh tế khác, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

   Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp; phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, tập trung công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản tạo thành chuỗi giá trị của vùng. Phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.

   Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng để nâng cao hiệu quả, thực chất, thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với BĐKH làm trọng tâm xuyên suốt. Phải khắc phục tình trạng quản lý nhà nước thừa, chồng chéo nhưng thiếu phối hợp, chậm ban hành một cơ sở phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng, thiếu các cơ chế, chính sách tạo nên các liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của đồng bằng. Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hóa, con người; chú trọng nâng cao tính liên kết về hạ tầng, chuỗi sản phẩm giữa các tiểu vùng trong khu vực và giữa vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Mê Công.

                        Nguyễn Hằng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn