Banner trang chủ

Phát huy ý thức trách nhiệm người cao tuổi trong sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam

20/07/2016

   Tri thức truyền thống bản địa là những tri thức được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội. Tri thức truyền thống bản địa đã và đang được tích lũy trong các thế hệ người cao tuổi (NCT), do đó cần phát huy các tri thức bản địa quý báu của NCT trong sự nghiệp BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

   Phát huy vai trò của NCT trong bảo tồn ĐDSH

   Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong cơ cấu dân số có thành phần NCT. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng NCT đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong khai thác, bảo vệ ĐDSH phục vụ cho cuộc sống. Đây là nguồn trí tuệ to lớn cần được nghiên cứu, khám phá để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và BVMT.

   Theo các nhà khoa học, từ kinh nghiệm, tri thức truyền thống của thổ dân cao tuổi thuộc Tây Ấn Độ trong sử dụng rễ cây ba gạc mà ngành dược đã sản xuất thành công thuốc an thần và hạ huyết áp Resecpine; hay các dân tộc thiểu số cao tuổi ở Bắc Âu sử dụng lá cây thông nấu nước uống vào mùa đông để tăng cường sức đề kháng của cơ thể đã giúp các nhà khoa học đương đại sản xuất thành công vitamin C; hoặc kinh nghiệm chữa trị bệnh ung thư bằng các bộ phận của cây thông đỏ của thổ dân cao tuổi Bắc Mỹ.

   Việt Nam được đánh giá là 1/16 nước trên thế giới có tính ĐDSH cao với 16.928 loài thực vật và 21.918 loài động vật phân bố trong các hệ sinh thái (HST) trên cạn, đất ngập nước, vùng biển, cùng với hàng nghìn loài cây trồng, vật nuôi trong các HST. Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trong các môi trường tự nhiên khác nhau, vùng lãnh thổ có tính ĐDSH cao, nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế và ý nghĩa bảo tồn cao. Đây cũng là nơi chứa đựng kho tàng tri thức bản địa độc đáo. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam chưa có sự đầu tư nghiên cứu để phát huy những tri thức bản địa trong cộng đồng NCT. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc giữ gìn phát huy các kinh nghiệm, các tri thức quý báu của NCT đã trải nghiệm, tích lũy trong quá trình sản xuất và cuộc sống.

   Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các già làng dân tộc Thái, Mường, Nùng, H.Mông, Ba Na, Ê đê, Za rai… bằng các kinh nghiệm trong dân gian đã sử dụng các loài lá cây để chữa trị bệnh sốt rét, cảm cúm hoặc làm lành vết thương... cho bộ đội. Để bảo vệ rừng cây và những giá trị ĐDSH của rừng, các già làng, trưởng bản còn đưa ra các bộ luật, các quy ước, hương ước quy định hành vi của con người đối với thiên nhiên, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc bảo tồn ĐDSH. Cụ thể người dân tộc Ê đê - M.Nông có quy ước dân làng không được mang củi cháy vào rừng “Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, không được cầm theo những đầu cây cháy vào rừng có thể làm cháy, hủy diệt rừng, không còn nơi để ẩn náu, không còn nước để uống…”; “Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ, rừng già không được phát rẫy, rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng, con chồn, con nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống...”.

   Người dân tộc Lào, M.Nông, Ê đê có kinh nghiệm trong việc sử dụng 243 loài thực vật làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Người Ba Na có bài học quý từ việc sử dụng 82 loài lâm sản ngoài gỗ, trong đó 55 loài có nguồn gốc từ các loài thực vật, 27 loài có nguồn gốc từ động vật; người Za rai biết chắt lọc 145 loài cây cỏ trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh.

Người Dao đỏ đã tích lũy những tri thức bản địa trong sử dụng các loài thực vật làm thuốc chữa bệnh

   Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, để bảo vệ nguồn giống trong tự nhiên, các già làng, trưởng bản có hương ước, quy ước quy định việc khai thác các sản phẩm của rừng hợp lý theo mùa vụ như khai thác tre, giang, chọn các cây đến tuổi trưởng thành, chặt cách gốc khoảng 80-100cm, phần gốc để lại làm chỗ tựa cho măng khỏi bị gió làm gãy, đồng thời tránh sự phá hoại của thú rừng; khi khai thác măng không thu hái lứa măng đầu bởi chất lượng măng chưa tốt, còn đắng, chát. Việc khai thác rau rừng, bắt cá, bắt ếch được quy định “Suối nuôi cá là của chung mọi nhà; cá dưới suối ai xúc cũng được; bắt cá lớn phải chừa cá con; bắt con ếch phải chừa con mẹ; chặt cây tre phải chừa lại cây con; bắt tổ ong phải chừa ong chúa”. Việc trồng trọt trên HST nương rẫy theo phương thức ruộng bậc thang, luân canh xen canh, gối canh với nhiều giống loài khác nhau phù hợp đặc điểm HST rừng nhiệt đới, việc thờ cúng bảo vệ các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn, các bến nước, các suối thần… nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ ĐDSH.

   Trên thực tế, các cộng đồng NCT trên mọi miền Tổ quốc đã tích lũy một hệ thống tri thức trong việc khai thác, bảo vệ, sử dụng ĐDSH thông qua các luật tục, tập quán. Bảo tồn và phát huy các tri thức bản địa truyền thống của NCT còn là triết lý về đạo đức, văn hóa ứng xử với thiên nhiên, ĐDSH.

   Đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò NCT trong bảo vệ ĐDSH

   Các thế hệ NCT trên khắp mọi miền Tổ quốc từ đồng bằng đến miền núi, biển đảo, các vùng biên giới với lòng yêu quê hương đất nước, quý trọng thiên nhiên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống. Đây là lực lượng tuy tuổi đã cao nhưng nếu biết phát huy thì sẽ có những đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH Việt Nam. Để phát huy vai trò của NCT trong bảo vệ ĐDSH, cần thực hiện một số giải pháp:

   Các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương cần nhận thức, hành động đúng về vai trò của NCT, đặc biệt tri thức truyền thống bản địa trong bảo tồn ĐDSH để có các chính sách phù hợp, khai thác, sử dụng khoa học công nghệ bình đẳng, minh bạch trong chia sẻ lợi ích có được từ vốn trí thức của họ.

Người dân Tây Nguyên bảo vệ ĐDSH các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn

   Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, các doanh nghiệp cần giúp những NCT đăng ký bản quyền vốn tri thức, giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo quyền lợi của NCT.

   Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể hội NCT có ý thức truyền đạt cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng về những tri thức bản địa có giá trị trong quản lý, bảo tồn và phát triển.

   NCT phải làm gương cho con cháu trong dòng họ, trong cộng đồng về ý thức bảo vệ rừng, chăm sóc cây xanh, cây cổ thụ, cây di sản, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã và nuôi trồng.

  NCT truyền đạt những tri thức bản địa có lợi trong bảo tồn ĐDSH cho con, cháu, cộng đồng xung quanh, phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH.

  Thế hệ trẻ cần có thái độ tôn trọng, tìm hiểu, ghi chép những tri thức quý báu của NCT trong sản xuất và đời sống để áp dụng.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Đỗ Lê Thị Minh

Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

 

Ý kiến của bạn