Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Ninh Bình Ưu tiên phát triển các dự án xanh

15/09/2015

     Được xem là một “Việt Nam thu nhỏ”, với sự hội tụ của núi, sông, biển, hồ, đảo, rừng, Ninh Bình phát triển kinh tế khá nhanh, tập trung vào những ngành chủ lực như: sản xuất công nghiệp nặng (xi măng, phân bón, thép); vật liệu xây dựng; phát triển du lịch dịch vụ… Sự phát triển đó đã tạo nên những sức ép không nhỏ trong công tác quản lý môi trường tại địa phương. Để hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT, đồng thời phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thời gian tới, Ninh Bình sẽ ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển du lịch xanh và bền vững. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về vấn đề này.   Ông Bùi Văn Thắng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình        Xin ông cho biết, Ninh Bình đã triển khai những biện pháp gì để tăng cường công tác quản lý môi trường?      Ông Bùi Văn Thắng: Trước đây, với mong muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ninh Bình đã thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp. Điều này đã tạo ra những tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành các quy định về BVMT và vận động người dân tích cực giám sát, giúp cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để các doanh nghiệp (DN) nhận thức được tầm quan trọng của môi trường và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, KCN, CCN, BVMT và an toàn lao động. UBND tỉnh yêu cầu các DN phải tuân thủ đúng Luật BVMT, thực hiện các cam kết BVMT, sử dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường để xử lý khí thải, bụi, giảm thiểu tiếng ồn và yêu cầu các DN phải thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường. Đối với các DN vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, tỉnh áp dụng các chế tài từ xem xét, cảnh cáo đến xử phạt và đề nghị các DN tạm dừng sản xuất để khắc phục ô nhiễm. Điều quan trọng nhất trong công tác quản lý môi trường nằm ở ý thức của DN, nên việc tuyên truyền BVMT cho DN được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh rất quan tâm thực hiện, thường xuyên nhắc nhở để các DN thực hiện nghiêm túc.      Tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí tại KCN Khánh Phú (huyện Yên Khánh) thời gian vừa qua đã gây bức xúc trong nhân dân, tỉnh giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?      Ông Bùi Văn Thắng: KCN Khánh Phú có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện đã có 16 dự án đi vào hoạt động sản xuất, trong đó các dự án đều có phát sinh khí thải và nước thải. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Khánh Phú đã được xem xét xử lý nhiều lần, nhưng các nhà đầu tư vẫn tái phạm, điển hình là Nhà máy Đạm Ninh Bình, gây bức xúc trong nhân dân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại KCN nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đưa ra các biện pháp xử lý. Tỉnh đã yêu cầu Nhà máy Đạm Ninh Bình tạm thời dừng sản xuất để khắc phục ô nhiễm môi trường. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp theo dõi nắm bắt tình hình hoạt động của DN. Đối với những dự án đầu tư mới UBND tỉnh chỉ đạo DN chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đi kèm với lộ trình thực hiện thì kiên quyết tạm dừng khởi công; nếu đã xong phần xây dựng mà chưa có khu xử lý nước thải, khí thải thì chưa được đi vào hoạt động. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải rút kinh nghiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; kiểm tra thường xuyên, báo cáo cơ quan chức năng, tham mưu biện pháp xử lý vi phạm...      Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển “nâu” sang phát triển “xanh”. Ông nghĩ sao về vấn đề này, liệu đây có phải là giải pháp cho Ninh Bình trong thời gian tới để hướng tới phát triển bền vững không?      Ông Bùi Văn Thắng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đang là hướng đi mà nhiều quốc gia, địa phương lựa chọn. Mô hình này là cần thiết và cấp bách, nhất là trong tình hình ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đây cũng sẽ là mục tiêu của Ninh Bình trong thời gian tới, để vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vừa góp phần tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Ninh Bình phải quản lý, khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả các KCN, CCN hiện có; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch thuộc các lĩnh vực điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin…; nghiên cứu xây dựng KCN sinh thái, áp dụng công nghệ xanh, sạch vào sản xuất. Đặc biệt, Ninh Bình sẽ hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với việc bảo vệ phát triển tài nguyên du lịch, BVMT, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.      Ninh Bình sẽ ưu tiên phát triển các dự án xanh, thân thiện với môi trường, không tiếp nhận các dự án thuộc ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm như các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho BVMT; huy động xã hội hóa, tạo sức mạnh của DN, cộng đồng tham gia BVMT; kêu gọi các nguồn lực bên ngoài để hợp tác, hỗ trợ khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư trang thiết bị quan trắc, máy móc, phương tiện để cảnh báo sự cố; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường. Ngoài ra, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với các KCN, CCN; tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân giám sát chặt chẽ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng về các hành vi xâm hại đến môi trường, hạn chế việc phá vỡ cảnh quan môi trường, tác động đến các khu du lịch nổi tiếng của Ninh Bình, cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.      Xin cảm ơn ông!               Trần Hương (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014  
Ý kiến của bạn