Banner trang chủ

Nguyên tắc Người gây ô nhiễm phải trả - Ví dụ điển hình từ việc quản lý chất thải rắn của Hàn Quốc

24/07/2018

     Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường năm 2018: Giải quyết vấn đề rác thải nhựa và túi ni lông” do Bộ TN&MT phát động, ngày 24/7/2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tổ chức Hội thảo “Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả” - Ví dụ điển hình từ việc quản lý chất thải rắn của Hàn Quốc”.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền không có một định nghĩa pháp lý cụ thể mà được hiểu xuyên suốt thông qua các quy định của pháp luật về môi trường. Dưới góc độ khái quát, nguyên tắc này được hiểu là việc sử dụng biện pháp kinh tế để tác động vào chính hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường. Nói cách khác, khi một chủ thể gây ô nhiễm môi trường thì họ sẽ phải chịu những nghĩa vụ tài chính do hành vi của họ gây ra. Môi trường được xem như một loại hàng hóa đặc biệt được lưu thông trên thị trường. Sở dĩ nó là một loại hàng hóa đặc biệt vì nó mang tính cộng đồng (không thuộc sở hữu của một cá nhân nào) và ai cũng phải sử dụng nó trong hoạt động thương mại lẫn phi thương mại. Do vậy, việc gán nghĩa vụ tài chính vào môi trường sẽ giúp quản lý một cách có hiệu quả việc sử dụng và khai thác môi trường.

     Hàn Quốc thực hiện các chính sách thúc đẩy đầu tư cho công tác BVMT thông qua áp dụng triệt để nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Trong thập niên 2000, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí môi trường. Năm 2014, tổng thu ngân sách từ các loại thuế, phí và lệ phí môi trường ở Hàn Quốc đạt 2,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao thứ 14 trong số 39 quốc gia phát triển (gồm 34 quốc gia thành viên khối hợp tác và phát triển kinh tế OECD và 5 quốc gia đối tác của khối). Hiện nay, ở Hàn Quốc, nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí môi trường đã có thể đủ bù đắp cho chi ngân sách cho hoạt động  BVMT (bao gồm cả chi cho cấp nước và BVMT thiên nhiên), tương đương với tổng mức chi môi trường chiếm hơn 2% GDP.

     Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng rất nhiều chính sách khác nhằm nâng cao hiệu suất cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư trong lĩnh vực BVMT, ví dụ như chính sách bắt buộc phân loại rác thải nguồn và chính sách đánh phí chất thải theo khối lượng xả thải, nhằm nâng cao tỷ suất tái chế chất thải; thúc đẩy các hệ thống gián nhãn sinh thái/môi trường cho các sản phẩm/dịch vụ, mua sắm xanh và lối sống xanh… nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nhóm cộng đồng và các tầng lớp xã hội khác nhau thực hiện sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và BVMT.

     Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như nợ công và thâm hụt ngân sách cao, những khó khăn này làm cho nhiệm vụ huy động vốn đầu tư cho công tác BVMT trở nên khó khăn. Do đó, Việt Nam nên tập trung ưu tiên cải cách, đồng thời, các chính sách về thuế/phí môi trường để có thể áp dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong việc huy động các nguồn đầu tư cho môi trường cũng như các chính sách môi trường khác nhằm tối đa hoá hiệu quả cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư đó.

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: Xác định vấn đề chính trong quản lý rác thải ở nước ta; Các chính sách cần thiết cho tuần hoàn tài nguyên: Thuận lợi và khó khăn ở Việt Nam; Vai trò của khoa học công nghệ trong tuần hoàn tài nguyên…

 

Hồng Nhự

Ý kiến của bạn