Banner trang chủ

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

16/01/2018

     Trồng trọt đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp và là một trong những lĩnh vực chịu nhiều rủi ro nhất trước diễn biến bất thường của thời tiết. Để duy trì sự tăng trưởng chung, ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào những cây trồng chất lượng cao; đồng thời đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)...

     Sản xuất có sự chuyển dịch mạnh

     Năm 2017,  thời tiết có nhiều diễn biến bất thường và khó lường, tác động mạnh đến ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng. Với 16 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 10 và số 12 đã gây thiệt hại lớn cho một số tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Song, với nỗ lực từ các Bộ, ngành và địa phương, tốc độ tăng trưởng bình quân của trồng trọt đã đạt 2,23%, trong đó cây hàng năm tăng 1,33% và cây lâu năm là 4,43%. Sản xuất có sự chuyển dịch mạnh, một số cây trồng hàng năm hiệu quả thấp như lúa, ngô, cây công nghiệp ngắn ngày đều giảm. Thay vào đó, diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở rộng và phát triển. Ví dụ, cây ăn quả tăng 52.500 ha; rau tăng 29.500 ha; cà phê tăng 14.100 ha; hồ tiêu tăng 22.700 ha...

     Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã được hình thành. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 1.539 cơ sở có giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) đang còn hiệu lực với diện tích hơn 20.343 ha, tập trung ở cây rau, lúa, chè, cà phê. 

 

Nông dân xã Thanh Đa,huyện Phúc Thọ, Hà Nội chăm sóc cà chua sạc

 

     Việc hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2016. Trong đó có nhiều mặt hàng nổi bật, như gạo, cao su, chè, hạt tiêu, điều... Tiêu biểu nhất là mặt hàng rau quả với giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%. Thành tựu này được coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp trong năm qua...

     Tập trung nhóm chủ lực

     Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu mức tăng trưởng năm 2018 ở lĩnh vực trồng trọt là 2%. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, trong bối cảnh BĐKH diễn ra ngày càng khắc nghiệt, các địa phương cần chủ động biện pháp ứng phó. Trong đó, tập trung tái cơ cấu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả được coi là giải pháp cốt lõi. 

     Muốn tái cơ cấu hiệu quả, các địa phương cần lựa chọn cây trồng phù hợp, tập trung vào những cây chủ lực. Cụ thể, với lúa gạo, sớm triển khai sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2018, diện tích gieo cấy lúa dự kiến đạt 7,653 triệu ha, giảm khoảng 5.200 ha so với năm 2017 (diện tích giảm chủ yếu do chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; một số diện tích chuyển đổi sang phi nông nghiệp...). 

     Đối với nhóm cây màu, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng khung thời vụ hợp lý cho từng cây trồng theo vùng để tránh tự phát dẫn đến cung vượt cầu, nông sản mất giá... Trong đó, tập trung vào nhóm rau đậu các loại (khoảng 1,12 triệu ha) gắn với sản xuất theo hướng đáp ứng các tiêu chí về nông sản sạch, an toàn... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch cho từng loại cây trồng, như đậu tương, mía, lạc, cà phê, điều… 

     Đánh giá về tiềm năng phát triển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, giá trị cao đa số nằm ở nhóm cây trồng. Do đó, việc lựa chọn cây trồng chủ lực, có quy hoạch và định hướng cần sớm triển khai ở các địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng nhóm cây ăn quả, bởi đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao. 

     Đối với nhóm này, các địa phương tập trung rà soát quy hoạch, quản lý chặt chẽ chất lượng, bảo đảm nguồn giống tốt; Đồng thời, tiếp tục tái canh thay thế diện tích cây ăn quả đã thoái hóa bằng giống mới năng suất - chất lượng tốt, phù hợp thị trường, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm; Thực hiện rải vụ thu hoạch trái cây, đặc biệt là 5 loại trái cây chủ lực vùng Nam Bộ (thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn).

     Cùng với lựa chọn nhóm cây chủ lực, theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, tăng cường sự liên kết giữa nông dân với nông dân; Giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp (sản xuất, tiêu thụ) tạo chuỗi ngành hàng. 

     Như kiến nghị của ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, để tạo điều kiện cho các địa phương tái cơ cấu, rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, giúp địa phương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, công tác nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng điều kiện không thuận lợi của môi trường và BĐKH, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa thị trường... đang là vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, khâu chế biến, thu hoạch luôn là hạn chế của nhóm hàng nông sản này, cần được quan tâm hơn nữa...

 

Châu Loan (Theo Hà Nội mới)

Ý kiến của bạn