Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Nộp phạt hơn 200 triệu vì xả thải chui vẫn… không sợ

02/10/2014

     Sự việc thuê người Trung Quốc ra lắp đường ống xả thải chui không phải là lần đầu tiên. Doanh nghiệp gây ô nhiễm này từng bị UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt 200 triệu đồng vì gây ô nhiễm, nhưng vẫn bất chấp.

     Dân làm kè ngăn không cho DN xả thải

     Sự việc 4 lao động chui người TQ bị người dân bắt quả tang lắp ống xả thải trái phép ra môi trường đêm 03/8 vừa qua tại xã Minh Hải, Văn Lâm, Hưng Yên không phải là lần đầu tiên.

     Trước đó, bà Nguyễn Thị Thịnh (SN 1936), trú tại thôn Hoàng Nha, xã Minh Hải thay mặt cho tổ dân cư số 3, khu vực phố Vàng, thôn Hoàng Nha đã có đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương.

     Trong đơn, cụ bà hơn 80 tuổi bức xúc: việc xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 5.000 người dân xã Minh Hải của doanh nghiệp Tuấn Cường Plastic kéo dài từ tháng 10/2013 đến nay.

     Ngày 19/6/2014, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra QĐ số 970/QĐ-XPVPHC xử phạt Cty Tuấn Cường Plastic số tiền 55 triệu đồng; đình chỉ hoạt động xả nước thải.

     Thế nhưng, bất chấp quyết định này, Cty Tuấn Cường và Cty TNHH Hưng Yên Plastic (do Cty Tuấn Cường thuê lại để mở rộng sản xuất) vẫn hoạt động và ngang nhiên… xả khí thải, nước thải ra môi trường!!!

     Cực chẳng đã, người dân trong thôn Hoàng Nha, thôn Ao, thôn Khách góp tiền bạc, công sức để… đắp đập ngăn chặn dòng nước thải của công ty Tuấn Cường không cho đổ ra ruộng và hệ thống tưới tiêu nông nghiệp của bà con nông dân.

 

Bờ đê được người dân đắp để ngăn doanh nghiệp xả thải

 

     “Trong thời gian người dân đắp đập, Cty Tuấn Cường lợi dụng lúc đêm khuya, trời tối đã ra phá đập chắn, bị nhân dân bắt quả tang và giao cho công an huyện Văn Lâm xử lý” - nội dung đơn của cụ Thịnh.

     Khi sự việc trên chưa “nguội” thì xảy ra việc 4 lao động Trung Quốc làm thuê chui mang dụng cụ ra tiếp tục phá đập chắn, lắp ống xả thải vào đêm 03/8 vừa qua.

     Tại hiện trường, thời điểm PV VietNamNet xuống xã Minh Hải để xác minh thông tin, bờ kè đất dài chừng 50m được người dân đắp chặn nằm ngay khu vực xả thải của Cty Tuấn Cường, sát với tỉnh lộ 196 - trục đường giao thông chính của xã Minh Hải.

     Kề bên những “ao nước” lênh láng một màu đen kịt là kênh tưới tiêu C1 Văn Lâm - hệ thống tưới tiêu chính của hàng trăm ha lúa, hoa màu của nông dân xã.

     Theo người dân, vì không làm hồ chứa nước thải, nước thải trong quá trình xử lý đồ tái chế của Cty Tuấn Cường xả thẳng ra bên ngoài, không có chỗ thoát nên dồn ứ thành các ao tù nhiều tháng qua.

     “Khi người dân phản đối mạnh quá, DN này dừng hoạt động ban ngày, nhưng ban đêm lại tiếp tục sản xuất. Nói không ngoa, người dân chúng tôi khi đi ngủ vẫn phải mang… khẩu trang. Nếu kéo dài như thế này mà không xử lý, chắc chắn chúng tôi phải di chuyển chỗ ở để đảm bảo sức khỏe về lâu dài” - một người dân cho hay.

     Từng bị phạt gần 220 triệu

     Theo chủ tịch xã Minh Hải, ông Nguyễn Song Hỷ, Cty Tuấn Cường Plastic đăng ký ngành nghề sản xuất chính là làm túi ni-lon, túi siêu thị từ các nguyên liệu sạch nhập khẩu.

     Tuy nhiên, sau đó đơn vị này đã chuyển mục đích sản xuất sang tái chế nhựa từ năm 2013.

     Trong quá trình sản xuất, đơn vị này đã xả thải không qua xử lý ra môi trường, đã bị cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên xử phạt vi phạm hành chính hai lần, với số tiền nộp phạt tương ứng là 55 triệu và gần 220 triệu đồng.

     “Mỗi ngày, họ đưa cả container nguyên liệu nhựa tái chế về xử lý. Chủ yếu là các loại vỏ bao đựng đạm, đường, café, phân lân…

     Nước giặt những vỏ bao này họ đổ thẳng ra bên ngoài, lênh láng thành ao tủ ngay ven đường 196. Ban đầu nước có màu trắng, sau chuyển màu đỏ, rồi chuyển sang màu đen kịt.

     Những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên không chịu được. Có lẽ, trong môi trường như thế không sinh vật nào sống được” – ông Hỷ thành thật.

     Trong những lần bị xử lý vi phạm trước đó, Cty Tuấn Cường Plastic đã cam kết sử dụng công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn bằng phương pháp lắng lọc, sục khí, tách dầu. Song, dù nâng công suất và lượng nước sử dụng để tẩy rửa nguyên liệu, công nghệ sử lý nước thải của đơn vị này vẫn chủ yếu là lắng lọc đơn giản; hệ thống xử lý nước thải vẫn không được cải tạo.

     Với nguồn nước thải không qua xử lý, Cty Tuấn Cường đã ngang nhiên xả trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của khu dân cư. Trong đó, hệ thống ao hồ, kênh mương của người dân xã Chỉ Đạo và Minh Hải bị ô nhiễm dẫn đến cây trồng, vật nuôi thường xuyên bị chết, không khí bị nhiễm độc gây bức xúc trong nhân dân.

 

Trần Tân

Ý kiến của bạn