Banner trang chủ

Nên thu gom, vận chuyển rác theo khung giờ hợp lý

24/10/2018

     UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo triển khai kế hoạch công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, nhằm bảo đảm chất lượng kỹ thuật và BVMT khi vận chuyển rác. Trong đó, vấn đề bố trí hợp lý giờ thu gom và vận chuyển rác để bảo đảm vệ sinh và văn minh đô thị được đặc biệt lưu tâm.

     Dần xóa các điểm thu gom rác lộ thiên

     Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 điểm tập kết rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở, không có hệ thống xử lý môi trường.

     Mặc dù giữa năm 2017, Sở TN&MT TP đã rà soát các điểm tập kết rác và phối hợp với các quận, huyện nhằm điều chỉnh, lựa chọn vị trí phù hợp, kín đáo để giải quyết các điểm tập kết rác lộ thiên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều điểm tập kết rác vẫn nằm dọc đường, ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị; thậm chí còn phát sinh các điểm lấy rác ở khu vực công viên, trước công trình đang xây dựng hoặc những vị trí mặt tiền đường trống nhà dân.

 

Các điểm tập kết rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (Nguồn: ITN)

 

     Để xử lý khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, UBND TP. Hồ Chí Minh phân cấp cho UBND 24 quận, huyện quản lý và  tổ chức thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn. Song, quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển lại “mỗi nơi một kiểu”; việc thu gom rác từ khu dân cư, phần lớn do các đường dây rác dân lập đảm trách, đưa về điểm tập kết; các công ty dịch vụ công ích quận, huyện lo vận chuyển từ điểm tập kết đến bãi rác xử lý tập trung. Tuy nhiên, việc “cắt khúc” quản lý phát sinh ra nhiều bất cập. 2 khâu này thiếu phối hợp chặt chẽ và không khớp nhau nên rác thải bị ứ đọng trên đường phố trong thời gian dài.

     Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ, trong quá trình hoạt động, lực lượng gom rác dân lập thường tập trung đổ rác tại trạm trung chuyển rác cùng một thời điểm, làm phát sinh mùi hôi, gây mất vệ sinh đường phố. Đến năm 2025, trạm trung chuyển rác này mới có thể được giải tỏa. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tiếp tục sống chung với rác.

     Bà Nguyền Thị Thanh Mỹ cũng cho biết thêm, giảm điểm tập kết rác lộ thiên, hạn chế mùi hôi phát tán vào môi trường là câu chuyện dài, cần có lộ trình. Bởi thực tế hiện nay, các đơn vị thu gom rác chủ yếu là dân lập, không có quy định cụ thể giờ thu gom, vận chuyển rác. Có nơi lấy rác vào ban đêm, có nơi vào buổi sáng, cũng có nơi chiều tối. Việc thu gom rác không theo giờ cố định, không phân bổ giờ khoa học sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân.

     Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ lập được các điểm tập kết rác kín, việc cần giải quyết ngay là bố trí hợp lý giờ thu gom và vận chuyển rác. Theo đó, nên quy định khung giờ thu gom rác ở từng khu dân cư và giờ vận chuyển rác không nằm trong giờ hành chính. Mọi hoạt động thu gom và vận chuyển diễn ra vào ban đêm, để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Về lâu dài, dù TP. Hồ Chí Minh có chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thì việc quy hoạch, sắp xếp giờ thu gom rác trong các khu dân cư và ép rác, vận chuyển rác về bãi vẫn cần được bố trí hợp lý. Qua đó, hạn chế cảnh rác thải chất đống trên đường phố, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến môi trường, giao thông.

 

Hồng Nhung

 

 

Ý kiến của bạn