Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững

05/05/2016

   Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ phát động “Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững 2016”. Chương trình tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12 về việc xếp hạng doanh nghiệp (DN) bền vững từ năm 2016. Để hiểu rõ hơn về hiệu quả Chương trình, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI

   Đây là năm đầu tiên VCCI tổ chức Chương trình đánh giá, xếp hạng DN phát triển bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, vậy xin ông cho biết một số các tiêu chí cũng như đối tượng tham gia xếp hạng ?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững được thực hiện dựa trên Bộ Chỉ số DN bền vững (Corporate Sustainability Index-CSI). CSI là thước đo giá trị thực sự của DN thông qua các tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển xã hội và BVMT. CSI bao gồm 14 chỉ số đánh giá các thông tin chung, 137 chỉ số đánh giá hoạt động, tác động của DN trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, về kinh tế, CSI thiết kế 20 chỉ số tập trung vào các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Về môi trường, CSI thiết kế 32 chỉ số đánh giá việc tuân thủ pháp luật Việt Nam của DN về BVMT, phòng ngừa ô nhiễm, khắc phục sự cố, cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ các tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, đất, nước, không khí, tiếng ồn… CSI áp dụng 85 chỉ số để đánh giá về các vấn đề liên quan đến xã hội, lao động và quyền con người…

   Sau khi hoàn thiện, CSI đã được áp dụng thí điểm tại 20 DN có quy mô, lĩnh vực hoạt động khác nhau trên địa bàn một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Các DN đánh giá CSI có thiết kế chuyên nghiệp, nội dung bao quát toàn diện, rõ ràng, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của DN về PTBV.

   Tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia xếp hạng nếu đạt được các điều kiện sau: Có chiến lược phát triển bền vững (PTBV) toàn diện; Nhận thức rõ về lợi ích của PTBV là bộ khung chính để DN xây dựng bộ máy hoạt động, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng; Hoạt động kinh doanh hiệu quả.

   Thưa ông, Chương trình đánh giá xếp hạng DN bền vững có ý nghĩa như thế nào nhằm thúc đẩy PTBV trong cộng đồng DN, đồng thời góp phần hiện thực hóa Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và sử dụng các sản phẩm của những DN thực hiện tốt các cam kết PTBV. DN thực hiện tốt PTBV sẽ có ưu thế kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình đánh giá, xếp hạng các DN bền vững Việt Nam được tổ chức nhằm đánh giá mức độ thực hiện PTBV của DN, từ đó khuyến khích DN áp dụng các hoạt động liên quan đến PTBV. Tham gia vào Chương trình, DN có nhiều lợi ích như nâng cao uy tín với khách hàng và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), cải thiện hiệu quả kinh doanh, xác định cơ hội và rủi ro, nâng cao lợi thế cạnh tranh góp phần vào thực hiện hóa Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2015

   Để triển khai hiệu quả Chương trình, VCCI có những giải pháp cụ thể gì nhằm hỗ trợ DN duy trì, phát triển thương hiệu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế?

   Ông Nguyễn Quang Vinh: Chính phủ đã giao cho VCCI và VBCSD là đầu mối triển khai 17 mục tiêu PTBV tại Việt Nam. Năm 2016, VCCI lựa chọn những mũi nhọn ưu tiên như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Mục tiêu thứ 16 đề cập đến cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh. Nếu bạn quan tâm đến việc nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam thì chắc hẳn sẽ nhận ra, không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao năng suất lao động cho các ngành kinh tế. VCCI mới công bố báo cáo về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN trong 3 ngành: cao su, chè và cà phê. Qua đó xây dựng các báo cáo khuyến nghị, tham vấn chính sách cho Chính phủ và đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong những ngành này. Đây cũng là cách thức VCCI lựa chọn trong hỗ trợ DN thực hiện PTBV.

Thứ nhất, không áp đặt tư duy, không nhìn từ bên ngoài, VCCI đồng hành cùng DN, nhận biết vấn đề nào cản trở, vấn đề nào cần phát huy và từ đó đưa ra bộ giải pháp. Những DN được khảo sát đánh giá cao cách làm này.

Thứ hai, tập trung vào Chương trình Hành động Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh giai đoạn 2015 - 2019, tạo nên một khối thống nhất hành động. Các DN trong cùng ngành tham gia ký kết thỏa ước liêm chính và các bên liên quan, cụ thể là cơ quan Thuế, Hải quan và các ngân hàng công bố cam kết liêm chính ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tạo ra sự cộng hưởng cần thiết giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và cho cả quốc gia.

Thứ ba, thực hiện mục tiêu về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Trong đó, VCCI đang triển khai gắn mã số xanh cho nông dân, DN, đưa họ từ chỗ “vô hình” trở nên “hữu hình” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, áp dụng bộ chỉ số PTBV, đó là cơ sở để tiến hành xếp hạng DN.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng phó với BĐKH…

Xin cảm ơn ông.

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn