Banner trang chủ

Nâng cao nhận thức cho học sinh về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Cầu

23/10/2017

     Với chiều dài khoảng 290 km, sông Cầu là con sông quan trọng trong hệ thống sông Thái Bình và là huyết mạch giao thông đường thủy gắn kết kinh tế - văn hóa giữa các địa phương với tổng lượng nước hàng năm khoảng 4,5 tỷ m³/ngày, đêm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, lưu vực sông (LVS) Cầu ngày càng bị ô nhiễm bởi tình trạng khai thác khoáng sản, làng nghề và các khu công nghiệp trải dài trên 6 tỉnh có dòng sông chảy qua, gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một phần Hà Nội. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường các LVS, trong đó có LVS Cầu, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS, với mục tiêu nâng cao năng lực thực thi hoạt động quản lý môi trường nước của Bộ TN&MT và một số Sở TN&MT.

 

Các em học sinh trường PTTH Chuyên Bắc Giang thực hiện việc lấy mẫu

phân tích mẫu nước sông Cầu

 

     Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, thời gian qua, JICA đã phối hợp với Sở TN&MT Bắc Giang, Công ty TNHH Môi trường Đất Việt và một số trường THPT, THCS trên địa bàn TP. Bắc Giang tổ chức trải nghiệm thực tế cho học sinh lấy mẫu, phân tích một số chỉ tiêu nước mặt trên LVS Cầu tại các điểm từ thượng nguồn đến hạ nguồn của LVS chảy qua tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm này là giúp các em học sinh có kiến thức sâu hơn về môi trường nước sông, khơi dậy và nâng cao ý thức BVMT nước sông cho các em học sinh, từ đó lan tỏa tình yêu đối với dòng sông quê hương trong gia đình, cộng đồng. Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Bắc Giang Ngô Quang Trường cho biết, hoạt động lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thông qua việc sử dụng máy đo Multi Meter và bộ thử nhanh test kit do Jica cung cấp để đo một số chỉ tiêu (pH, COD, NH4+, Fe) trong môi trường nước mặt  diễn ra trong 3 ngày 26/8, 23/9 và 21/10/2017 tại 3 điểm thuộc các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng (Bắc Giang). Qua các hoạt động trải nghiệm này để các em học sinh có thể hiểu thêm thực trạng môi trường nước mặt LVS Cầu hiện nay, đánh giá nhanh mức độ ô nhiễm dựa trên một số chỉ tiêu cơ bản trong môi trường nước sông và nhận thức được tầm quan trọng về công tác BVMT nước.

     Theo ông Keichi Takahashi - Cán bộ tư vấn, chuyên gia quản lý dữ liệu, công bố thông tin và nâng cao nhận thức cộng dồng của Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS, việc lựa chọn máy đo Multi Meter và bộ thử nhanh test kit  là do các thiết bị này rất đơn giản, dễ sử dụng, giúp các em học sinh dễ dàng nhận biết các chỉ tiêu, cũng như chất lượng nước tại 3 điểm lấy mẫu. Các thiết bị quan trắc trên được sản xuất tại Nhật Bản và hiện được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới để phân tích nhanh các thông số trong môi trường. Trong 3 buổi trải nghiệm, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Chi cục BVMT Bắc Giang, Công ty Môi trường Đất Việt và chuyên gia Dự án, tất cả các em học sinh có thể tự đo chất lượng nước sông bằng bộ thử nhanh. Kết quả phân tích được so sánh giữa 3 điểm và so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cột A2  (dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp; hoặc dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi; hoặc các mục đích sử dụng giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu chất lượng thấp). Theo đó, giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước mặt được quy định như sau: Nồng độ pH nằm trong khoảng 6 - 8.5, COD là 15 mg/l, NH4+ là 0,3 mg/l và Fe là 1 mg/l. Qua 3 đợt lấy mẫu và phân tích của các em học sinh, kết quả cho thấy, trong cả 3 đợt, chỉ tiêu pH và Fe tại 3 điểm phân tích (Cầu Vát, huyện Hiệp Hòa; Cầu Đáp Cầu, huyện Việt Yên; cầu Yên Lư, huyện Yên Dũng) đều nằm trong giới hạn cho phép; 2 chỉ tiêu COD và NH4+ đã vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A2. Nồng độ các chất ô nhiễm COD và NH4+ giảm dần từ thượng nguồn đến hạ nguồn của 3 điểm phân tích.

 

Chất lượng nước LVS Cầu đoạn chảy qua Bắc Giang bị suy giảm bởi tác động

của các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác cát sỏi…

 

     Đánh giá về thực trạng môi trường nước sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Bắc Giang Ngô Quang Trường chia sẻ, hiện nay, môi trường LVS Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chịu nhiều tác động của hoạt động sản xuất - công nghiệp, sinh hoạt, khai thác cát sỏi, kinh doanh vật liệu xây dựng… trên dọc LVS Cầu, đặc biệt là nước thải từ hoạt động sản xuất của làng nghề làm giấy Phong Khê (Bắc Ninh) xả vào LVS Cầu, gây ô nhiễm. Trước tình hình đó, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác BVMT tại các khu vực giáp ranh, liên huyện, liên tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, địa phương khu vực giáp ranh trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường tại khu vực này. Đặc biệt, Sở TN&MT Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT Bắc Ninh giải quyết phản ánh của người dân các xã Quang Châu, Ninh Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) về việc nước thải làng nghề làm giấy Phong Khê gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết trên sông Cầu. Đối với các KCN dọc theo sông Cầu, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp trong KCN, đảm bảo việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, Sở còn triển khai một số dự án như dự án khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Vân Hà và tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên LVS Cầu. Trong đó, Chương trình trải nghiệm về quan trắc nhanh chất lượng nước sông Cầu của các em học sinh Bắc Giang là hoạt động thiết thực, là điểm nhấn thành công trong công tác tuyên truyền về BVMT, góp phần chuyển tải thông điệp đến toàn thể mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ để cùng nhau giữ gìn dòng sông quê hương.

 

Giáng Hương

 

Ý kiến của bạn