Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường

09/01/2017

   Pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh. Thời gian qua, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều và ngày càng hoàn thiện nhưng công tác theo dõi thực thi, áp dụng pháp luật còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT tại Vĩnh Long

   BVMT là lĩnh vực mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Đo vậy, việc đánh giá, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVMT, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

   Cũng giống như các ngành luật khác, theo dõi thi hành pháp luật về BVMT là hoạt động mới, nội dung, yêu cầu theo dõi rộng và phức tạp. Tuy vậy, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật nhiều nơi vẫn chưa đầy đủ và quan tâm đúng mức, hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật về BVMT vẫn chưa chặt chẽ. Các hình thức đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật còn đơn điệu, chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm tra và thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật từ các phương tiện truyền thông đại chúng chưa thường xuyên, chậm được thực hiện, hoặc nếu được triển khai thực hiện thì chủ yếu là tiếp nhận và kiến nghị xử lý.

   Thời gian vừa qua, đã có những hoạt động, nhiệm vụ có nội dung liên quan đến việc theo dõi, đánh giá việc thi hành pháp luật về BVMT. Trong số đó có thể kể đến như: tổng kết thi hành Luật BVMT phục vụ xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) (Bộ TN&MT chủ trì thực hiện năm 2012), hoạt động giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT (Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011, 2012)… Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ được thực hiện ở những thời điểm nhất định, mang tính chất của hoạt động đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật sau khi thi hành hoặc là hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, không phải thực hiện thường xuyên đúng như yêu cầu của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

   Để bảo đảm nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật là phải thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn… Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT không thể thực hiện một cách dàn trải trên phạm vi rộng mà mỗi thời điểm cần có sự lựa chọn để tập trung một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm tính toàn diện.

   Việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT phải rất hợp lý để phát hiện được các chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất, để kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, ban hành mới một cách đồng bộ. Khi tổ chức thực hiện công tác này phải có sự đánh giá tổng hợp với cùng một đối tượng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm pháp luật có liên quan; tổng hợp tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; xem xét hiệu quả tổng hợp của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và tính hợp lý của các quy định pháp luật; đánh giá tổng thể các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật trên toàn bộ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; từ đó có những điều chỉnh đồng bộ, phù hợp. Chính vì vậy, cần có sự lồng ghép trong các nội dung và hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT để đạt được hiệu quả tối đa.

   Theo quy định hiện hành, nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về BVMT nói riêng bao gồm rất nhiều vấn đề như: tính thống nhất, đồng bộ của văn bản; tính khả thi của văn bản; tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Đây là những vấn đề còn rất chung, khó xác định và chưa định lượng rõ ràng. Việc đánh giá về các vấn đề này nếu không dựa trên các tiêu chí cụ thể sẽ là những nhận định chủ quan, không có cơ sở rõ ràng, tính thuyết phục không cao; để đánh giá chính xác cần phải nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể, khoa học. Việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá những vấn đề nêu trên đối với hệ thống pháp luật về BVMT bao gồm rất nhiều văn bản, quy định là một vấn đề lớn, phức tạp, khó khăn, rất cần có sự đầu tư nghiên cứu công phu.

   “Tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” là trách nhiệm của Bộ trưởng - Thủ lĩnh ngành được quy định như một nguyên tắc hiến định tại Điều 99 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Để tổ chức hiệu quả hoạt động này, một trong những yêu cầu đặt ra với các Bộ, ngành là cần phải nghiên cứu, ban hành Khung theo dõi thi hành pháp luật phù hợp với đặc thù quản lý. Đối với lĩnh vực BVMT, khung theo dõi thi hành pháp luật cần được nghiên cứu, xây dựng và phải bảo đảm các yêu cầu:

   Thứ nhất, khung theo dõi phải phản ánh đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, chính xác: Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá tại Khung theo dõi cần rõ ràng, cụ thể, mang tính định lượng, có thể so sánh, đánh giá được. Kết quả đánh giá được sắp xếp, phân loại một cách khoa học theo các mức độ khác nhau, có sự so sánh giữa các năm với nhau. Có như vậy mới đánh giá chính xác được kết quả thực hiện so với cùng kỳ năm trước.

   Thứ hai, khung theo dõi phải bảo đảm tính xã hội: Trên cơ sở các nội dung tại Khung theo dõi, có thể cho phép các tổ chức, cá nhân (không là cơ quan nhà nước) được tham gia vào quá trình đánh giá việc thi hành pháp luật về BVMT, đặc biệt là tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước và của tổ chức, cá nhân. Sự tham gia của cộng đồng vào quá trình đánh giá việc thi hành pháp luật về BVMT sẽ bảo đảm được tính minh bạch trong công tác đánh giá tình hình thi hành pháp luật về BVMT. Đồng thời, thông qua việc đánh giá này, cơ quan nhà nước sẽ nhận được sự phản hồi ngược trở lại từ phía tổ chức và cá nhân để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi của pháp luật về BVMT.

   Thứ ba, khung theo dõi phải bảo đảm tính “mở” nhằm từng bước được đổi mới, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội hiện tại và trong tương lai.

   Do môi trường là lĩnh vực đa ngành, có phổ rộng nên cần có sự phân nhóm để thực hiện có hiệu quả hoạt động đánh giá, theo dõi thi hành pháp luật. Trong thiết kế xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật về BVMT có thể xác định các nhóm nội dung chính để đánh giá như: nhóm quy định về đánh giá môi trường bao gồm các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, đề án BVMT; nhóm quy định về quản lý chất thải bao gồm các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại, quản lý chất thải rắn thông thường, quản lý khí thải, quản lý nước thải, quản lý các chất thải đặc thù, quản lý sản phẩm thải bỏ, quản lý phế liệu nhập khẩu; nhóm quy định về kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường gồm các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, cải tạo phục hồi môi trường, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; nhóm quy định về thông tin, báo cáo quan trắc với các quy định về chế độ công khai thông tin, chế độ báo cáo, chương trình quan trắc và giám sát môi trường; nhóm quy định về trách nhiệm BVMT bao gồm trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư… Tại mỗi nhóm quy định sẽ tập trung đánh giá theo dõi thi hành trên tất cả các yêu cầu của công tác này bao gồm tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật.

   Để công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT được thực hiện một cách thuận lợi, có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan trong Bộ TN&MT và giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Có như vậy, nội dung theo dõi về tình hình thi hành pháp luật về BVMT mới bao quát một cách đầy đủ, toàn diện. Sự tham gia, phối hợp này phải trên nguyên tắc là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định. Do vậy, rất cần có sự nghiên cứu để xác định, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan có liên quan trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BVMT như cơ chế phối hợp trong việc xây dựng Kế hoạch và thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch để tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật (nội dung, địa bàn, thời gian…) và việc lồng ghép hoặc phối hợp cùng thực hiện; phương thức, chế độ thông tin, báo cáo và các nội dung thông tin, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật… để kết quả đạt hiệu quả cao. Khi phát hiện được những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, thì đơn vị có trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật và kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Việc xem xét, kiến nghị, giải quyết các kiến nghị này cần phải được quy định rõ trách nhiệm, trình tự… cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả kịp thời của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc xử lý đối với các vấn đề bức xúc mà thực tiễn thi hành pháp luật đặt ra.

   Việc đánh giá theo dõi thi hành pháp luật BVMT cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và cập nhật đầy đủ phản ánh từ doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong áp dụng pháp luật BVMT nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm pháp luật được tuân thủ và thực thi có hiệu quả trong cuộc sống.

ThS. Đoàn Thị Thanh Mỹ

Bộ TN&MT

ThS. Lê Minh Ánh

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn