Banner trang chủ

Kinh nghiệm mua sắm công xanh của một số quốc gia châu Á

03/05/2018

 

     Mua sắm công xanh (MSCX) là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách này cũng góp phần hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon thấp. Một số quốc gia Châu Á đang nỗ lực triển khai mua sắm công xanh từ cấp độ tự nguyện đến bắt buộc và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

     Theo cộng đồng chung châu Âu, MSCX là quá trình mà các cơ quan quản lý nhà nước tìm cách giảm các tác động về môi trường của hàng hóa, dịch vụ mua sắm trong suốt vòng đời của sản phẩm/dịch vụ so với việc mua sắm những hàng hóa và dịch vụ khác có cùng chức năng theo cách thông thường. MSCX đem lại lợi ích về môi trường, cho phép các cơ quan nhà nước đạt được mục tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, MSCX cũng có những tác động đến thị trường và tiêu dùng cá nhân, điều này thể hiện các cam kết của khu vực công đối với BVMT, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

     Tại Nhật Bản

     Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng MSCX. Ngay từ những năm 1980, mua sắm xanh (MSX) đã được áp dụng thông qua Chương trình thị trường sinh thái hay Chương trình nhãn môi trường loại 1 (năm 1989). Đến năm 1994, chính quyền địa phương bắt đầu áp dụng MSX. Sau đó Mạng lưới MSX được thành lập vào năm 1996 nhằm hỗ trợ các hoạt động MSX trên phạm vi cả nước. Năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật về Tăng cường mua sắm hàng hóa, dịch vụ thân thiện sinh thái đối với khu vực công và các đối tượng khác, nhằm mở rộng thị trường sản phẩm thân thiện môi trường. Năm 2007, Luật Hợp đồng xanh khuyến khích các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác xem xét giảm phát thải khí nhà kính trong việc chi trả các hợp đồng dự án dịch vụ điện, ô tô và năng lượng. Luật Hợp đồng xanh và Luật Tăng cường MSX đã thiết lập khung pháp lý tại Nhật Bản đối với chính sách MSCX.

     Theo Luật Tăng cường MSX, Bộ Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng chính sách cơ bản về MSCX, bao gồm tiêu chí đánh giá cho các mục mua sắm. Mỗi cơ quan chính phủ và tổ chức công cộng sẽ tự thiết lập chính sách mua sắm của đơn vị và báo cáo kết quả cho Bộ trưởng Môi trường định kỳ mỗi năm một lần. Bộ Môi trường phối hợp với các Bộ liên quan và các chuyên gia xây dựng và sửa đổi các chính sách cơ bản. Tư vấn cho Bộ Môi trường là Ban đánh giá bao gồm các chuyên gia kỹ thuật và các bên liên quan.

     Các tiêu chí đánh giá được đưa ra trong Luật Tăng cường MSX bao gồm các giá trị đảm bảo tính khách quan, chất lượng và hiệu quả đối với các sản phẩm và dịch vụ. Cơ sở dữ liệu trực tuyến về danh mục các sản phẩm được ghi nhãn môi trường luôn sẵn có và dễ dàng truy cập đối với người tiêu dùng.

     Tính đến tháng 2/2016, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành tiêu chí đánh giá đối với 270 sản phẩm trong 21 danh mục tăng so với năm 2001 chỉ có 101 sản phẩm trong 14 danh mục. Các hạng mục mua sắm sẽ được bổ sung sau khi thảo luận và được chấp thuận bởi nội các. Áp dụng chính sách MSCX đã đem lại những kết quả đáng kể cho Nhật Bản. Theo khảo sát của Bộ Môi trường năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng MSCX cho 189 hạng mục mua sắm chiếm 95% tổng các hạng mục, tăng so năm 2001 chỉ có 44% hạng mục mua sắm.

     Nhằm tăng cường MSCX, các tổ chức ghi nhãn môi trường và các tổ chức phi lợi nhận cũng chủ động triển khai thông qua các chương trình vinh danh gương tiêu biểu. Bộ Môi trường cũng cung cấp các thông tin cụ thể về các chính sách, hướng dẫn đánh giá tiêu chí và phạm vi của các hạng mục đấu thầu được chỉ định. Website hỏi đáp về vấn đề này cũng là công cụ quan trọng để tăng cường thực hiện MSCX.

     Ở Hàn Quốc

     Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia châu Á thứ hai triển khai thực hiện MSCX từ rất sớm. Từ năm 1992, Bộ Môi trường Hàn Quốc ban hành Chương trình nhãn sinh thái Hàn Quốc. MSCX chính thức được áp dụng thông qua nhãn sinh thái theo Luật Phát triển và hỗ trợ Công nghệ môi trường vào năm 1994. Các cơ quan nhà nước khuyến khích ưu tiên mua sắm các sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, tại thời điểm đó các sản phẩm được dán nhãn còn rất hạn chế và thiếu hệ thống giám sát.

     MSCX đã được triển khai mạnh mẽ hơn khi Bộ Môi trường Hàn Quốc ban hành Luật khuyến khích MSCX vào năm 2005, sau này được đổi tên thành Luật tăng cường MSCX vào năm 2012. Theo đó, đầu năm, các cơ quan nhà nước (Trung ương, địa phương và các tổ chức xã hội) phải đệ trình kế hoạch triển khai MSX của năm và các báo cáo thực thi của năm trước cho Bộ Môi trường.     

     Theo Luật Khuyến khích MSCX 2005, Bộ Môi trường ban hành kế hoạch triển khai theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2006-2010): hỗ trợ thiết lập cơ sở pháp lý, rà soát các kế hoạch MSCX và đánh giá quá trình thực thi, quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong MSCX, mở rộng các đơn vị áp dụng mục tiêu; Giai đoạn 2 (2011 – 2015): tăng cường nhận thức về lối sống bền vững và phát triển MSX đối với người tiêu dùng nói chung; Giai đoạn 3 (2016 – 2020): Đa dạng hóa các sản phẩm xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

     MSCX được triển khai thực hiện liên kết với Chương trình nhãn sinh thái nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí hành chính. Nhằm thực thi Luật 2005, chính phủ Hàn Quốc cũng đã phát triển các sản phẩm dán nhãn sinh thái về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Mỗi cơ quan nhà nước sẽ phải tự thiết lập mục tiêu tự nguyện và báo cáo cho Bộ Môi trường.

     Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc (KEITI), thuộc Bộ Môi trường có trách nhiệm điều hành và giám sát hệ thống MSCX và nhãn sinh thái Hàn Quốc, ban hành các hướng dẫn cho các nhà cung cấp, đào tạo tập huấn các đối tượng mua sắm và khảo sát nhu cầu, tổ chức các hội thảo vinh danh tấm gương tiêu biểu, tổ chức trao thưởng quốc gia cho các đơn vị có kết quả triển khai tốt.

     Năm 2005, KEITI đã thiết lập dữ liệu trực tuyến là hệ thống thông tin sản phẩm xanh (GPIS) nhằm giám sát và báo cáo các quá trình mua sắm một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. Có khoảng 60% trên tổng số dữ liệu MSCX được tự động cập nhập trực tuyến tại GPIS. Dữ liệu MSCX được tải lên website của Bộ Môi trường và GPIS nhằm hỗ trợ cộng đồng có thể dễ dàng truy cập và so sánh các kết quả. Thêm vào đó, các dữ liệu được công khai trên các phương tiện truyền thông lớn nhằm khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tổ chức công.

     Tổng chi công cộng cho MSX đã tăng gấp ba từ 254,9 tỷ KRW vào năm 2004 lên 787 tỷ KRW vào năm 2005 và lên đến 1.727 tỷ KRW năm 2012. Đến năm 2016, số lượng sản phẩm này tăng gấp 51 lần so với năm 2001 đạt 16.759 sản phẩm. Tính đến tháng 2 năm 2018, có 15.542 sản phẩm được cung cấp bởi 3.650 công ty trong 165 danh mục sản phẩm của danh sách các sản phẩm xanh. Ước tính giảm phát thải khí 3,1 triệu tấn CO­2, tương đương với tiết kiệm 54,5 tỷ KRW và tạo ra 12.143 việc làm mới.

     Mặc dù đã thu được những kết quả đáng kể, tuy nhiên thực thi MSCX tại Hàn Quốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. MSCX mới chỉ chiếm 5-6% trong tổng số chi phí mua sắm nội địa. Điều này một phần là do giá các sản phẩm xanh còn tương đối cao, ví dụ như đồ gỗ và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các khiếu nại về chất lượng một số sản phẩm xanh cũng là một rào cản cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm này. Tại Hàn Quốc, có một số quy định phân mảng về mua sắm công. Vì vậy MSX có thể không phải là ưu tiên hàng đầu cho một số nhà thầu hoặc tổ chức khi phải đối mặt với rất nhiều tiêu chí khác nhau để đạt được tiêu chuẩn xanh.

     Thái Lan

     MSCX được Chính phủ Thái Lan tăng cường áp dụng bắt đầu từ năm 2005. Cục quản lý ô nhiễm (PCD) thuộc Bộ TN&MT đã bắt đầu phát triển các tiêu chí MSCX đối với 14 sản phẩm và 3 dịch vụ được sử dụng phổ biến nhất tại các cơ quan nhà nước và áp dụng thí điểm ở Bộ. Đây là một phần chính sách quan trọng theo triết lý kinh tế bền vững của nhà vua Thái Lan trong Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 10 và 11 và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường: “Các cơ quan Chính phủ phải đi đầu trong MSX. Nhằm tạo ra thị trường phù hợp cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường”.

     Chính phủ Thái Lan đã tiếp tục xác nhận cam kết này thông qua Nghị quyết Chính phủ vào ngày 22/1/2008 về Kế hoạch xúc tiến MSCX lần thứ nhất giai đoạn 2008 – 2011 đối với cơ quan Trung ương. Trong năm 2012, Kế hoạch xúc tiến MSCX lần 2 giai đoạn 2013-2016 đã được soạn thảo để thúc đẩy hơn nữa MSCX tự nguyện, từ Trung ương đến địa phương và tổ chức công cộng. Tháng 9/2017, Kế hoạch xúc tiến MSCX lần 3 giai đoạn 2017 – 2021 đã được soạn thảo nhằm tăng cường các cơ quan nhà nước đối với MSCX, hỗ trợ các đơn vị tư nhân đối với các sản phẩm xanh và phát triển thị trường sản phẩm xanh và thay đổi hành vi mua sắm sang mua sắm bền vững. Kế hoạch 3 đã được được Ủy ban Môi trường Quốc gia phê duyệt và đang chờ phê chuẩn của nội các.

     Chương trình MSCX hiện nay được áp dụng tự nguyện tại Thái Lan. Trong Dự thảo Kế hoạch lần 3, tiêu chí MSCX được áp dụng cho 22 sản phẩm, 6 dịch vụ và 1 nhãn giảm thiểu dấu chân cácbon (dành cho các sản phẩm chưa đạt đến nhãn xanh nhưng đã đạt được một số tiêu chí nhất định). Các tiêu chuẩn MSCX đã được xây dựng bởi Tiểu ban Kỹ thuật dựa trên tiêu chuẩn vận hành và đánh giá vòng đời. Các tiêu chí tương ứng với các chương trình sinh thái khác có ở Thái Lan như nhãn xanh Thái Lan. Tất cả các mô hình sản phẩm được xác minh sẽ được liệt kê trên trang website MSCX do PCD triển khai.

     Chính phủ quốc gia Thái Lan thường xuyên giám sát chi tiêu mua sắm thông qua hệ thống trực tuyến GFMIS. Trên thực tế việc thực hiện MSCX dựa trên cơ sở tự nguyện, kết quả MSCX được thu thập hai lần một năm bằng cách tự báo cáo từ các cơ quan thực hiện cho PCD dưới dạng văn bản hoặc trực tuyến. Báo cáo tóm lược hàng năm được trình lên nội các, và đăng trên trang website MSCX. Việc thực hiện báo cáo tự nguyện dẫn đến việc hiệu quả thực hiện MSCX chưa cao. Vào cuối giai đoạn MSCX đầu tiên chỉ có 40% các cơ quan thực hiện đã nộp báo cáo kết quả mua sắm.

     Có thể nói, MSCX đem lại lợi ích về môi trường, cho phép các cơ quan nhà nước đạt được mục tiêu về môi trường. Đây là công cụ hiệu quả để giải quyết các vấn đề về môi trường như phá rừng, phát thải khí nhà kính, sử dụng nước, năng lượng hiệu quả, ô nhiễm môi trường, rác thải, nông nghiệp bền vững. Kinh nghiệm áp dụng mua sắm công xanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan là những bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc sớm triển khai áp dụng chính sách mới này.

MSCX là công cụ hiệu quả để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường

 

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, TS. Nguyễn Hải Yến

Viện Khoa học Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

 

 

Ý kiến của bạn